(GLO)- Những ngày qua, gần 3.000 hộ trồng mía ở khu vực Đông Nam tỉnh như ngồi trên đống lửa sau vụ cháy thiêu rụi 38,7 ha mía của 22 hộ dân tại cánh đồng Thống Nhất, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện vào ngày 23-12 và khiến chủ mía Trần Văn Dân bị bỏng nặng rồi thiệt mạng hai ngày sau đó.
Nông dân ngồi trên đống lửa
Đi khắp cánh đồng mía thuộc thôn Thống Nhất chỉ thấy đen xịt màu muội than sau khi ngọn lửa hung hãn quét qua vào chiều 23-12. Các thân mía sạm đen, rỉ mật nhớp nháp dọc bề vỏ sau khi bị nung đốt dưới nhiệt độ cao. Gần 1 tuần sau khi mía cháy, cả cánh đồng rộng vẫn chỉ thấy lác đác vài người chặt mía và một vài chiếc xe tải lớn chờ chất đầy nguyên liệu chở về nhà máy. Gần như toàn bộ 38,7 ha mía cháy vẫn đang nằm phơi dưới cái nắng gắt, khô hanh.
Thu hoạch mía cháy trên cánh đồng Thống Nhất, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện. Ảnh: Đức Phương |
Ruộng mía hơn 4 ha của ông Trần Văn Dân (vừa bị thiệt mạng) chỉ thu hoạch được một ít, vì cả gia đình phải lo đám tang cho người xấu số. Ai đi ngang nhìn ruộng mía cháy-tài sản lớn nhất của gia đình họ-đang bị teo tóp, sụt giảm sản lượng từng ngày cũng thấy thương. Nhà máy đường đã chỉ đạo cho trạm đầu tư và thu mua nguyên liệu trên địa bàn ưu tiên tổ chức đốn mía của họ chở về nhà máy tiêu thụ giúp, nhưng cũng chưa thể ngày một ngày hai mà tiêu thụ hết được vì lượng mía cháy đợt này quá nhiều.
Ở đám ruộng cạnh đó, chủ mía Phạm Ngọc Biên, 61 tuổi, trú ở thôn Quý Đức, xã Ia Trốk, huyện Ia Pa đang tất tả giục mấy người thợ chặt mía nhanh tay thu gom từng bó mía nhuốm muội than nằm lẫn trong đất nhão đem ra đường lớn để chờ bốc lên xe. Ông Biên có 7,7 ha mía tại đây, ngoài 2,7 ha đã đốn trước đó thì 5 ha còn lại đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Ông Biên nói: “Mía cháy phơi nắng nên chữ đường đang giảm nhanh, mỗi ngày giảm một chữ. Trọng lượng mía cũng hao hụt đi từng ngày. Bao nhiêu tiền của, công sức của người dân quanh năm trông đợi vào vụ thu hoạch mía đã bị ngọn lửa đốt vèo đi trong vài giờ”.
Năm nay, Nhà máy Đường Ayun Pa thuộc Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai thu mua mía nguyên liệu theo chữ đường (mía cháy được bảo hiểm mua theo 9 chữ đường và trừ tạp chất 8%). Đây là một biện pháp nhằm chia sẻ bớt thiệt hại cho người trồng mía vì thực tế các năm trước đối với mía cháy chữ đường chỉ còn lại 5-6 chữ và tạp chất thường lên trên 12% lúc đó người dân càng bị thiệt hại nặng hơn.
Tuy nhiên, khi mía cháy người trồng mía vẫn phải chịu thiệt hại vì lượng mía tồn đọng trên ruộng vẫn còn quá nhiều và trọng lượng mía cứ sụt giảm dần do cây mía cháy đã chết để phơi nắng giữa ruộng sẽ bay hơi nước, trong khi đó, nhà máy phải mất khoảng 10 ngày mới tiêu thụ hết 38,7 ha mía cháy này. Ngoài ra, công đốn mía, trung chuyển mía từ ruộng ra đường lớn tăng 20-30% so với mía sạch. Tính chung nông dân thiệt hại khoảng 15-20 triệu đồng/ha mía cháy.
