(GLO)- Xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng là một việc làm đầy ý nghĩa. Theo kế hoạch, trong năm 2017, các địa phương trong tỉnh Gia Lai sẽ xây mới, sửa chữa 1.248 căn nhà bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và hoàn thành trước dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7).
Huyện Chư Sê có 108 gia đình chính sách cần được xây mới và sửa chữa nhà ở, trong đó có 53 trường hợp xây mới và 55 trường hợp sửa chữa. Đến nay, huyện đã xây mới được 14 căn, 39 căn còn lại đang được thi công và sẽ sớm hoàn thành. Là một trong 14 đối tượng người có công đã được hỗ trợ xây nhà mới thay cho căn nhà cũ kỹ, dột nát, ông Rchâm Krẽng (làng Roh lớn, xã Al Bá, huyện Chư Sê) không giấu được sự vui mừng bởi bao nhiêu năm nay, ông không bao giờ dám mơ tới việc sẽ xây được nhà. “Được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà, mình vui lắm”-ông Krẽng tâm sự.
Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên vừa bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình chị Đinh Thị H’Nhoi (làng Lưới, xã Sơ Pai, huyện Kbang). Ảnh: Đ.T |
Bà Trần Thị Bé (thôn Bình Chung, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) có em trai là liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Quảng Trị. Bao nhiêu năm qua, do hoàn cảnh khó khăn, gia đình bà vẫn phải sống tạm bợ trong căn nhà dột nát, thường xuyên ngập nước mỗi khi mưa về. Mới đây, được huyện hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cộng với số tiền gia đình tích cóp và vay mượn thêm, gia đình bà đã xây được căn nhà mới khang trang. Được biết, huyện Ia Pa có 215 đối tượng chính sách và người có công, trong đó có 48 hộ nghèo và cận nghèo. Đa số họ đều quá khó khăn, ít có khả năng đầu tư thêm vào công trình. Do đó, để xây mới và sửa chữa nhà cho các đối tượng này, huyện đã đẩy mạnh việc xã hội hóa bằng cách huy động sự đóng góp từ các nhà hảo tâm cùng với sự chung tay góp sức của các cơ quan, đoàn thể.
Việc sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công nhằm ổn định đời sống các gia đình chính sách. Mỗi căn nhà là sự tri ân sâu sắc, là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương và là tình cảm, trách nhiệm của người dân với công lao to lớn của các gia đình đã có công giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Do vậy, không chỉ các huyện Chư Sê, Ia Pa mà hiện nay, tất cả các địa phương trong tỉnh đều đang tập trung triển khai công tác hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng.
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2017, tổng kinh phí các nhà tài trợ cam kết ủng hộ là trên 46 tỷ đồng. Số kinh phí tiếp nhận đến nay gần 27,9 tỷ đồng, đã giải ngân gần 4 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa nhà ở cho 341 hộ người có công. Trong lúc chờ kinh phí còn lại của các nhà tài trợ, các địa phương đã chủ động ứng ngân sách để thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công. Để tiết kiệm chi phí thực hiện, ngoài việc kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tham gia ngày công xây dựng, nhất là ở các địa phương có số lượng nhà cần xây dựng, sửa chữa nhiều và khó khăn. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thi công để đảm bảo chất lượng các công trình.
Tuy nhiên, việc triển khai xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Bá Tý-Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định: “Việc triển khai xây dựng nhà ở cho người có công có thuận lợi là sự vào cuộc khá quyết liệt của chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang. Song hầu hết nguồn kinh phí cho công tác này đều là xã hội hóa nên cũng có khó khăn. Nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức ủng hộ chuyển về khá trễ nên hầu hết các huyện đều tạm ứng nguồn ngân sách của địa phương để xây trước. Chưa kể các huyện vận động các đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tham gia đóng góp nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tích cực tham gia”.
Hà Duy