Gia Lai: Nguy cơ đổ nợ vì tiêu chết hàng loạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Còn chừng hơn tháng nữa là đến chính vụ thu hoạch tiêu (trung tuần tháng 3) tại thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh, những tưởng khi về đây sẽ được thấy hình ảnh nhà nhà phấn khởi đón nhận tin năm nay tiêu được giá (giá hiện tại là 120.000 đồng/kg). Nhưng không phải như vậy, đa phần người dân đang rầu rĩ, có người còn thốt lên rằng: Tiêu ốm là người ốm, tiêu chết thì người cũng muốn chết theo.

Từ khoảng trung tuần tháng 7-2011 đến nay, rất nhiều nông dân ở 2 vựa tiêu lớn nhất tỉnh Gia Lai là Chư Sê, Chư Pưh luôn phải sống trong cảnh mất ăn, mất ngủ vì tiêu chết hàng loạt. Hộ ít thì mất vài chục trụ, hộ nhiều thì đến hàng ngàn trụ.

“Sinh mạng người và cây gắn với nhau”

Câu nói này được nông dân Nguyễn Đức Thắng (35 tuổi, trú tại thôn Plei Thơ Ga, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) nói khi dẫn chúng tôi đi thực địa vườn tiêu 600 trụ của nhà ông. Ông giải thích, mọi sinh hoạt của cả gia đình 4 miệng ăn đều trông chờ vào cây tiêu. Tôi vừa mua được đất, cất được nhà gần đường quốc lộ cũng nhờ cây tiêu, nhưng nhìn tình hình “tiêu điều” thế này, chắc có lẽ phải quay lại ở nhà rẫy mất…

Những vườn tiêu bị chết hoàn toàn. Ảnh: Ngọc Linh
Những vườn tiêu bị chết hoàn toàn. Ảnh: Ngọc Linh

Chỉ vào những trụ đã chết hẳn và những trụ đang có dấu hiệu bệnh, ông Thắng than thở: Với kinh nghiệm gần 10 năm trồng loại nông sản này, tôi có thể cảm nhận được mỗi ngày mỗi dây tiêu cao thêm được bao nhiêu phân, ra thêm bao nhiêu lá nhưng chưa bao giờ thấy tiêu chết nhiều và nhanh như thời gian vừa qua. Vườn nhà tôi bị thiệt hại hoàn toàn hơn 20% số trụ. Đó là chưa kể số trụ phát hiện bệnh kịp thời, đã ra sức bơm thuốc theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ Thực vật; tuy nhiên hiện tại, chúng cũng trong tình trạng lá đang từng ngày úa vàng.

Ông Thắng cho biết thêm, từ khi phát hiện bệnh, gia đình đã “đổ” vào vườn tiêu cả chục triệu đồng tiền thuốc nhưng tiêu vẫn cứ chết. Điều đáng ngại hơn, đó là bệnh này lây lan rất nhanh. Nhìn vào những trụ tiêu gia đình ông Thắng mới trồng lại, thấy lá đang có dấu hiệu co quắp, còn những trụ được cho là đã may mắn thoát bệnh thì trái rất ít, có chùm chẳng có hạt nào.

Theo ông Thắng, nếu tiêu không bệnh, với giá cả như hiện tại, gia đình ông sẽ thu trên 200 triệu đồng. Thiệt hại do không thu hoạch được mấy năm, cộng với chi phí đầu tư trồng mới phải mất vài triệu đồng một trụ, mà trồng lại chưa chắc đã thoát bệnh, rồi tiền đầu tư thì vay ngân hàng... sẽ là gánh nặng của gia đình.

Ở thôn Plei Thơ Ga nói riêng và xã Chư Don nói chung hầu như nhà nào cũng bị tình trạng tiêu chết vì bệnh, nhiều nhà thiệt hại từ 80% đến 100%. Nhà ông Hiếu có 3.000 trụ bị chết sạch. Nhà ông Hà có 2.000 trụ bị lụi tàn, ông bỏ vườn hoang luôn vì không bói đâu ra tiền để tái đầu tư. Thiệt hại nặng nhất là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết, có gần 5.000 gốc tiêu nhưng bị bệnh chết đến hơn 3.000 trụ. “Tốc độ chết của tiêu chỉ kéo dài trong vòng 1 tuần. Nếu thời gian tới không có biện pháp nào khắc phục được tình trạng trên thì chúng tôi cũng phá sản mất thôi!”-bà Tuyết chán nản.

