Có một vị “đại gia” từng bộc bạch rằng, ngắm nhìn cây cảnh mà mình yêu thích mặc dù phải trả giá cao ngất ngưởng vẫn thú hơn khi phải ôm khư khư đống tiền! Phải chăng vì vậy mà nghề săn tìm cây cảnh, gốc độc đang rất “hot”.
Chiếc tủ thờ hàng trăm triệu đồng
Đến thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa), chúng tôi nghe người dân xầm xì về gốc sao độc nhất vô nhị hiện đang được trưng bày trong căn nhà chật hẹp của anh T.V.L.. Tò mò tìm đến thì được biết, anh L. vốn chỉ là một nhà thầu xây dựng nhỏ ở huyện này.
|
Cây sanh hàng trăm tuổi bị di thực về làm cây cảnh. Ảnh: N.L |
Một ngày nọ, người dân thị trấn Đak Đoa đều tròn mắt khi thấy một chiếc xe tải lớn chở bộ tủ thờ vừa to, vừa đẹp đậu trước nhà anh L.. Vì cửa quá hẹp nên anh L. ngay lập tức đưa ra quyết định... đập cửa. Nhiều người đã tò mò đến hỏi thăm, sờ mó và cuối cùng kết luận: Bộ tủ thờ được làm từ một gốc sao hàng trăm năm tuổi, có dáng thế rất đẹp, lại được qua tay người thợ chạm trổ tài hoa. Thế là bộ tủ thờ này ngày càng nổi tiếng khắp huyện Đak Đoa.
Về gốc gác của bộ tủ thờ tứ linh, anh L. cho biết: “Tình cờ trong một lần mở móng nhà cho một người dân tộc thiểu số ở một xã trong huyện Đak Đoa, tôi đã phát hiện ra gốc sao khô khổng lồ nằm sâu trong lòng đất”. Biết rằng mình đã phát hiện ra “kho báu” do đó anh L. đã không ngần ngại ra một cái giá cao ngất ngưởng khiến gia chủ choáng váng, không có cơ hội từ chối: 40 triệu đồng, sau đó tiền đào bới và vận chuyển cũng ngót nghét thêm chục triệu đồng nữa. Chuyện là như vậy, song “lý lịch” của gốc sao cổ thụ kia chỉ có trời mới biết. Theo anh L. có người trả giá vài trăm triệu đồng nhưng anh chưa bán. Ngoài bộ tứ linh này, anh vẫn còn một số bộ gốc cây độc khác hiện vẫn đang gửi nhờ nhà người quen vì nhà anh quá nhỏ, không có chỗ trưng bày.
Rừng bị tàn phá
Có một vị “đại gia” từng bộc bạch rằng, ngắm nhìn cây cảnh mà mình yêu thích mặc dù phải trả giá cao ngất ngưởng vẫn thú hơn khi phải ôm khư khư đống tiền! Phải chăng vì vậy mà nghề săn tìm cây cảnh, gốc độc đang rất “hot”.
Những người “câu cơm” nhờ việc này không ngại bỏ ra một số tiền lớn, kiên nhẫn lội bộ trong rừng nhiều ngày liền để tìm kiếm, đào gốc, đào rễ những cây mà họ ưng ý. Những gốc được săn lùng nhiều thường là lộc vừng, sanh, sung, si, xộp, dúi, bằng lăng, đôi khi cũng có gỗ quý… Không chỉ những cây còn sống, những gốc gỗ khô như hương, trắc, cà te, cẩm, sao… cũng bị moi lên.
|
Ảnh: N.L |
Tiếp cận một số tay săn cây cảnh, gốc độc, chúng tôi được biết, để moi được cả gốc và bộ rễ lành lặn, phải khoét xung quanh nó những cái hố rộng gấp mấy lần chu vi gốc cây. Thế là những cây to, cây nhỏ xung quanh đều đổ rạp xuống. Khi đưa cây ra khỏi rừng, không ít cây khác cũng bị hủy hoại trên đường xe đi.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công văn số 2239/TTg-KTN nghiêm cấm các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, xuất khẩu các loại cây cảnh, cây bóng mát thân gỗ có đường kính đủ quy cách gỗ tròn, có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trong nước. |
Đối với việc đào gốc cây cảnh sống, mức độ tàn phá còn lớn hơn nhiều. Vì người chơi chỉ lấy bộ gốc nên buộc phải hạ phần thân cây, một cây lớn đổ xuống sẽ kéo theo nhiều cây khác phải thác theo và cuối cùng cũng là những chiếc hố lố nhố không mời mà mọc lên khắp khu rừng.
Những cây có dáng thế, bộ rễ độc thường mọc ven các con suối, thác trong rừng. Trước đây, bao quanh thác là cây cối um tùm, nhất là nhiều cây si mọc trên thác với hình dáng uốn lượn trông rất đẹp. Sau khi những cây này bị khai thác, con suối, thác nước chỉ còn bãi đá trơ trọi.
Những năm gần đây, ngành chức năng của các tỉnh Tây Nguyên đã vào cuộc ngăn chặn, bóc gỡ, bắt giữ nhiều vụ khai thác, tàn phá rừng tự nhiên. Tuy nhiên việc này dường như chỉ là muối bỏ bể nên rừng vẫn cứ tiếp tục bị chảy máu, thu hẹp dần.