Gia Lai: Quan tâm định hướng nghề nghiệp cho thanh niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, trước kỳ thi THPT Quốc gia, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đều phối hợp với Thành Đoàn Pleiku, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh Gia Lai tổ chức ngày hội tư vấn, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên.
Trăn trở chọn nghề
Ngày 17-3, tại Sàn giao dịch việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh), hơn 300 thanh niên các xã, phường và 7 trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku đã tham gia ngày hội tư vấn, định hướng nghề nghiệp và việc làm. Tại ngày hội, nhiều học sinh, sinh viên đã bày tỏ trăn trở về con đường lập thân, lập nghiệp. Chị Hyúi (làng Ngol Tả, xã Chư Hdrông, TP. Pleiku) vừa tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Thái Bình Dương, đặt câu hỏi: “Tại sao thanh niên học cao mà vẫn thất nghiệp hoặc không có việc làm phù hợp?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho biết: Trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp nói chung không cao, nhưng những người được đào tạo bài bản lại thất nghiệp nhiều. Nguyên nhân là bởi mỗi năm tỉnh ta có khoảng hơn 6.000 cử nhân, thạc sĩ ra trường trong khi nhu cầu tuyển dụng của các sở, ban, ngành, địa phương rất ít. Bên cạnh đó, nhiều người có bằng cấp cao nhưng chuyên ngành học không phù hợp với nhu cầu xã hội, dẫn đến khó tìm kiếm việc làm.
Lý giải thêm về vấn đề này, thầy giáo Bùi Đức Dũng-Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai-thông tin: Hiện nay, sinh viên cao đẳng nghề ra trường phần lớn đều có việc làm đúng chuyên ngành và thu nhập ổn định. Thậm chí, đang học năm thứ 2 nhưng nhiều sinh viên đã được các nhà máy nhận vào thử việc, năm thứ 3 đã có lương. Nhiều sinh viên vừa học vừa được nhà trường tạo điều kiện tìm việc làm, có thu nhập, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế để sau khi ra trường tự tin lập thân, lập nghiệp.
 Thanh niên tìm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đ.Y
Thanh niên tìm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đ.Y
Học nghề dễ tìm việc làm nhưng nhiều học sinh lại không lựa chọn vì lo ngại bạn bè nói mình kém cỏi. Vì vậy, việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên là rất cần thiết, nhất là khi nhiều học sinh THPT vẫn thiếu thông tin định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Năm học lớp 12, nhiều em còn chưa biết nên chọn ngành nào, trường nào, lại a dua đăng ký dự thi theo bạn mà không biết rõ năng lực, sở trường của mình, nhu cầu của xã hội.
Em Phạm Hoàng Công Thạnh (lớp 12, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) tâm sự: “Em đang ôn thi khối A2, gồm các môn Toán, Lý, Văn. Đây là khối mới, theo tìm hiểu có nhiều chuyên ngành, trong đó ngành đang “hot” là công nghệ thông tin nên em chọn đăng ký thi tuyển”. Giải đáp cho học sinh này, Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Trưởng khối giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai-nhấn mạnh: “Nhu cầu xã hội hiện cần rất nhiều vị trí việc làm ngành công nghệ thông tin. Nhưng để làm được việc và giỏi nghề này, ngoài thông minh phải có tính cần cù, chịu khó, đam mê sáng tạo. Nếu em đáp ứng được các tố chất như thế, học chuyên ngành này rất hay và phù hợp trong tương lai. Còn không thì em nên chuyển sang lựa chọn nghề khác phù hợp với bản thân hơn”.
Định hướng nghề nghiệp phù hợp
Việc đi du học cũng được nhiều học sinh THPT tham gia ngày hội tư vấn, định hướng nghề nghiệp và việc làm quan tâm. Em Trần Hữu Phước (lớp 12, Trường THPT Pleiku) hỏi: “Học xong lớp 12, em muốn đi du học. Em muốn biết những điều kiện cần và đủ để đi du học là gì?”.
Theo Tiến sĩ Trần Cao Bảo, đi du học hiện nay không khó. “Các em chỉ cần có chứng chỉ tiếng Anh IEO 5.0 và làm hồ sơ dự tuyển đầy đủ theo yêu cầu bằng tiếng Anh là có thể đi được. Song, du học tự túc rất tốn kém. Gia đình phải ký quỹ kinh tế, trung bình chi phí khoảng hơn 200 triệu đồng/năm học. Vì thế, tốt nhất các em nên học đại học trong nước. Trong quá trình học đại học, các em tìm hiểu thi lấy học bổng đi du học. Các này vừa rút ngắn thời gian học, vừa ít tốn kém so với du học tự túc”-Tiến sĩ Bảo giải đáp.
Còn về định hướng nghề nghiệp phù hợp, ông Nguyễn Xuân Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho biết, việc làm cho thanh niên là vấn đề lâu dài và được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Thực tế, tại các phiên giao dịch việc làm, thanh niên vẫn là lực lượng lao động đông nhất, chiếm 80-90% số người lao động đến tìm việc. “Do đó, đối với thanh niên khi lựa chọn nghề nghiệp nên tìm hiểu kỹ những ngành nghề sau này gắn bó cũng như nhu cầu thị trường lao động, xã hội đang cần để có được cơ hội việc làm bền vững. Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục phối hợp với Thành đoàn Pleiku, các trường cao đẳng, đại học tư vấn, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên. Đây là cơ hội tốt giúp thanh niên tự hoàn thiện kỹ năng, kiến thức, nắm bắt nhu cầu xã hội để có việc làm trong tương lai”-ông Hùng chia sẻ. 
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.