Giá tiền công hái 1kg cà phê tươi ở Tây Nguyên là bao nhiêu mà mỗi người hái thuê kiếm 500.000-700.000 đồng/ngày?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lao động từ các tỉnh đến tỉnh Lâm Đồng hái cà phê thuê rất ít dẫn đến giá công hái cà phê tăng cao. Không thuê được người ngoài, dân địa phương đã tranh thủ đi hái cà phê khoán, thu nhập mỗi ngày từ 500 – 700 ngàn đồng.
Giữa tháng 12, mùa cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã bắt đầu. Những vườn cà phê chín dần cũng là lúc người lao động từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Phan Rang, đến các tỉnh Miền Tây đến Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai làm việc.

Mùa cà phê tại Tây Nguyên bắt đầu từ cuối tháng 11 đến khoảng tháng 2 năm sau. Ảnh: Nguyễn Huyền.
Mùa cà phê tại Tây Nguyên bắt đầu từ cuối tháng 11 đến khoảng tháng 2 năm sau. Ảnh: Nguyễn Huyền
Thời gian này những năm trước, thị trường lao động rất "tấp nập", tuy nhiên, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tìm kiếm nhân công hái cà phê rất khó khăn.
Cà phê của nhà chưa chín thì tranh thủ đi hái thuê
Chính vì thế, giá tiền công hái cà phê khoán đã tăng lên khá cao so với năm 2020. Khảo sát của phóng viên, tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), giá tiền công hái cà phê khoán năm nay từ 1.300 – 1.500 đồng/kg.

Niên vụ cà phê năm 2021, tỉnh Lâm Đồng được dự đoán là thiếu nhiều nhân công hái cà phê. Ảnh: Văn Long
Niên vụ cà phê năm 2021, tỉnh Lâm Đồng được dự đoán là thiếu nhiều nhân công hái cà phê. Ảnh: Văn Long
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Nguyễn Thành Luân (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) cho hay, năm nay, các nhà vườn trồng cà tại huyện Lâm Hà đa số thuê công hái cà phê tại địa phương. Một phần do người dân sợ người tỉnh khác đến hái thuê lỡ có dịch Covid-19 thì nguy hiểm. Hơn nữa, năm nay đa số các nhà vườn đều có sản lượng cà phê không cao nên việc thu hái không cần phải gấp rút...
"Nhóm hái cà phê thuê của tôi có 4 người, tốc độ hái trung bình mỗi ngày cũng được khoảng gần 2 tấn. Với giá tiền công hái cà phê thuê là 1.300 đồng/kg thì mỗi người cũng được hơn 500 ngàn mỗi ngày. Đối với những vườn cà phê sai quả, giòn dễ hái thì khối lượng cà phê hái được sẽ cao hơn và tiền công sẽ tăng theo".

Mỗi ngày, nhóm của anh Luân sẽ hái được khoảng 2 tấn cà phê tươi, thu nhập hơn 500.000 đồng/người. Ảnh: Văn Long
Mỗi ngày, nhóm của anh Luân sẽ hái được khoảng 2 tấn cà phê tươi, thu nhập hơn 500.000 đồng/người. Ảnh: Văn Long
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 173.000ha cà phê cho thu hoạch. Để thu hoạch hết diện tích cà phê trên vào cuối năm 2021 cần khoảng hơn 7,8 triệu công lao động. 
Tuy nhiên, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 45-50% nhân công hái cà phê. Chính vì thế, việc thiếu lao động thu hái cà phê là điều không thể tránh khỏi do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhân công lao động tại các tỉnh khác không đến Lâm Đồng để hái cà phê thuê. Ảnh: Văn Long
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhân công lao động tại các tỉnh khác không đến Lâm Đồng để hái cà phê thuê. Ảnh: Văn Long
Anh Nguyễn Thành (huyện Lâm Hà) cũng chia sẻ: "Mọi năm, tôi chỉ thu hoạch cà phê của gia đình. Tuy nhiên, do năm nay cà phê trong vườn nhà vẫn còn xanh, giá tiền công hái khoán lại khá cao nên tôi và vợ tranh thủ đi hái khoán để kiếm thêm thu nhập...".
Anh Thành nhận hái cà phê ở một số vườn với giá tiền công là 1.500 đồng/kg. Mỗi ngày hai người hái cũng được 1,5 triệu đồng. 
"Có chỗ họ còn thuê giá tiền công hái cà phê đến 1.700 đồng/kg để thu hút được người thu hái. Giá tiền công hái cà cao như vậy là do dịch Covid-19 nên những đoàn người hái cà phê thuê từ các tỉnh khác không đến Lâm Đồng", anh Thành nhận định.

Với giá tiền công hái cà phê khoán từ 1.300 -1.500 đồng, người hái thuê sẽ có công từ 500.000-700.000 đồng/ngày. Ảnh: Văn Long
Với giá tiền công hái cà phê khoán từ 1.300 -1.500 đồng, người hái thuê sẽ có công từ 500.000-700.000 đồng/ngày. Ảnh: Văn Long
Giá cà phê nhân ngấp nghé 41.000 đồng/kg, chủ vườn vẫn không có lời
Trong khi đó, ông Trần Xuân Lư (50 tuổi, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) cho biết, với gần 1ha trồng cà phê, gia đình ông thu được khoảng 2 tấn cà phê. Mặc dù hiện tại giá cà phê nhân đang ở mức gần 41.000 đồng/kg, nhưng giá phân bón và giá nhân công hái cà phê đều tăng cao nên gần như chủ vườn không có lời.
"Phân bón tăng liên tục, tăng gấp đôi so với hồi đầu năm, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái nên giá cà phê nhân đạt 41.000 đồng/kg cũng chả ăn thua. Cuối năm thu hoạch xong trừ chi phí đi cũng chẳng còn được mấy đồng. Năm ngoái, phân URE chỉ khoảng 7.000 đồng/kg, nhưng năm nay đã lên đến 14.000 đồng/kg thì riêng chi phí cho phân bón đã bào mòn lợi nhuận nông dân rồi", ông Lư chia sẻ.

Dù giá bán đang ở mức cao nhưng giá phân bón và nhân công cao nên các nhà vườn cũng không lời được nhiều sau 1 năm chăm sóc cà phê. Ảnh: Văn Long
Dù giá bán đang ở mức cao nhưng giá phân bón và nhân công cao nên các nhà vườn cũng không lời được nhiều sau 1 năm chăm sóc cà phê. Ảnh: Văn Long
Ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở đã đề nghị các huyện, thành phố cần chỉ đạo các xã, phường, trị trấn nắm rõ diện tích trồng cà phê, năng suất cà phê, sản lượng cà phê thu hoạch trên địa bàn...
Qua nắm bắt để từ đó, xác định khả năng chủ động nguồn lao động của gia đình hoặc phải thuê mướn thêm nhân công bên ngoài cho kế hoạch thu hái cà phê. Các địa phương nên lưu ý quan tâm đến các hộ gia đình neo đơn, ít lao động hoặc có người nhưng bị kẹt tại các vùng dịch Covid-19 không về được.
Bên cạnh đó, các địa phương, nhất là ở các thôn, xóm nên thành lập các tổ, đội, nhóm hộ thực hiện đổi công hái cà phê cho nhau để kịp thời thu hái nhằm hạn chế tổn thất do thiếu nhân công. Các địa phương cũng cần huy động các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành lập các tổ, đội hỗ trợ thu hái cà phê giúp đỡ các gia đình khó khăn...
Theo Văn Long (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm