(GLO)- Mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông của tỉnh ta trong năm 2012-Năm An toàn giao thông đang đứng trước thách thức rất lớn khi tai nạn giao thông trong tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục tăng cao.
Tăng số vụ và số người chết
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 1-2012, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông, làm chết 25 người, bị thương 13 người. Trong số này, có một vụ tai nạn rất nghiêm trọng xảy ra tại TP. Pleiku. Lúc 21 giờ 30 phút ngày 9-1, tại ngã ba Lê Duẩn-Nguyễn Tuân (phường Thắng Lợi), anh Võ Hữu Vũ (SN 1994) điều khiển xe máy BKS 81H8-8889 chở phía sau chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (SN 1992, cùng trú tại thôn 6, xã An Phú, TP. Pleiku) đã va chạm mạnh với xe máy BKS 81H9-5643 do anh Dương Đình Hiếu (nhân viên Chi nhánh Công ty phân bón Sông Gianh tại TP. Pleiku). Hậu quả anh Vũ và chị Dung chết ngay tại chỗ.
Hiện trường một vụ tai nạn. Ảnh: Tiến Dũng |
So với cùng kỳ năm 2011, tai nạn giao thông tháng 1-2012 tăng 4 vụ, tăng 3 người chết và giảm 1 người bị thương. Còn so với tháng liền kề trước đó (tháng 12-2011), tai nạn giao thông cũng tăng cả số vụ và số người chết, cụ thể là tăng 3 vụ và 3 người chết.
Trong số những địa phương để xảy ra tai nạn giao thông, TP. Pleiku vẫn dẫn đầu với 6 vụ, chết 7 người và bị thương 2 người. Xếp lần lượt tiếp theo là huyện Đak Đoa (3 vụ, 3 người chết, 2 người bị thương), Mang Yang (3 vụ, 3 người chết), Chư Prông (2 vụ, 2 người chết, 3 người bị thương)… Tổng cộng, trong tháng 1-2012, 11 huyện, thị xã, thành phố xảy ra tai nạn chết người. Chỉ có thị xã An Khê và các huyện Ia Grai, Kông Chro, Krông Pa, Chư Pah, Ia Pa không xảy ra tai nạn.
Thách thức lớn trong Năm An toàn giao thông
Trong hai năm liên tiếp (2010 và 2011), Gia Lai là một trong 7 tỉnh trên cả nước để tai nạn giao thông tăng cả số vụ và số người chết. Trước tình hình này, ngày 19-12-2011, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã ký ban hành Quyết định số 845/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các nội dung trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở tỉnh ta được xác định gồm: Tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; duy trì và tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đội mũ bảo hiểm với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy; ngăn chặn học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe gắn máy; đẩy mạnh công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa giao thông; tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường công tác tổ chức giao thông, nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý về đào tạo, sát hạch lái xe và đăng kiểm xe ô tô…
Cũng trong tháng 12-2011, Ban An toàn giao thông tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông-2012”. Theo kế hoạch này, trong năm 2012, tỉnh ta phấn đấu giảm tối thiểu 5% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông. Riêng các địa phương trong tỉnh có số vụ tai nạn tăng trong năm 2011 như Phú Thiện, Đak Pơ, An Khê, Chư Pưh, Chư Sê, Kbang…phải phấn đấu giảm tối thiểu 10%.
Việc đề ra mục tiêu và những giải pháp cụ thể để thực hiện là điều cần thiết trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, qua thực tế tình hình tai nạn giao thông trong tháng 1, tháng ra quân thực hiện Năm An toàn giao thông, vẫn tiếp tục gia tăng, có thể thấy, những giải pháp đảm bảo an toàn giao thông mà tỉnh ta đề ra vẫn chưa phát huy hiệu quả. Trước mắt, vẫn còn gần 11 tháng để tỉnh ta cải thiện tình hình tai nạn giao thông, nhằm hướng đến mục tiêu giảm 5% số vụ, số người chết và bị thương đã đề ra.
Song nếu không huy động được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc một cách tích cực như Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng thường xuyên chỉ đạo thì e rằng, chỉ riêng việc giữ nguyên con số như năm 2011 đã là điều rất khó.
Tiến Dũng