Gia Lai xây dựng chiến lược phát triển du lịch đặc thù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai là vùng đất giàu tiềm năng về du lịch với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Thế nhưng, muốn phát triển “ngành công nghiệp không khói” thì các điểm đến cần được đánh thức bằng sự quan tâm đầu tư từ các ngành, địa phương và người dân để tạo nên các sản phẩm thực sự thu hút, hấp dẫn.
“Cần làm mới các sản phẩm”
Đó là ý kiến của bà Tạ Thị Tú Uyên-Phó Giám đốc ban Sản phẩm-Dịch vụ Công ty lữ hành Vietravel (TP. Hồ Chí Minh) sau khi tham gia khảo sát các điểm du lịch trong 2 ngày (1 và 2-12) trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Bà Uyên cho hay: “Từ trước đến nay, đa phần sản phẩm du lịch mà Công ty Vietravel xây dựng tại Gia Lai là các điểm đến truyền thống. Thời gian tới, chúng tôi muốn làm mới hơn nữa các sản phẩm này”. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty lữ hành Vietravel, những điểm đến của Gia Lai vẫn đang ở dạng tiềm năng, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu ngày càng cao của khách hàng. “Các sản phẩm du lịch mà chúng tôi xây dựng đều nhằm mang lại cảm xúc tốt nhất cho du khách. Vì vậy, theo tôi, việc giới thiệu đến du khách những câu chuyện dân gian, truyền thuyết, huyền tích liên quan các điểm đến là điều rất cần thiết”-bà Uyên đề xuất.
Khảo sát du lịch trên lòng hồ Sê San 4. Ảnh: P.L
Khảo sát du lịch trên lòng hồ Sê San 4. Ảnh: P.L
Cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng có một kho tàng sử thi đồ sộ, phong phú. Đây chính là chất liệu để thổi hồn cho từng sản phẩm du lịch. Ví như Biển Hồ (TP. Pleiku) đi liền với câu chuyện Yă Chao và con heo trắng, thác Ia Ly (huyện Chư Pah) gắn với câu chuyện tình buồn của nàng Ly, thác Công Chúa (huyện Chư Pah) đi liền với truyền thuyết về quái vật và công chúa... Đến loài hoa dã quỳ, từng con suối, ngọn núi trên vùng đất này cũng đều mang trong mình những câu chuyện riêng mà chỉ cần được “dệt gấm thêu hoa” một cách kỹ lưỡng sẽ trở thành huyền tích, khơi gợi sự tò mò, hiếu kỳ, thích khám phá của du khách. Để làm được điều ấy cần có sự năng động của đội ngũ làm du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch.
Du lịch trải nghiệm hiện cũng đang là xu hướng ngày càng được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chú trọng xây dựng thành sản phẩm đặc trưng. Bà Cao Thị Thanh Hiếu-đại diện Công ty TNHH Vietrantour (Hà Nội) chia sẻ: “Công ty chúng tôi đang đẩy mạnh khai thác các điểm đến của các địa phương, giúp khách hàng được trải nghiệm nhiều hơn. Khi đến Gia Lai, tôi mong muốn khách hàng sẽ cảm thấy thú vị khi được đến các buôn làng để được cùng ăn ở, sinh hoạt với người dân bản địa hay được tham gia trải nghiệm một ngày lên rẫy, hái cà phê…”.
Xây dựng chiến lược phát triển du lịch
Ông Phạm Hải Quỳnh-Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch cộng đồng CTC (Hà Nội) cũng đã có những chia sẻ hết sức chân tình sau khi tham gia khảo sát các điểm du lịch của tỉnh. Theo ông Quỳnh, các điểm đến của Gia Lai còn tồn tại một số vấn đề như: cảnh quan môi trường chưa được quy hoạch tổng thể, đường sá chưa hoàn thiện. Đặc biệt, điểm nhấn cho mỗi điểm đến chưa có. Ông Quỳnh bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn có sự kết nối của chính quyền và các công ty lữ hành tại địa phương để xây dựng bộ sản phẩm dịch vụ. Tiếp đến phải tuyên truyền, quảng bá để khách hàng biết địa phương có những gì đặc biệt. Từ đó, chúng tôi sẽ đồng hành cùng địa phương để bán sản phẩm. Nếu Gia Lai cần, chúng tôi sẵn sàng đứng ra kêu gọi các nhà đầu tư”. 
Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm tại thác Mơ (huyện Ia Grai). Ảnh: PHƯƠNG LINH
Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm tại thác Mơ (huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Linh
Ngày 2-12, sau khi tổ chức khảo sát du lịch tại các địa điểm: núi lửa Chư Đăng Ya, Biển Hồ chè (huyện Chư Pah), rừng thông Glar, làng dệt thổ cẩm truyền thống Glar (huyện Đak Đoa), lòng hồ Sê San 4 và thác Mơ (huyện Ia Grai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức buổi tọa đàm liên kết phát triển tour du lịch giữa Gia Lai với các địa phương. Tham dự buổi tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng, Hiệp hội Du lịch tỉnh cùng hơn 15 doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh.

Ông Phạm Chí Ta-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đak Lak-đánh giá: “Khả năng xúc tiến du lịch của Gia Lai vài năm trở lại đây rất tốt, do đó dự kiến lượng khách đến đây vào các năm tới sẽ tăng lên đáng kể. Hệ thống lưu trú của TP. Pleiku cũng rất ổn. Về hệ thống nhà hàng, nhiều nơi có vị trí, kiến trúc, cảnh quan đặc trưng của văn hóa Gia Lai. Tuy nhiên, tại 2 điểm du lịch là thác Mơ (huyện Ia Grai) và núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), tôi e rằng nếu không kịp thời quy hoạch mà để người dân tự phát mở dịch vụ thì sẽ gây khó cho công tác quản lý. Mặc dù đây là vấn đề nhỏ nhưng để phát triển bền vững thì cần định hướng sớm, đưa các hoạt động liên quan đi vào khuôn khổ, tạo thuận lợi cho các nhà tổ chức tour”. 
Để có thể hình thành các sản phẩm du lịch, TS. Nguyễn Thu Hạnh-Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững-cho rằng, điều đầu tiên Gia Lai cần làm đó là xây dựng một chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đặc thù để có thể khai thác được hết đặc trưng, thế mạnh của riêng tỉnh nhà. Sản phẩm du lịch đặc thù sẽ là kim chỉ nam cho các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư, quảng bá, tạo ra thương hiệu riêng của Gia Lai. Tiếp đó cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. “Những sản phẩm du lịch mà người dân, cộng đồng hay doanh nghiệp địa phương tự xây dựng trên cơ sở nhận thức tốt về du lịch sẽ là sản phẩm bền vững và thu hút được du khách”-TS. Thu Hạnh nhấn mạnh.  
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.