(GLO)- Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm.
Năm nay, Chiến dịch được Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề về ô nhiễm rác thải nhựa, khuyến khích tất cả quốc gia và địa phương cùng nhau hành động, được phát động tổ chức trên toàn cầu từ ngày 20 đến 22-9. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn chủ đề Chiến dịch năm 2019 là “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, tập trung chính vấn đề chống ô nhiễm rác thải nhựa.
Ra quân làm vệ sinh môi trường tại cơ sở. Ảnh: T.N |
Hưởng ứng Chiến dịch năm 2019, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 2038/UBND-CNXD giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch và phong trào chống rác thải nhựa, để triển khai trên địa bàn tỉnh trước ngày 5-10-2019. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ về thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn, tổ chức rà soát đánh giá hiện trạng công tác phân loại thu gom xử lý tái chế sử dụng chất thải rắn sinh hoạt...
Các sở ban ngành trực thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch. Tổ chức triển khai các hoạt động thiết thực thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, đề án của Chính phủ tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Mỗi huyện thị xã thành phố lựa chọn tối thiểu một mô hình tiêu biểu về thu gom xử lý tái chế chất thải rắn, mô hình hạn chế rác thải nhựa hiệu quả để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề nghị xem xét hỗ trợ nhân rộng mô hình. Đồng loạt triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch. Tổ chức treo băng rôn, pa nô, áp phích khẩu hiệu về chủ đề bảo vệ môi trường, phong trào chống rác thải nhựa tại nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở người dân hành động bảo vệ môi trường.
Các địa phương tùy theo điều kiện tổ chức phát động lễ ra quân và các hoạt động thiết thực góp phần giải quyết vấn đề môi trường bức xúc, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương; tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, phối hợp với các nhà sản xuất và trung tâm thương mại tổ chức ngày hội tái chế với mục đích thu gom, thu hồi sản phẩm thải bỏ, đặc biệt là các chất thải điện tử, chất thải nhựa và chất thải rắn khó phân hủy khác; phát động và duy trì phong trào bảo vệ môi trường tại cơ sở như ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, ngày không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, tổ chức ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh, thi làm sản phẩm tái chế..., đặc biệt là các hoạt động làm sạch môi trường.
Các cơ quan truyền thông báo chí của địa phương tăng thời lượng tuyên truyền các hoạt động bảo vệ môi trường, hưởng ứng Chiến dịch, tập trung vào chủ đề chống rác thải nhựa và xử lý chất thải sinh hoạt, nâng cao nhận thức việc sử dụng và thải bỏ sản phẩm nhựa, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng bao bì và sản phẩm nhựa khó phân hủy, nhựa dùng một lần trong cộng đồng dân cư. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm, nhà hàng, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tạp hóa, cơ sở mua bán chủ động tái sử dụng túi ni lông, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường...
THANH NHẬT