Giám đốc Trung tâm nông nghiệp bị bắt vì lập khống hồ sơ thanh toán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quá trình thực hiện nhiệm vụ ươm giống, cấp phát giống hồng đảng sâm cho nhân dân, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông (Kon Tum) đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, tài liệu để thanh quyết toán hơn 372 triệu đồng. 
Cơ quan công an đọc lệnh bắt tạm giam Phan Ngọc Vinh (áo khoác đen). Ảnh: Công an tỉnh Kon Tum
Cơ quan công an đọc lệnh bắt tạm giam Phan Ngọc Vinh (áo khoác đen). Ảnh: Công an tỉnh Kon Tum
Ngày 20/3, Công an tỉnh Kon Tum cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Ngọc Vinh (SN 1980, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Công an tỉnh Kon Tum cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ ươm giống, cấp phát giống hồng đảng sâm cho nhân dân các xã Măng Cành và Đăk Tăng (đều thuộc huyện Kon Plông) trong năm 2020, Vinh đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, tài liệu để thanh quyết toán hơn 372 triệu đồng gây thiệt hại cho ngân sách.
Cũng tại Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông, trước đó Thanh tra tỉnh Kon Tum đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc cung cấp giống không rõ xuất xứ, nguồn gốc...
Cụ thể, trong năm 2020, huyện Kon Plông triển khai 14 dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi heo địa phương (trong đó 9 dự án Chương trình 30A và 5 dự án thuộc Chương trình 135) với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng; trong đó tổng số con giống được hỗ trợ là 857 con/278 hộ với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua thanh tra, lực lượng chức năng phát hiện việc mua giống heo không đảm bảo theo chỉ đạo, chủ trương của huyện, không xác định được nguồn gốc của giống heo cung cấp. Ngoài ra chưa có hồ sơ chứng minh việc tiêm phòng lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, không thực hiện việc tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn.
Đặc biệt, việc cung cấp thức ăn không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng dẫn đến tình trạng heo suy nhược, chuồng trại không đảm bảo... khiến heo chết, giảm sức đề kháng. Tại thời điểm kiểm tra, tổng số lượng heo chết trên địa bàn là 690 con, các hộ dân đã bán 27 con, làm thịt 10 con; còn sống 145 con.
Trước các sai phạm trên, Thanh tra tỉnh đề nghị UBND huyện chỉ đạo tổ chức họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó có Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện (là đơn vị trúng thầu cung ứng giống cho dự án) cung cấp giống không rõ xuất xứ, nguồn gốc...
Theo Tiền Lê (Báo Tiền Phong)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.