Gia Lai miền nhớ: Stơr thời ... 81

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 1981 tôi lên nhận công tác ở Ty Văn hóa và Thông tin Gia Lai-Kon Tum. Lúc này nhóm các nhà khoa học của Viện Văn hóa Dân gian do Giáo sư Tô Ngọc Thanh làm trưởng đoàn đang trú tại khu tập thể của Ty để nghiên cứu văn hóa Bahnar (và sau này họ cho ra đời cuốn Folklore Bahnar mà đến giờ bất cứ ai nghiên cứu về Bahnar cũng đều phải nhắc tới).

Lên mấy hôm rồi mà chưa đi đâu cả thì hôm ấy ông họa sĩ “ma cũ” Nguyễn Viết Huy cũng người Huế bảo: Đi xuống làng đi? Tôi hồ hởi: Đi thế nào? Huy bảo: Nhóm ông Thanh đang cần người chạy máy nổ để quay phim. Tôi với ông đi chạy cho họ. OK luôn. Tôi lên báo cáo trưởng phòng. Nói thật là ông trưởng phòng thời ấy không thích nhóm này nên miễn cưỡng cho chúng tôi đi nhưng kèm câu: Cử nhân mà đi chạy thuê máy nổ, không xấu hổ à?

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thế là chúng tôi lên xe về xã Nam, xã có làng Stơr, quê Anh hùng Núp. Một cử nhân văn chương mới ra trường lơ ngơ như tôi được về đấy sướng hơn được sang... Singapore bây giờ ấy chứ. Nhiệm vụ rõ ràng: Chạy cái máy nổ mà đoàn mượn của Ty. Thực ra chúng tôi đều chưa biết sử dụng, nhưng loanh quanh đi hỏi một tí thì biết. Cái máy nổ mới, giật phát là nổ ngay, tất nhiên phải đổ xăng đã.

Tối nhù nhờ thì đến làng, nó chính là cái làng của ông Núp, thuộc xã Nam thời ấy. Hồi ấy đi vào vất vả lắm, và còn rất nhiều FULRO. Đoàn của Viện ở trong trụ sở Ủy ban nhân dân xã, 2 anh em tôi theo ông Y Vin, diễn viên múa của Đoàn Đam San vào một nhà dân. Leo lên sàn thì tối, chỉ thấy leo lét đống lửa giữa nhà, và mùi hôi, rất hôi. Giờ thì quen rồi, thậm chí là nhớ nó, chứ hồi ấy quả là rất khó chịu. Nó là cái mùi của thuốc lá cuốn rất nặng và rượu cần lưu cữu lâu ngày, chưa kể trên gác bếp còn mấy ống nứa thịt... chuột nữa. Nhưng biết làm sao. Lát nữa thì cơm dọn ra. Hồi ấy cán bộ xuống làng còn được dân cho ăn, tất nhiên sau mọi người cũng tìm cách đưa lại cho họ cái gì. Bọn tôi chỉ ăn của họ tối ấy, từ hôm sau thì tự nấu. Thấy một nồi cơm to oạch, một nồi canh cà đắng lõng bõng nước và một bát muối giã ớt. Không đũa bát, sa ngo (ăn cơm-tiếng Bahnar) thì dùng tay bốc...

Hôm sau thì bắt đầu làm việc. Có dân làng khiêng máy nổ, tôi và ông Huy họa sĩ chỉ đi không, đến nơi làm thì đổ xăng vào, kéo dây, giật máy nổ, xong là chơi.  Và nhờ thế mà lang thang được khắp làng... Chúng tôi chứng kiến làng săn được một con nai, khiêng về, mổ ra và chia rất đều, ai cũng có phần, từ bé tí đến già rụng răng. Khách cũng có phần. Chiều ấy cả tốp đang hí hửng với món nai xào bắp chuối (độn vào chứ thịt ít lắm) thì thấy dân làng rùng rùng chạy ra hướng suối. Mọi người chạy theo ra thì, trời ạ, một người tự tử. Lần đầu tiên tôi thấy một người chết vì treo cổ... Lý do tự tử rất đơn giản: nhà anh này nghèo, ở tít ngoài rìa làng. Khi cầm miếng thịt được chia về, anh cảm thấy nó có vẻ nhỏ hơn của nhà khác. Thế là để bảo vệ lẽ công bằng, anh treo cổ chết.

Cả làng lại đập heo, bò để... tiễn anh về thế giới Atâu. Người làm heo, bò, người đánh chiêng, người nhảy múa, và tu rượu. Đoàn công tác được Ủy ban nhân dân xã cử cho một tốp du kích bảo vệ. Bỗng một ông say lên đạn cái roạt, chĩa về phía những người mà anh ta được giao bảo vệ. Tất cả cứng người, đứng im như tượng, mặt xanh hơn lá chuối đang lót nia kia nữa. Ông Y Vin cũng ngà ngà rồi, rất nhanh đánh bật tay cầm súng của anh du kích, đoạt súng y như trong phim. Sau ông kể, ông nguyên là bộ đội nên việc ấy dễ như thò tay vào... nồi bốc cơm. Cũng ông Y Vin kể: Hồi trước có một con hổ thọt rất hay vào làng ông bắt heo. Một hôm khi ông đã uống rượu say thì “ông ba mươi” lại mò vào, đứng ở đầu làng... ngắm trăng. Ông Vin cởi trần lao ra, cách chừng mười mấy mét thì dừng lại, chống nạnh nói: Này con hổ kia, mày là đàn ông tao cũng đàn ông, có giỏi thì đánh tay đôi, chứ đừng vào làng mà dọa đàn bà con nít. Hẹn mày tối mai ra suối Chơ Pâu, chứ giờ tao say rồi. Tối mai nhé, trăng lên nhé, tao đợi mày ở đấy. Con hổ gục gặc đầu một lúc rồi... lững thững đi. Tôi hỏi tối mai anh có ra không, ông Vin nói tỉnh rượu sợ sun... tai, nhưng đã hẹn thì không thể nuốt lời. Tối sau ông vẫn ra, ngồi trên tảng đá chờ, nhưng may thay, con hổ đã không đến, và đáng ngạc nhiên là cũng từ đấy, nó không vào làng bắt bò heo nữa...

Cái chuyến đầu tiên xuống làng Stơr rồi sang Tơ Tung ấy đã khiến tôi “mở mắt” rất nhiều để sau này có chút ít vốn liếng về Tây Nguyên. Giờ xã Nam nói chung, Stơr nói riêng đã khác xưa hoàn toàn. Nó như một thị trấn với tất cả cung bậc phố. Mới đây tôi về, vào thăm Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, và quả là, không thể nhận ra những gì của cái tối đầu tiên xuống làng ấy. Làng như phố, có quán cà phê, quán nhậu, ngay con đường lên nơi ngày xưa ông Núp cắm chông và “bắn Pháp chảy máu” cũng đã rất thông thênh.

Những “lần đầu tiên” luôn như duyên nợ, mà lại như định mệnh là thế...

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm