Trong chuyến khảo sát chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đoàn gần đây, chúng tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đoàn viên, thanh niên Jrai, Bahnar tại xã Ia Le, thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh), xã Kông Htok, xã Dun (huyện Chư Sê), xã Pờ Tó (huyện Ia Pa).
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên chính là các bạn đã chủ động, mạnh dạn hơn khi bày tỏ, chia sẻ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng của bản thân trên mỗi tờ phiếu khảo sát trước những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương, hay những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn. Nhiều ý kiến tập trung vào việc hỗ trợ vốn vay cho thanh niên nghèo phát triển kinh tế, lập nghiệp; tạo việc làm ổn định cho thanh niên tại chỗ, tránh tình trạng thanh niên phải đi làm ăn xa tại các thành phố lớn; tăng cường tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh-thiếu niên...
Ảnh minh họa (Đức Thụy) |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số thanh niên vẫn còn thụ động, rụt rè trong việc chia sẻ, bày tỏ quan điểm. Tìm hiểu thì được biết trong số đó có không ít thanh niên, chủ yếu là người Bahnar, không biết chữ hoặc biết chữ song còn hạn chế về nhận thức, thiếu khả năng hiểu biết trước những thông tin, vấn đề được đưa ra nên gặp khó khăn trong việc điền các thông tin, số liệu theo yêu cầu của phiếu khảo sát. Một số thanh niên không biết chữ hoặc biết “sơ sơ” đều nghỉ học từ bậc Tiểu học, nhiều người chỉ mới học tới lớp 3, lớp 5. Lý do nghỉ học không hẳn xuất phát từ hoàn cảnh gia đình khó khăn mà do bản thân không thích đi học hoặc sức học không đảm bảo... Cách trả lời vô tư “nghỉ học vì không thích” của họ khiến chúng tôi cảm thấy hụt hẫng. Đó chính là sự ngây ngô trong nhận thức, non kém về tư tưởng trong thanh niên dân tộc thiểu số hiện nay.
Trong tình hình hiện nay, mọi người cần nhận thức rằng việc học tập không chỉ đơn thuần là vì lợi ích cá nhân về nghề nghiệp, thu nhập, giúp đỡ gia đình mà còn liên quan đến sự đóng góp của bản thân đối với sự phát triển của cộng đồng, đặc biệt là góp phần vào sự ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực trạng thanh niên kém hiểu biết, trình độ học vấn thấp chính là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch tranh thủ lợi dụng lôi kéo, kích động để thực hiện các âm mưu, hoạt động nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Vì vậy, các cấp bộ Đoàn, đặc biệt là các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số cần rà soát, nắm bắt số lượng thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp, qua đó chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan đề xuất giải pháp để hỗ trợ xóa mù chữ, cải thiện trình độ học vấn, từng bước nâng cao nhận thức cho đối tượng này. Bí thư, Phó Bí thư chi đoàn cần xây dựng kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ thanh-thiếu niên chậm tiến, yếu thế tại địa phương trở nên tiến bộ, đồng thời xác định đây là cơ sở, tiêu chí đánh giá xếp loại hàng năm. Các tổ chức cơ sở Đoàn cần tăng cường phối hợp với các ngành Tư pháp, Công an... tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh-thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng hình thức trao đổi trực tiếp, sử dụng ngôn ngữ địa phương kết hợp tuyên truyền trực quan cùng tài liệu song ngữ Jrai-Việt, Bahnar-Việt để tăng hiệu quả, chất lượng tuyên truyền. Một phương pháp khác cũng hết sức hiệu quả là huy động lực lượng sinh viên tình nguyện ngành sư phạm triển khai chiến dịch hè tình nguyện, mở các lớp xóa mù chữ, ôn tập hè cho thanh-thiếu niên tại các địa bàn khó khăn.
Bên cạnh đó, cán bộ Đoàn tăng cường bám sát cơ sở, phân công cán bộ phụ trách từng chi đoàn, chi hội để kịp thời định hướng, hỗ trợ hoạt động, tham gia sinh hoạt đoàn, hội theo chủ điểm, chủ đề hàng tháng, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh-thiếu niên tại cơ sở. Đồng thời đề xuất giải pháp đề nghị cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, giải quyết tránh để vấn đề nảy sinh tồn tại lâu dài dẫn đến phức tạp trong xử lý, tháo gỡ.
Ksor H’yuên