Kẻ xấu đốt mía?
Nhiều nông dân có mía bị cháy tại cánh đồng Thống Nhất cho biết: Nhiều khả năng mía cháy đợt này là do có kẻ xấu đốt. Vì không ngẫu nhiên mà ngọn lửa lại “chọn” bùng lên ở ba bốn điểm khác nhau nơi bờ ruộng phía đầu ngọn gió để lan nhanh và thiêu hết cả cánh đồng rộng 38,7 ha. Cách 1 tuần trước đó, tại cánh đồng này cũng đã xảy ra một đám cháy vào ban đêm, nhờ trời đứng gió, ngọn lửa bùng lên chậm nên người dân đã kịp cắt đường ranh cản lửa để cô lập đám cháy và họ đành chấp nhận đứng nhìn ngọn lửa thiêu rụi mất 5,2 ha mía của các ông Lê Đăng Khoa, Phan Đình Thử, Lê Hạn cùng trú ở xã Ia Trốk, huyện Ia Pa. Riêng trong vụ cháy này, khi lửa tắt, người dân phát hiện có kẻ xấu đã châm mồi lửa đốt ruộng mía bằng cách cắm một bó nhang xuống ruộng rồi bỏ đi để mặc cho ruộng mía bén lửa thiêu cháy.
Gom mía chở về nhà máy. Ảnh: Đức Phương |
Tin từ Nhà máy Đường Ayun Pa cho biết: Từ đầu vụ ép đến nay, trong vùng nguyên liệu mía phía Đông Nam tỉnh đã xảy ra 30 vụ cháy ruộng mía, thiêu rụi 140 ha mía gây thiệt hại khoảng 30% sản lượng và giá trị (tương ứng thiệt hại gần 3.000 tấn mía nguyên liệu, khoảng 30 tỷ đồng). Các vụ cháy mía trải rộng ở các huyện: Phú Thiện, Ia Pa và Krông Pa với nhiều dấu hiệu bất thường.
Ông Hồ Đăng Dũng- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai, khẳng định: “Vùng nguyên liệu mía của nhà máy thường xảy ra cháy mía là do “cò” mía tiếp tay, xúi giục kẻ xấu đốt mía nhằm gây hoang mang trong dân, buộc người trồng mía nóng ruột phải bán mía ra ngoài vùng nguyên liệu với giá rẻ cho “cò” mía. Từ đầu mùa đến nay đã có trên 100 xe mía bán ra ngoài vùng với tổng sản lượng trên 3.500 tấn mía”.
Sự việc này bắt nguồn từ phương châm hoạt động của Nhà máy Đường Ayun Pa là ký hợp đồng đầu tư và mua mía nguyên liệu trực tiếp với nông dân, không giống với một vài đơn vị khác trong vùng là đầu tư và mua nguyên liệu thông qua đại lý-“cò” mía. Đây thực sự là một phương thức làm ăn có lợi cho nông dân và được người dân đồng tình vì khi nhà máy đầu tư 10 đồng thì người dân hưởng trọn 10 đồng mà không phải thông qua khâu trung gian, và phía nhà máy cũng đỡ được phần chi phí cho các đại lý thu mua mía.
“Tuy nhiên, khi đội ngũ đại lý- “cò mía” không còn đất hoạt động trên vùng nguyên liệu của nhà máy thì xung đột về quyền lợi giữa “cò” mía và nhà máy đã xảy ra và chúng đã xúi giục đốt mía để phá hoại, gây thiệt hại cho nông dân, làm xáo trộn kế hoạch sản xuất của nhà máy và làm mất ổn định an ninh trật tự tại các địa phương trong vùng nguyên liệu mía. Đơn cử là mấy ngày đầu vụ ép này khi hệ thống đo chữ đường hoạt động chưa ổn định, trong số gần hai chục người kéo đến nhà máy khiếu nại thì trong đó đã có hơn chục “cò” mía cầm đầu và hùa theo để xúi giục gây áp lực thúc ép người dân tạo thêm bức xúc”- ông Dũng nói.
Đức Phương