Năm học mới 2019-2020: Tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhân dịp khai giảng năm học 2019-2020, phóng viên Báo Gia Lai Điện tử có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai về những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành triển khai trong năm học mới.  
* P.V: Thưa ông, trong năm học 2019-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?
- Ông NGUYỄN TƯ SƠN: Năm học 2019-2020 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm chào mừng đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là năm học mà toàn ngành GD-ĐT nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 của UBND tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tư Sơn. Ảnh: Đ.T
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tư Sơn. Ảnh: Đ.T
Theo đó, toàn ngành tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản theo Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2019-2020 của Bộ GD-ĐT. Đó là các nhóm nhiệm vụ chủ yếu như: rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ... Để thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trên, ngành GD-ĐT đề ra 5 nhóm giải pháp cơ bản gồm: hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD-ĐT; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường các nguồn lực đầu tư; chú trọng công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông...
Đặc biệt, ngành cần triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua chuyên đề “Duy trì sĩ số học sinh”, “Trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn”, “Nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020”, hưởng ứng và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Gia Lai thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Thầy và trò Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) trong một tiết học. Ảnh:   Đ.T
Thầy và trò Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) trong một tiết học. Ảnh: Đ.T
* P.V: Để thực hiện những nhiệm vụ trên, ngành GD-ĐT sẽ có những giải pháp nào, thưa ông? 
- Ông NGUYỄN TƯ SƠN: Trong năm học mới, chúng tôi sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW, ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ; tham gia, hưởng ứng tích cực phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Gia Lai thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh và triển khai thực hiện có hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản theo Chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019-2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Đồng thời xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ở bậc học phổ thông, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuyên đề tích hợp, liên môn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo đúng kế hoạch. Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, quan tâm đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; giải quyết, xử lý những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận như dạy thêm, học thêm, lạm thu, thừa thiếu giáo viên, đạo đức lối sống của giáo viên và học sinh; phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức rà soát, sáp nhập, sắp xếp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 25-10-2017 một cách hiệu quả, không gây biến động trong xã hội, thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo chất lượng giáo dục và quyền lợi của học sinh. 
Học sinh Trường Mầm non Sao Việt (TP. Pleiku) trong một giờ ngoại khóa. Ảnh: Đ.T
Học sinh Trường Mầm non Sao Việt (TP. Pleiku) trong một giờ ngoại khóa. Ảnh: Đ.T
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý chỉ đạo, điều hành. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo gọn nhẹ; công khai chất lượng giáo dục; khắc phục và ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng học sinh bỏ học, bạo lực học đường, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh công tác truyền thông ở tất cả các cơ sở giáo dục, coi đây là khâu quan trọng, song hành với các hoạt động giáo dục để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội đối với sự nghiệp GD-ĐT.
* P.V: Ngành sẽ có những giải pháp như thế nào để tránh tình trạng lạm thu của một số trường học vào đầu năm học mới?
- Ông NGUYỄN TƯ SƠN: Để tránh tình trạng lạm thu ở một số trường học, trước ngày khai giảng năm học mới, Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các khoản thu trong nhà trường theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn cho nhà trường sử dụng nguồn kinh phí đóng góp của phụ huynh đúng mục đích, đúng quy định nhằm tu sửa cải tạo khuôn viên trường, lớp; xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp-an toàn; mua sắm thiết bị, đồ dùng đồ chơi phục vụ cho công tác dạy và học; cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thu chi các khoản đầu năm học một cách chặt chẽ; chỉ đạo các cơ sở giáo dục sử dụng nguồn vốn xã hội hóa giáo dục có hiệu quả; kịp thời chấn chỉnh các sai phạm và cương quyết xử lý nghiêm, tránh phản ứng từ dư luận xã hội.
* P.V: Xin ông cho biết, trong năm học này, ngành xác định đâu là khâu đột phá trong công tác quản lý, dạy và học?
- Ông NGUYỄN TƯ SƠN: Năm học 2019-2020, ngành đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ở các cấp học, bậc học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hướng tới hoàn thiện hệ thống giáo dục tỉnh nhà. Trên cơ sở phương hướng nhiệm vụ năm học 2019-2020 với 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản cùng đặc thù của một tỉnh có đông số lượng học sinh dân tộc thiểu số (năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 772 trường mầm non, phổ thông và 402.214 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 46%), để có thể phát triển bền vững sự nghiệp GD-ĐT cần chú trọng đầu tư phát triển giáo dục dân tộc.
Do vậy, ngành xác định nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục dân tộc; xem đây là khâu đột phá và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nói chung thì trước hết phải tập trung nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc; quan tâm đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đổi mới, phát triển với tốc độ nhanh hơn, chất lượng giáo dục ngày càng cao hơn và rút ngắn khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh. 
* P.V: Xin cảm ơn ông!
 TRẦN DUNG (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.