Giáo viên vùng cao Gia Lai băng rừng tìm học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày đầu năm học mới 2019-2020, mặc trời mưa như trút nước, một nhóm thầy-cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vẫn vượt núi băng rừng vận động học sinh đến trường.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS (PTDTBT Tiểu học-THCS) Krong lọt thỏm giữa bốn bề núi cao và cách thị trấn Kbang khoảng 50 km. Đây là xã có 100% dân số là người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào Bahnar. Cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn nên chuyện học của trẻ chưa được chú trọng. Để học sinh đến trường theo học con chữ, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học-THCS Krong thường xuyên phải gõ cửa từng nhà hay vượt rừng vận động phụ huynh cho con đến trường.
Mặc dù trời mưa như trút nước nhưng các thầy-cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học-THCS Krong vẫn tranh thủ đến từng nhà vận động gia đình các em. Chúng tôi cùng thầy Dương Văn Phúc-Phó Hiệu trưởng nhà trường và một nhóm giáo viên đến các làng: Pờ Ngăl, Adrong, Blur, Klưk… tìm học sinh. Đưa tay vuốt nước mưa chảy ướt khuôn mặt, thầy Phúc nói: “Đi miết nên quen thôi. Không đi vận động thì các em không đến trường mà ở nhà phụ việc gia đình và sẽ thất học. Có gia đình vì không có phương tiện chở con đến trường, chúng tôi đến chở giúp”.
Giáo viên đến tận nhà vận động học sinh đến trường. Ảnh: Hoành Sơn
Giáo viên đến tận nhà vận động học sinh đến trường. Ảnh: Hoành Sơn
Mưa vẫn không ngớt. Chúng tôi chạy xe đến làng Klưk. Trong ngôi nhà sàn, Đinh Niem (lớp 6) đang đắp chăn nằm trên giường, bà ngoại em túc trực bên cạnh. Niem đang bị sốt. Bà ngoại em bảo là đã nghe Trưởng thôn báo lại là nhà trường nhắn đưa hai chị em Niem và Nươi đến trường học hành. Gia đình định đưa đi nhưng em Niem sốt nên để khi nào khỏi thì cho 2 chị em đi học luôn.
Rời nhà em Niem, chúng tôi đến nhà em Miu. Năm nay, Miu lên lớp 9 nhưng hay ngại nên không muốn theo học nữa. Mấy lần trước, thấy giáo viên đến thì em trốn sang nhà khác. Hôm nay gặp ở nhà, em bảo mai sẽ đến trường.
Chúng tôi tiếp tục theo chân các giáo viên đến các làng khác tìm học sinh nhưng rất khó gặp. “Bà con làm rẫy trong núi cách xa làng rồi ở lại trong các nhà đầm. Đang giữa mùa mưa, nước sông Ba lớn gây chia cắt đường về làng nên họ thường ở trong đó nhiều ngày. Hôm sau khô ráo, chúng tôi sẽ quay lại làng vận động hoặc lên nhà đầm tìm các em”-thầy Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.
Đến cuối ngày, sau nhiều nỗ lực, hai em Dioe và Key (lớp 6, trú làng Pờ Ngăl) được gia đình đồng ý để thầy giáo chở đến trường theo học. Niềm vui hiện lên trong ánh mắt của các em và cả giáo viên đi vận động.
Giáo viên trên đường đưa học sinh về trường. Ảnh: H.S
Giáo viên trên đường đưa học sinh về trường. Ảnh: H.S
Trao đổi với P.V, thầy Nguyễn Văn Thuấn-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học-THCS Krong có 236 học sinh. Trong đó, bậc Tiểu học có 5 lớp với 121 học sinh; bậc THCS có 4 lớp với 115 học sinh. Riêng lớp 1 có 27 học sinh nhưng hiện chỉ còn 2 em chưa đến nhận lớp vì đang ở trong nhà đầm với bố mẹ. Trong số 236 học sinh thì có 144 em thuộc diện bán trú, được ăn ở tại trường. Hiện nay, khoảng 95% học sinh bán trú đã đến trường”.
Bước vào năm học 2019-2020, nhà trường đã vận động các tổ chức từ thiện hỗ trợ quần áo, sách vở, gạo cơm cho học sinh. Nhờ đó, bữa cơm của các em những ngày đầu theo học được tươm tất hơn. Những bộ quần áo của các em được sạch sẽ hơn. “Trường vùng sâu nên còn nhiều khó khăn lắm. Đặc thù của trường là đông học sinh dân tộc thiểu số nên việc duy trì sĩ số được chúng tôi rất chú trọng. Những năm học gần đây, tỷ lệ chuyên cần thường đạt 95-98%. Năm học này, nhiều học sinh cũ đã hoàn thành chương trình THCS đang theo học THPT tại các trường ở thị trấn Kbang và thị xã An Khê. Đây là niềm động viên lớn với chúng tôi”-thầy Thuấn cho biết thêm.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.