(GLO)- Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng súng tự chế để săn bắn động vật hoang dã trái phép trên địa bàn xã Ia Rsai (huyện Krông Pa) có chiều hướng gia tăng. Mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp nhưng tình trạng sử dụng súng tự chế trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự.
Nhiều súng tự chế được Công an xã vận động giao nộp. |
Ông Thái Hữu Lự-Trưởng Công an xã Ia Rsai cho biết: Tính riêng năm 2015, qua kiểm tra tại các thôn, buôn trên địa bàn, Công an xã đã phát hiện và thu giữ 35 khẩu súng tự chế, giao về Công an huyện. Nhưng từ đầu năm đến nay, tình trạng sử dụng súng tự chế tiếp tục gia tăng nhanh. Qua nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, Công an xã đã phát hiện và thu 56 khẩu súng, gồm súng bắn hơi cồn và súng kíp. Các loại súng này có kích thước dài 1,2-1,5 mét, gồm các bộ phận ống nhựa để đựng cồn; nòng súng được làm bằng ống inox hoặc ống nhựa, đường kính khoảng 10 mm để chứa đạn bi; cò súng để đánh tia lửa điện và một nam châm giữ bi sắt trong nòng súng. Loại súng này khi bóp cò, tia lửa điện đốt cháy cồn, tạo ra hơi nén phóng bi sắt đi xa khoảng 20-50 mét, tùy theo lượng cồn nhiều hay ít.
Cũng theo ông Lự, việc sử dụng súng tự chế gia tăng chủ yếu do người dân học hỏi lẫn nhau. Họ chỉ cho nhau mua các vật liệu, như ống nước, ống bơm, cồn và đục hoặc đẽo cán bằng gỗ để gắn vào như một khẩu súng thật. Để giải quyết tình trạng này, Công an xã Ia Rsai đã gửi văn bản về thôn, buôn để tuyên truyền cho bà con biết tác hại của việc sử dụng súng tự chế. Đồng thời, thường xuyên đọc trên sóng truyền thanh của xã quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ. Cùng với đó, Công an xã cắt cử lực lượng đi vào các khu rẫy liền kề rừng và những khu vực nghi có người dân sử dụng súng tự chế để vận động nên đã phát hiện và thu được nhiều loại súng tự chế để giao nộp về cấp trên.
Tuy nhiên, việc quản lý, thu hồi các vũ khí tự chế trên địa bàn xã Ia Rsai hiện đang gặp nhiều khó khăn. Đa số người sử dụng súng đều là người dân tộc thiểu số và họ thường sống ở các chòi rẫy gần rừng nên khi thấy lực lượng Công an đến thì họ bỏ chạy. Cá biệt, để tránh lực lượng chức năng phát hiện, nhiều đối tượng sử dụng súng vào ban đêm để săn thú rừng nên rất khó cho lực lượng chức năng trong việc xử lý. “Vũ khí này nếu bắn ở cự ly gần sẽ gây sát thương cao và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì đến một lúc nào đó, người dân rất có thể sẽ sử dụng loại vũ khí này để gây sự với nhau khi xảy ra bức xúc. Vì vậy, ngoài việc tích cực tuyên truyền, kiểm soát của lực lượng chức năng còn cần sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, đoàn thể và nhân dân nhằm vận động mọi người giao nộp vũ khí cho cơ quan chức năng cũng như không tự chế tạo thêm súng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn”-ông Lự nhấn mạnh.
Nhật Hào