(GLO)- Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Trung thu. Hiện tại, nhiều cửa hàng bánh Trung thu đã được dựng lên, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng đã nhập hàng về chuẩn bị đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong dịp Tết Trung thu năm nay, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN ĐANG-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh.
* P.V: Qua thực tế thanh-kiểm tra ATVSTP dịp Tết Trung thu hàng năm, ông đánh giá thế nào về vấn đề ATVSTP và nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi người dân sử dụng bánh Trung thu không an toàn?
- Ông NGUYỄN VĂN ĐANG: Qua thực tế thanh-kiểm tra ATVSTP trong dịp Tết Trung thu hàng năm trên địa bàn tỉnh ta, nhìn chung, các cơ sở sản xuất thực phẩm đều chấp hành tốt thủ tục hồ sơ pháp lý, tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Nhiều cơ sở có sự đầu tư về hạ tầng, thiết bị, dụng cụ hiện đại theo hướng dây chuyền khép kín, có đầy đủ hợp đồng nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm và hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường.
Tăng cường kiểm tra đảm bảo ATVSTP Tết Trung thu. Ảnh: N.N |
Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, hiện toàn tỉnh chỉ có 9 cơ sở công bố tiêu chuẩn sản phẩm đối với bánh Trung thu và đã được Chi cục cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATVSTP đối với sản phẩm. |
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ lẻ, hoạt động thời vụ, tự phát, làm chui. Những cơ sở này hầu như không tuân thủ quy định về đảm bảo ATVSTP: không có thủ tục hồ sơ pháp lý; người lao động không khám sức khỏe để phát hiện các bệnh truyền nhiễm, bệnh da liễu…; nguồn gốc nguyên liệu hầu như mua trôi nổi, không nhãn mác và hạn sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều nơi không đầu tư cơ sở hạ tầng mà tận dụng những khoảng trống trong gia đình để sản xuất nên không cách ly được nguồn ô nhiễm, không đảm bảo nguyên tắc một chiều. Nơi sản xuất kém vệ sinh dẫn đến thực phẩm không an toàn. Nhiều cơ sở không đầu tư dụng cụ, trang-thiết bị hiện đại, hợp vệ sinh mà chủ yếu sử dụng trang-thiết bị, dụng cụ lạc hậu, lỗi thời, thủ công nên không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, các sản phẩm khi đưa ra thị trường không được kiểm nghiệm về chất lượng, không được bảo quản đúng quy định, làm giả nhãn mác, sử dụng bao bì không đúng yêu cầu về ATVSTP. Chính vì không đảm bảo điều kiện hồ sơ pháp lý, cơ sở hạ tầng, dụng cụ, trang-thiết bị, không kiểm nghiệm chất lượng nên sản phẩm dễ dẫn đến nguy cơ mất ATVSTP, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
* P.V: Để đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết Trung thu năm nay, công tác thanh-kiểm tra được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Ông NGUYỄN VĂN ĐANG: Để đảm bảo ATVSTP trong dịp Tết Trung thu, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã triển khai kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân vùng sâu, vùng xa, giúp bà con hiểu và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không đảm bảo an toàn. Công tác truyền thông được triển khai đồng loạt tại 17 huyện, thị xã, thành phố qua hệ thống đài truyền thanh-truyền hình, báo chí, treo băng rôn, xe loa lưu động...
Về công tác kiểm tra, năm nay, tuyến tỉnh triển khai 1 đoàn kiểm tra liên ngành; các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành theo phân cấp. Các đoàn sẽ thực hiện kiểm tra toàn diện trên toàn tỉnh với mục tiêu không để thực phẩm không an toàn đưa ra thị trường. Đối với tuyến tỉnh còn tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ không an toàn về thực phẩm; tăng cường công tác lấy mẫu để kiểm nghiệm về chất lượng thực phẩm, cương quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, cần thiết sẽ đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở vi phạm nhiều lần hoặc các cơ sở vi phạm nghiêm trọng về ATVSTP.
* P.V: Ông có khuyến cáo gì với người dân trong việc chọn lựa bánh Trung thu đảm bảo an toàn cho sức khỏe? Và người dân khi phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm ATVSTP sẽ phản ánh tới địa chỉ nào, thưa ông?
- Ông NGUYỄN VĂN ĐANG: Đối với người dân khi lựa chọn bánh Trung thu cần tìm đến những cơ sở sản xuất có uy tín, thương hiệu trên thị trường; cơ sở có đầy đủ hồ sơ pháp lý, có công bố chất lượng sản phẩm, có nhãn mác đầy đủ, sản phẩm còn hạn dùng. Người dân không nên mua bánh Trung thu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không có hạn dùng, bánh đã thay đổi màu sắc, bánh đã bị rách bao bì, bánh không được bảo quản đúng yêu cầu của nhà sản xuất hoặc bánh đã quá hạn sử dụng.
Khi phát hiện những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về ATVSTP, người dân cần thông tin về Chi cục ATVSTP tỉnh, địa chỉ: 09 Duy Tân, TP. Pleiku hoặc số điện thoại đường dây nóng: (0269) 3827349-0964806005 để được bảo vệ quyền lợi và giúp ngành chức năng có biện pháp xử lý nghiêm khắc, kịp thời.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Như Nguyện (thực hiện)
--------------------------
Chuyên đề có sự phối hợp của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh