Giáo dục tài chính-giáo dục nhân cách

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Giáo dục tài chính cũng là giáo dục nhân cách con người. Từ chỗ hiểu, sẽ dẫn đến có thái độ đúng với đồng tiền: Không rẻ rúng, phung phí, nhưng cũng không chạy theo đồng tiền bằng mọi giá.

Những ngày này, trên đường đi làm, tôi thấy người dân xếp hàng từ sáng sớm để rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng.

Dưới góc độ pháp lý, việc một ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt bởi Ngân hàng Nhà nước, đồng nghĩa với việc ngân hàng đó có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, từ chỗ "có nguy cơ" đến việc ngân hàng bị phá sản hay người gửi tiền bị mất tiền là một khoảng cách rất xa.

Hơn ai hết, các cơ quan chức năng là người ý thức đầy đủ sự đổ vỡ mang tính hệ thống có thể xảy ra trên thị trường nếu một ngân hàng phá sản ở Việt Nam, và họ sẽ làm mọi cách để ngăn chặn điều đó. Qui định về kiểm soát đặc biệt chính là cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước áp dụng hàng loạt các biện pháp nhằm phục hồi tình trạng tài chính của ngân hàng. Trong quá khứ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện biện pháp "mua lại với giá 0 đồng" ba ngân hàng, để ngăn chặn nguy cơ phá sản ngân hàng, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

Tuy nhiên, khi hoảng hốt đi rút tiền gửi trước hạn, những người gửi tiền coi như mất trắng khoản lãi (chỉ được hưởng lãi suất không kì hạn rất thấp). Quyết định đi rút tiền - trong nhiều trường hợp - là sự hốt hoảng bởi tâm lí đám đông, nhiều hơn là dựa trên sự tính toán cụ thể về rủi ro và lợi ích.

Nhìn rộng ra, tình trạng đầu tư cảm tính theo đám đông là rất phổ biến ở Việt Nam: Phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thực hiện mua bán đầy cảm tính theo "phím hàng" trên mạng xã hội. Số khác lại ào ào mua các trái phiếu doanh nghiệp với mức độ bảo đảm gần như bằng không, và hiện nay "khóc dở, mếu dở" khi có nguy cơ mất trắng. Nhiều người dân cũng dễ dàng tin và bỏ tiền vào các ứng dụng đầu tư, góp vốn, mua bán tiền ảo, v.v… hứa hẹn lãi cao theo hình thức đa cấp biến tướng, dẫn đến tiền mất tật mang.

Trường hợp cực đoan nhất có lẽ là khi đi mua xăng: Theo qui định, cứ 10 ngày một lần thì giá bán xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm theo thị trường quốc tế. Giá xăng giảm thì không sao, nhưng nếu giá xăng tăng, dù chỉ vài trăm đồng một lít, thì ngay trước 15 giờ chiều (giờ điều chỉnh giá), các cây xăng sẽ ùn ùn người đến xếp hàng.

Liệu có đáng phải chen lấn ở cây xăng như vậy không, vì mỗi lần như thế, may ra thì chỉ "lãi" được vài ngàn đồng? Tôi tự hỏi: Nhiều người đi xếp hàng mua xăng có phải vì để được lợi số tiền đó, hay vì lí do nào khác? Tâm lí đám đông chăng?

 

Những sản phẩm tài chính như tiền gửi, trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm, tín dụng, v.v… đều rất thiết thực với người dân. Ảnh minh họa.
Những sản phẩm tài chính như tiền gửi, trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm, tín dụng, v.v… đều rất thiết thực với người dân. Ảnh minh họa.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, nhưng một yếu tố không nhỏ là việc người dân Việt Nam đang thiếu những kiến thức tài chính căn bản. Trong xã hội hiện đại, mỗi người dân cũng là một người tiêu dùng tài chính. Những sản phẩm tài chính như tiền gửi, trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm, tín dụng, v.v… đều rất thiết thực và gần gũi với người dân, có tầm quan trọng không kém gì cơm ăn, nước uống hàng ngày.

Quan trọng như vậy, nhưng lại ít người hiểu về nó. Thiếu hiểu biết mang đến nhiều sợ hãi, làm con người ta hành xử thiếu lí trí và tìm kiếm sự an toàn trong đám đông, mà không biết rằng mình phải gánh chịu nhiều thiệt thòi.

