Gia Lai: Hơn 971 tỷ đồng đầu tư cho công tác bảo trì đường bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo số 110/BC- HĐND về kết quả giám sát "Công tác quản lý và sử dụng nguồn bảo trì đường bộ và các nguồn vốn khác giao Sở Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư giai đoạn 2017-2021".
Theo đó, tổng số nguồn kinh phí giao cho Sở Giao thông-Vận tải thực hiện quản lý, bảo trì đường bộ trong giai đoạn 2017-2021 hơn 971 tỷ đồng. Qua giám sát thực tế tại một số tuyến tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn tỉnh do Sở Giao thông-Vận tải được giao và ủy quyền quản lý, bảo trì, Đoàn giám sát nhận thấy đơn vị đã thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác bảo trì công trình giao thông đường bộ đạt chất lượng, đảm bảo giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của Nhân dân; qua đó cho thấy việc sử dụng các nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ địa phương, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ đã phát huy hiệu quả, góp phần từng bước nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Liên quan đến công tác bảo dưỡng thường xuyên, đối với các tuyến quốc lộ, Sở Giao thông-Vận tải được ủy quyền và tổ chức đấu thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 4 tuyến quốc lộ nằm trên địa bàn tỉnh, tổng chiều dài 371 km với kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2017-2021 là gần 80 tỷ đồng. Đối với hệ thống đường tỉnh: Sở Giao thông-Vận tải được giao quản lý, bảo trì 10 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 372 km với tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2017-2021 là hơn 58 tỷ đồng. Từ tháng 1-2019 đến hết tháng 12-2020, Sở Giao thông-Vận tải đã tổ chức lựa chọn theo hình thức đấu thầu và ký hợp đồng với 2 đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 10 tuyến đường tỉnh do UBND tỉnh giao quản lý. 
Các đơn vị thi công Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25. Ảnh: Lê Hòa
Các đơn vị thi công Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25. Ảnh: Lê Hòa
Về công tác sửa chữa định kỳ, giai đoạn 2017-2021, Sở Giao thông-Vận tải đã thực hiện công tác sửa chữa định kỳ các tuyến quốc lộ với số kinh phí là hơn 555,6 tỷ đồng; sửa chữa định kỳ hệ thống đường tỉnh với số kinh phí là hơn 259 tỷ đồng. Đồng thời, Sở đã thực hiện tốt công phối hợp các đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát thực tế, xây dựng kế hoạch, lập danh mục công trình đường bộ cần sửa chữa, bảo trì cho năm tiếp theo và trình Bộ Giao thông-Vận tải, trình UBND tỉnh chấp thuận theo quy định. 
Liên quan đến công tác quản lý, sử dụng các nguồn vốn khác giao Sở Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021. Theo đó, Sở được Bộ Giao thông vận tải giao chủ đầu tư 2 công trình với tổng kinh phí thực hiện là 1.159,3 tỷ đồng. Kết quả: Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku đã được hoàn thành năm 2018. Dự án thành phần 3 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25 hoàn thành năm 2021. Cả 2 dự án đảm bảo về tiến độ và chất lượng công trình. 
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh cho thấy vẫn còn một số tồn tại liên quan đến công tác quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí trong việc quản lý, bảo trì đường bộ. Cụ thể, nguồn ngân sách tỉnh phân bổ hàng năm thấp, chủ yếu đáp ứng cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, chưa đủ nguồn lực để đáp ứng cho khối lượng phải thực hiện sửa chữa định kỳ các tuyến tỉnh lộ. Bên cạnh đó, do nguồn vốn hạn hẹp, đơn vị dự toán chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách được phân bổ để lập dự toán, xây dựng kế hoạch bảo trì đường bộ, tập trung ưu tiên giải quyết một số công trình hư hỏng nhiều hơn trước, chưa áp dụng định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ được quy định dẫn đến nhiều công trình, hạng mục chưa được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đầy đủ và kịp thời. Từ đó dẫn đến những tồn tại nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Gia Lai là tỉnh có diện tích rộng, mạng lưới đường bộ do Sở Giao thông-Vận tải quản lý, bảo trì lớn và trải dài trên địa bàn toàn tỉnh. Một số tuyến đường được đưa vào khai thác sử dụng đã lâu nhưng chưa được đầu tư nâng cấp; lưu lượng vận tải lưu thông tăng nhanh dẫn đến các tuyến đường nhanh xuống cấp. Nguồn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp nên việc bố trí kinh phí để chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông trên các tuyến đường do tỉnh quản lý còn thấp. 
Đoàn giám sát đã ghi nhận kiến nghị và những đề xuất liên quan đến công tác quản lý và sử dụng nguồn bảo trì đường bộ và các nguồn vốn khác đối với các cấp có thẩm quyền. Trong đó, kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tuyến giao thông kết nối vùng từ huyện Ea H’Leo, tỉnh Đak Lak đến thị xã Ayun Pa nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng các địa phương vùng Tây nguyên và vùng duyên hải Nam Trung bộ, phát huy hiệu quả của các trục đường quan trọng như: đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông và tuyến quốc lộ 25. Quan tâm, sớm triển khai Dự án xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn (Bình Định)-Pleiku thuộc Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
HÀ SỰ

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.