Tiêu chết không chỉ khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, mà bao nhiêu vốn liếng, công sức của người dân đều bị đổ sông, đổ biển, lâm vào tình trạng nợ nần do vay ngân hàng, mua chịu tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Nông dân trước nguy cơ phá sản dù tiêu được giá

Ông Thắng bên cây tiêu bị chết. Ảnh: Ngọc Linh
Ông Thắng bên cây tiêu bị chết. Ảnh: Ngọc Linh

Theo nhiều nông dân, đây không phải là năm đầu tiên xuất hiện bệnh, song kiểu chết hàng loạt thì chỉ sau mùa mưa năm ngoái mới thấy. Người dân thấy bệnh thì cứ vái tứ phương chứ cũng chưa biết rõ bệnh và phương pháp điều trị cụ thể nên hiệu quả chữa trị không cao. Hậu quả là hàng trăm tỷ đồng của người dân đang ngày ngày đội nón ra đi.    

Theo ông Lê Đình Quốc (TP. Pleiku)- người có trên 20 năm trồng cây hồ tiêu, một trong những người tiên phong của vựa tiêu Chư Sê thì, cây tiêu rất khó tính do đó tiêu bệnh và chết đa phần do người dân canh tác không đúng kỹ thuật, bón phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều. Nhiều năm liền vẫn duy trì như vậy đã khiến cây tiêu kiệt sức; khi nấm bệnh được ủ lâu ngày thì cây không đủ sức kháng bệnh dẫn đến chết nhanh chóng và chết trên diện rộng.

Do lợi nhuận của cây hồ tiêu lớn nên nhiều người đã đổ xô đi trồng tiêu mặc dù chưa nắm đầy đủ kiến thức, kỹ thuật về loại cây khó tính này. Bên cạnh đó, ăn theo cây tiêu là các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bán tràn lan khắp 2 vựa tiêu này cũng góp một phần làm cho cây tiêu xuống cấp, dễ mắc bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: Nguyên nhân làm cây tiêu chết hàng loạt là do nấm phytopthora. Cây tiêu là loại cây cần rất nhiều vốn mà người trồng tiêu đâu phải ai cũng bắt đầu với số vốn lận lưng nhiều đâu. Chuyện nông dân báo về rằng cây tiêu chết nhanh, chết chậm, vàng lá, thối rễ, long đốt gãy thân... đã khiến chúng tôi đứng ngồi không yên. Phải nói, những lúc khó khăn như thế này, người dân chỉ trông mong vào Hiệp hội.

Hiệp hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn trực tiếp đi thực tế từng vườn cây bị bệnh, tuy nhiên cũng thừa nhận nhiều khi lực bất tòng tâm. Vườn tiêu nào may mắn phát hiện bệnh sớm thì còn có khả năng cứu vãn, còn khi bệnh đã nặng thì chi phí điều trị rất cao, tình hình điều trị cũng bấp bênh.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tiêu chết hàng loạt, theo ông Bính là do cơn bão số 9, số 11 năm 2009 đã làm đổ, lay gốc rễ, tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập rồi ủ bệnh, khi gặp mưa nhiều (mùa mưa năm 2011) sẽ làm ẩm đất. Đây là môi trường thuận lợi để các loại nấm bệnh phát triển và phá hại vườn tiêu.

Hiệp hội đã khuyến cáo các chủ vườn tiêu nên có biện pháp phòng ngừa bằng cách đào mương thoát nước và xử lý phòng bệnh bằng các loại thuốc hóa học có trên thị trường như: Aliette, alfamil, alpine... hoặc dùng chế phẩm trichoderm-loại tinh chất hòa với nước để phun và tưới theo hướng dẫn trên bao bì.

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.