Trong khuyến nghị của các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam luôn nhấn mạnh: Cùng với sự phát triển sôi động của kinh tế nói chung, thị trường tài chính nói riêng, công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính là rất quan trọng. Và không có hình thức bảo vệ nào tốt hơn là tự bảo vệ: Người tiêu dùng tài chính phải được trang bị các kiến thức tài chính cơ bản, thiết thực, dễ hiểu. Giáo dục tài chính - vì thế giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống, vì nó trang bị cho người dân những kiến thức tài chính thiết thân.

Mang tư tưởng văn hóa Á Đông, người Việt Nam coi nhẹ, nhiều khi khinh bạc đồng tiền và vật chất (dù rất cần nó, thậm chí còn ham muốn nó). Điều này dẫn đến hệ quả xấu là thiếu vắng giáo dục tài chính đầy đủ và toàn diện. Kho tàng thành ngữ, tục ngữ của dân tộc thường khuyến khích việc tiết kiệm, ăn chắc mặc bền, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.  

Nhưng đó mới chỉ là một nửa của vấn đề: Trong xã hội hiện đại, người ta không chỉ cần biết cách giữ được tiền, mà còn phải biết cách đầu tư đúng lúc, đúng hướng, để đồng tiền đó sinh sôi nảy nở. Không phải chỉ các thương nhân mới phải nghĩ chuyện lỗ lãi, mà bất cứ người trưởng thành nào cũng sẽ phải giải quyết các vấn đề tài chính cá nhân. Kiến thức tài chính sẽ trở thành một nội dung tri thức căn bản mà bất cứ ai cũng phải nắm bắt.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung giáo dục tài chính vào Chương trình giáo dục phổ thông mới. Học sinh sẽ được dạy về kiến thức tài chính ngay từ bậc tiểu học, từ những nội dung cơ bản nhất như giá trị của đồng tiền, so sánh giá cả, v.v… cho đến những nội dung sâu hơn ở các bậc học tiếp theo.

Tuy nhiên, giáo dục tài chính không chỉ đơn thuần là đưa thêm một nội dung vào chương trình học. Quan trọng hơn, nó bắt đầu từ cách tiếp cận của mọi bậc làm cha mẹ, mọi thầy cô giáo, khi chia sẻ với con trẻ về giá trị của đồng tiền. Chúng ta không thể né tránh, hay "ma quỷ hóa" đồng tiền trong mắt con trẻ như hiện nay, mà cần để các em hiểu đúng, hiểu đủ về tài chính. Không chỉ học trên lớp, mà các em phải thực hành trong đời sống hàng ngày.  

Giáo dục tài chính cũng là giáo dục nhân cách con người. Từ chỗ hiểu, sẽ dẫn đến có thái độ đúng với đồng tiền: Không rẻ rúng, phung phí, nhưng cũng không chạy theo đồng tiền bằng mọi giá.  

Chỉ khi nhìn nhận sòng phẳng về đồng tiền, có hiểu biết đầy đủ về tài chính, người ta mới có thể giữ bình tĩnh và sự tỉnh táo trước những tin đồn. Để giáo dục tài chính cho tất cả mọi người là một quá trình lâu dài và phức tạp, nhưng phải bắt đầu từ ngày hôm nay, và bắt đầu từ chính mỗi người chúng ta.

Luật gia Lương Lê Minh
(Dẫn nguồn Dân Việt)

https://danviet.vn/giao-duc-tai-chinh-giao-duc-nhan-cach-20221027082552363.htm

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Một trong những nguyên nhân khiến lộ lọt thông tin từ camera an ninh của nhiều gia đình, mà Thanh Niên phản ánh trên số báo hôm nay, chính là mua phải hàng trôi nổi trên thị trường, trong đó số lượng không nhỏ đến từ các sàn thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ tại VN.

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Thả gà ra để đuổi

Thả gà ra để đuổi

Những ngày qua, hàng trăm người dân ở xã Quỳnh Long và một số xã khác thuộc H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) hoang mang khi nhận được tin báo nhóm người đứng ra huy động tiền của họ bằng hình thức cho vay lãi suất cao bất ngờ tuyên bố không còn khả năng trả nợ.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.