Những con đường Tây Nguyên đang ngày càng chứng tỏ tầm ảnh hưởng và giá trị của nó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy kinh tế-xã hội khu vực và cả nước phát triển, trong đó có Gia Lai.
Huyết mạch quan trọng
Cùng với đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, quốc lộ 14, 19 và mạng lưới quốc lộ, tỉnh lộ như xương cá khác đang là những mạch máu lưu thông quan trọng nối các tỉnh Tây Nguyên lại với nhau, nối miền ngược với miền xuôi, Tây Nguyên với Duyên hải Trung bộ, với đồng bằng và cả nước. Quốc lộ 19 dài 250 km nối Gia Lai với Bình Định, gắn với cảng Quy Nhơn quan trọng. Quốc lộ 14 nối các tỉnh Bắc Trung bộ với các tỉnh cao nguyên Nam Trung bộ và các tỉnh miền Đông Nam bộ dài gần 900 km chạy qua địa phận các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông và Bình Phước. Đây là quốc lộ dài thứ 2 của Việt Nam, sau quốc lộ 1. Ngoài ra, Tây Nguyên còn có nhiều quốc lộ quan trọng khác như: Quốc lộ 20 nối TP. Hồ Chí Minh với Lâm Đồng, quốc lộ 26 nối Đak Lak với Khánh Hòa, quốc lộ 24 nối Kon Tum với Quảng Ngãi, quốc lộ 27 nối Đak Lak với Lâm Đồng, quốc lộ 25 nối Gia Lai với Phú Yên...
Ảnh: Nguyễn Giác |
Những huyết mạch giao thông Tây Nguyên có vai trò đặc biệt trong công cuộc việc thúc đẩy kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên và khu vực phát triển ngày nay. Những quốc lộ này đi qua một vùng Tây Nguyên rộng lớn có nhiều tiềm năng lợi thế về rừng, thủy điện, khoáng sản, cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cao su, cà phê, qua những vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời, có bề dày truyền thống và văn hóa đặc sắc, có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, thuận lợi trong phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch xanh, nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa của các dân tộc thiểu số của địa phương...
Lợi ích từ các quốc lộ
Án ngữ ở khu vực Bắc Tây Nguyên, là trung tâm của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia nên dĩ nhiên các huyết mạch giao thông quan trọng có tác dụng thúc đẩy Gia Lai phát triển mạnh mẽ. Theo Viện Chiến lược Phát triển, quốc lộ 19 cùng với không gian quanh vùng có rất nhiều tiềm năng. Rộng hơn, hành lang đường 19 liên kết thúc đẩy phát triển 3 nước Đông Dương, có cửa khẩu thông ra nước ngoài hình thành một vùng rộng lớn, đấu nối với cả Thái Lan qua con đường xuyên Á trong hành lang Đông-Tây. Năm 2010, khu vực hành lang này có khoảng 28 triệu người, tổng giá trị nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng lên đến nhiều tỷ USD.
Một số tỉnh trong vùng của hành lang cần nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, vật tư hàng hóa ước tổng giá trị 6-7 tỷ USD. Các mặt hàng chủ yếu và phong phú trong vùng đáp ứng cho một thị trường xuất khẩu rộng lớn, đồng thời có nhu cầu và khối lượng lớn máy công cụ, máy động lực, thiết bị chế biến nông-lâm sản, vật liệu trang trí nội thất, đồ điện và điện tử,... Hai tuyến quốc lộ 19 và 14 đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại-dịch vụ của tỉnh. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2010 của tỉnh đạt 12.750 tỷ đồng tăng 27,5% so với năm 2009. Doanh thu vận tải đạt 1.030 tỷ tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 16%, luân chuyển hàng hóa tăng 17,6%; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 17,2%, luân chuyển hành khách tăng 16,1%. Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) cùng với Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) có ý nghĩa thúc đẩy giao thương, thực hiện các dự án của nhà đầu tư đến từ Gia Lai, Tây Nguyên và của Việt Nam tại Campuchia và Lào. Hai huyết mạch quốc lộ 19 và 14 còn mở ra một triển vọng lớn lao khai thác du lịch 3 nước Đông Dương và ASEAN trong thời gian tới, khi nối thông với tuyến đường các nước đã và đang được xây dựng khang trang, hiện đại.
Các tỉnh Tây Nguyên càng ngày càng ý thức về tầm quan trọng của quốc lộ 14, 19 trong công cuộc phát triển. Gia Lai đã tập trung nâng cấp, đầu tư nhiều tuyến đường giao thông quan trọng: Quốc lộ 14C, 19, 25 và một số tỉnh lộ; triển khai dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 14 đoạn Pleiku đi Cầu 110 theo hình thức BOT. Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh giai đoạn II đoạn qua TP. Pleiku (dài 9 km) từ Trường Trung cấp Lâm nghiệp đến dốc Hàm Rồng đang được tích cực triển khai xây dựng. Khi dự án hoàn thành, Pleiku sẽ thêm khang trang.
Những huyết mạch giao thông quan trọng Tây Nguyên đã và đang làm nên một sức sống mới nơi nó đi qua.