Giặc trà: Thực hư những bánh trà bỏ quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiêu bài để quên trà rồi mông má câu chuyện, bán giá tốt, đang ăn khách trên thị trường tiêu thụ trà ép bánh Việt.
Hơn 1,5 tấn trà tương đương 5.000 bánh, do “thầy” trà từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan sang chế biến, bỏ quên trong gia đình một người Dao ở Hà Giang từ 1999. Lời đồn ấy kèm hàng loạt bánh trà xưng năm 1999 ồ ạt ra thị trường.
Khi bánh trà hiệu Thạnh Lợi (một hiệu trà phố Hàng Chĩnh ép bánh những năm 1950 trở về trước) được đồn đại có giá 1,7 tỉ đồng về Hà Nội, chủ sở hữu “hứng nhiều gạch đá” bởi bị cho là quá… “chém gió” khi loại bánh trà có tem mác kiểu ấy, hàng giả tràn lan trên thị trường.
Trà ép bánh tiền tỉ im ắng một thời gian, lại dậy sóng với chiêu mới là tận dụng sự “đãng trí” của người làm trà, khi quên vài trăm bánh, thậm chí hàng ngàn bánh trong kho, từ vài năm đến vài chục năm, tung ra thị trường thứ “để quên” ấy, chỉ loáng cái hết hàng. Chiêu bài để quên trà rồi mông má câu chuyện, bán giá tốt, đang ăn khách trên thị trường tiêu thụ trà ép bánh Việt.

Sắc nước khi thẩm trà cổ thụ Quản Bạ (từ trái qua) với trà ép bánh năm 1995, 2000, 2010, 2020, hồng trà, bạch trà
Sắc nước khi thẩm trà cổ thụ Quản Bạ (từ trái qua) với trà ép bánh năm 1995, 2000, 2010, 2020, hồng trà, bạch trà
Có thực trà quên ?
Về sản xuất trà ép bánh ở Hà Giang những năm 1990, giới làm trà biết đến thương gia họ Quách từ Cao Hùng (Đài Loan), thu nguyên liệu trà vàng (trà phơi) từ các bản núi cao có cây trà cổ thụ từ Cao Bồ, Quản Bạ, Vị Xuyên… từ 1993, sau đó đưa vào TP.HCM hoặc chuyển qua Vân Nam (Trung Quốc) ép bánh thành trà Phổ Nhĩ và tiêu thụ ở Trung Quốc đại lục, Đài Loan.
Quách tiên sinh hiện là người duy nhất sở hữu bộ sưu tập trà cổ thụ Hà Giang đầy đủ từ 1993 đến nay. Liên lạc và trao đổi về câu chuyện trà bánh để quên ở Hà Giang từ 1999, ông Quách cung cấp thêm thông tin: “Sản xuất trà, không ai có khái niệm “để quên”. Việt Nam mà có trà sâu tuổi, thì do hàng tồn đọng, chất lượng thấp nên bạn hàng Trung Quốc đại lục không thu mua. Trà Hà Giang có hai đợt lớn bị tồn là cuối những năm 1990, và khoảng 2008 khi đó thị trường Trung Quốc đại lục khan hàng, người làm trà ham lợi, thu gom, đấu trộn nguyên liệu với cây trà non, không đạt chất lượng nên thương lái bỏ. Với doanh nghiệp chân chính, trà ép bánh vẫn sản xuất bán thị trường, nhưng hàng năm lưu trữ số lượng nhất định, đều đặn, chứ không đột nhiên ào ra thị trường với số lượng nhiều bánh trà đến thế”.
Giá bán cho bánh trà 1999 được rao ở thị trường là 2 triệu đồng/bánh 357 gr. Ngạn Vĩ, thương gia kinh doanh trà Hà Giang ở Cao Hùng, cho hay: “Nếu đúng nguyên liệu trà cổ thụ từ 1999, giá thực tế tối thiểu ở chợ trà ở Cao Hùng hiện phải hơn 20 triệu đồng cho bánh trà 357 gr. Việt Nam trước đây có doanh nghiệp trà thu mua nguyên liệu ở Hà Giang, đem vào TP.HCM ép bánh hình gạch, có xuất sang Đài Loan và bán ở thị trường trong nước, còn lại thì đều xuất nguyên liệu thô chứ không có thành phẩm”. Trong ngành trà, chẳng bao giờ có chuyện trà quý, hiếm, tuổi lên men cao, lại giá rẻ và chất lượng hảo hạng được.

Trà phơi đầy vỉa hè, giá 70.000 đồng/kg trà khô, ép ra được 3 bánh trà, thêm câu chuyện bỏ quên là tăng giá tiền triệu. Ảnh: Lam Phong
Trà phơi đầy vỉa hè, giá 70.000 đồng/kg trà khô, ép ra được 3 bánh trà, thêm câu chuyện bỏ quên là tăng giá tiền triệu. Ảnh: Lam Phong
Cầm bánh trà bỏ quên 1999, mùi mốc nặng thay mùi trà, cánh trà tơi xòe do vò cẩu thả, màu đen nâu, bã mủn, không giống với những bánh trà thập niên 1990 (so sánh từ nguồn trà của ông Quách kể trên). Kỹ thuật ép bánh trà cũng là cách nhận diện khi dùng khuôn dập công nghiệp, sản xuất hàng loạt, mép bánh sắc cạnh. Loại bánh ép máy này, chỉ mới xuất hiện ở Hà Giang, không thể có từ 1999.
Cùng năm 2021, ở H.Tủa Chùa (Điện Biên) cũng có người “làm bài” tương tự: một gia đình người H’mông xanh ép bánh trà, rồi để quên từ năm 1999, nay bán 2,5 triệu đồng/bánh. So sánh hai bánh trà cùng năm 1999 bỏ quên của Hà Giang và Điện Biên, giống y chang từ kỹ thuật ép bánh, tem mác đến chất nước, chứng tỏ xuất xứ cùng một lò.
Trà ngon nhờ… thời gian
Trà đắt hơn vàng, có lúc đúng đối với trà ép bánh, Trung Quốc định danh là trà Phổ Nhĩ. Đặc điểm của dòng trà lên men này, càng lưu theo thời gian các tinh chất trong trà chuyển hóa, biến đổi tích cực, tạo thêm hương vị độc đáo, ích lợi cho sức khỏe mà ngay thợ trà thâm niên cũng không đoán biết hoặc kiểm soát toàn diện.
Chị Ngọc Anh (chuyên sưu tập trà, ngụ Q.Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Ép bánh là dòng trà lên men, cơ thể dễ cảm nhận, dễ uống, tạo cảm giác thoải mái, sảng khoái hơn so với cách uống trà xanh truyền thống (vốn chú trọng vào độ chát đậm, dễ gây cồn cào, nôn nao với người chưa quen). Nhưng thị trường trà ép bánh ở mình rất tù mù, phần đa là loại trung bình thấp mua từ các chợ trà ở Quảng Châu, nguyên liệu không minh bạch nguồn gốc, hương vị na ná nhau. Chơi dòng trà này hay, nhưng cũng rất phức tạp vì thật giả khó lường”.

Trà Shan tuyết bản Péo của nhà Thanh Nhàn, Km 38 Tấn Xà Phìn (Hà Giang), giá một bánh 2021 là 700.000 đồng/300 gr
Trà Shan tuyết bản Péo của nhà Thanh Nhàn, Km 38 Tấn Xà Phìn (Hà Giang), giá một bánh 2021 là 700.000 đồng/300 gr
Sức hấp dẫn của trà ép bánh rõ ở thị trường, nhưng lại không phải thế mạnh sản xuất của người Việt. Người tiêu dùng càng không có nhiều lựa chọn, so sánh để xác định được đâu mới là trà có tuổi cao.
Dựa vào nguyên cớ ấy, người bán trà hướng đến lợi nhuận, sẵn sàng tạo cho trà giấy khai sinh khống, kê thêm tuổi, lập hồ sơ giả, mông má ngoại hình trà vừa ép bánh trở thành phẩm trà đầy cũ kỹ, đã vài chục năm tuổi như lão trà. Thị trường trà Việt đang vướng phải chiêu này, trước còn nhập từ bên kia biên giới theo đường tiểu ngạch, tuồn ra ngoài, nay những nhà sản xuất trong nước nhiệt tình đôn tuổi cho trà với cách phun nước sôi, ủ kỹ cho nhanh mốc, trà mau xuống màu, người mua trà ép bánh Việt lại tiếp tục lãnh những cú lừa ngoạn mục.
Trà ép bánh thêm ngon theo thời gian là chuyện đương nhiên, nhưng người dùng trà thường quên rằng nguyên liệu đầu vào phải là trà cổ thụ, trà vùng núi cao, có nội chất mạnh mẽ, để qua thời gian lên men mới trở thành hảo hạng. Nếu bánh trà ép từ nguyên liệu cây non, trồng hàng loạt, nội chất nghèo nàn, thì có để qua vài chục, thậm chí trăm năm, cũng không mang lại giá trị gì.
Người tiêu dùng không phân định đâu là trà công nghiệp, đâu là trà cổ thụ, chỉ chú trọng vào độ tuổi của trà mà người bán rêu rao, vùng nguyên liệu đầu vào mơ hồ, nơi sản xuất không có, sẽ thật khó để khẳng định đấy là trà chuẩn.
Những bánh trà xuất xứ tù mù mang danh cao tuổi này đều có điểm chung là màu nước pha nâu vàng, mùi hôi mốc nổi rõ, sau thoảng hậu ngọt nhưng chỉ quanh lưỡi, uống ngụm trà xong chép miệng vài lần là hương vị tuột đâu mất cả. Trà khi pha xong, sẽ thấy bã trà có nhiều cọng (tăng vị ngọt), kèm lá già, rách, gãy, dùng tay bóp nhẹ trà nát vụn. Trà ép bánh đúng nguyên liệu, không có chuyện lá nát như thế.
Câu chuyện “giặc trà” phá hoại bằng truyền thông bẩn, hạ uy tín trà Việt, bức tử trà cổ thụ, ép giá, dạy cách làm sai, là những ảnh hưởng từ bên ngoài. Bên cạnh giới làm trà chân chính, có tâm thì còn có gian thương trong nước, trà ép bánh ăn gian tuổi, nguyên liệu hạ đẳng cũng là những rào cản khiến trà cổ thụ Việt thật khó đi xa. (còn tiếp)
Vờ “bỏ quên”, tăng giá trà tiền tỉ
Các nghệ nhân (mở phòng trà) có kiểu “để quên” vài cân, một đơn vị sản xuất cũng từng “quên” 100 bánh trà được 5 năm tuổi, rao lên là có người mua trọn, theo kiểu “đấu giá” gần tiền tỉ (?!). Vụ 5.000 bánh trà bỏ quên ở Hà Giang cũng đã qua tay các chủ mới, và sắp sửa có thêm 3.000 bánh... “để quên” chuẩn bị ra thị trường. Cái quên giá trị nhất bây giờ, chắc là trà cổ thụ.
Các bánh trà mang danh sản xuất từ 1999 ở thị trường, thực chất là phẩm trà đen FOP (Flower Orange Pekoe) rẻ tiền, vùng trà cây thấp, không nguồn gốc rõ ràng, không rõ quy trình chế biến, người tiêu dùng nên cẩn trọng.
Theo Lam Phong (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.