Gia Lai: Đường về của những người một thời lầm lỗi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi đến tổ dân phố 8 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku), nhắc tên anh Hoàng Minh Ngọc sẽ có nhiều người biết. Bởi lẽ, lúc chìm trong bóng tối tội lỗi, Ngọc phải trả giá bằng bản án nghiêm khắc của pháp luật. Để rồi ngày trở về, anh nỗ lực vươn lên từ chính nơi mình vấp ngã.

Quyết tâm làm lại cuộc đời

Qua sự chỉ dẫn của Cảnh sát khu vực, chúng tôi tìm đến gia nhà anh Ngọc. Ngôi nhà nhỏ lọt thỏm trong khoảng đất rộng, xung quanh có hàng trăm chậu cảnh. Nhiều chậu mới đúc tròn trịa, chưa khô nét hồ, xếp hàng nằm phơi nắng. Phía xa, những luống rau xanh mướt, rộn rã tiếng cười nói, gọi nhau của người thu hoạch. Nhìn khung cảnh ấy, ít ai biết rằng chủ nhân của ngôi nhà kia từng có thời gian chấp hành án phạt tù.

 

Anh Hoàng Minh Ngọc (người ngoài cùng, phía sau) tham gia tuần tra đêm cùng Công an phường Thắng Lợi, TP. Pleiku. Ảnh: L.A
Anh Hoàng Minh Ngọc (người ngoài cùng, phía sau) tham gia tuần tra đêm cùng Công an phường Thắng Lợi, TP. Pleiku. Ảnh: L.A

Trái với sự e ngại của tôi, khi hỏi về quá khứ, anh Ngọc tỏ ra thân thiện, chủ động chia sẻ. “Đời người dù ít hay nhiều ai cũng mắc lỗi lầm. Và có những tội lỗi phải trả giá bằng những năm tháng cuộc đời. Tôi từng nhận bản án 11 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Quãng thời gian đó là những ngày u tối, đầy ân hận. Thương mẹ già một mình không người chăm sóc nên tôi quyết tâm cải tạo, mong ngày trở về”-Ngọc tâm sự.

Được giảm án 23 tháng, năm 2009, Ngọc trở về địa phương. Mang tâm lý mặc cảm, ngại tiếp xúc, anh đi làm thuê ở nhiều nơi xa, gửi tiền về nuôi mẹ. Nhưng vì tiền công thấp, mẹ già thường xuyên đau ốm và chi phí đi lại tốn kém nên kinh tế gia đình ngày càng khó khăn. Sau nhiều lần suy nghĩ, anh quyết định quay về.

Biết được hoàn cảnh của Ngọc, chính quyền và lãnh đạo Công an phường Thắng Lợi thường xuyên tiếp xúc, động viên, tìm phương án giúp đỡ. Khi còn trong trại cải tạo, được học nghề đúc chậu cảnh, trồng rau, thêm kinh nghiệm trong thời gian làm thuê, anh chọn nghề đúc chậu cảnh làm kế mưu sinh. Cái khó lớn nhất của người mới khởi nghiệp là vốn. Trong thời điểm khó khăn đó, tình làng, nghĩa xóm là nơi Ngọc nương tựa. Không phân biệt, kỳ thị, anh em trong Ban bảo vệ tổ dân phố 8 đã chung tay giúp đỡ. Người cho vay vốn sản xuất, người góp công động viên tinh thần. Thêm sự hỗ trợ từ anh em, dòng họ, sau 1 năm, kinh tế gia đình anh Ngọc đã có bước phát triển.

Những sản phẩm đầu tay, anh bỏ sỉ trên địa bàn tỉnh. Lấy công làm lời, 2 vợ chồng chịu khó vun vén, thu nhập mỗi tháng khoảng 8-10 triệu đồng. Năm 2011, khi dư ra được 200 triệu đồng, anh thuê thêm nhân công, dạy kỹ thuật đúc chậu cảnh, cho ra nhiều sản phẩm mới tốt về chất lượng, rẻ về giá bán. Sau đó, anh cung cấp số lượng lớn chậu cảnh cho nhiều bạn hàng trong và ngoài tỉnh.

Không dừng lại ở nghề đúc chậu, với trên 2 ha đất màu, vợ chồng anh thâm canh hoa và rau, thuê lao động tại chỗ, trả lương bình quân 4-5 triệu đồng/người. Đến nay, gia đình anh thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/năm. Chỉ vào những luống rau đang mùa thu hoạch, anh nói: “Khó khăn lớn nhất của người thi hành án phạt tù khi mới trở về là luôn mang tâm lý tự ti, mặc cảm. Nếu không có sự ủng hộ, động viên, giúp đỡ kịp thời từ gia đình, chính quyền, họ dễ trượt theo vết xe đổ. Tôi nhận thấy mình may mắn khi quyết định chọn nơi mình vấp ngã để đứng lên”.

Đồng cảm với những người từng lầm lỗi, anh chủ động giúp đỡ nhiều cá nhân khác tại địa phương. Trường hợp của anh Dương Mạnh Cường (SN 1979, trú tổ dân phố 8, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) là một ví dụ. Trước đây, Cường từng nghiện ma túy. Quyết tâm cảm hóa Cường, anh Ngọc thường xuyên đến động viên, ần cần quan tâm như người anh trong gia đình. Mưa dầm thấm lâu, Cường dần thay đổi. Cai nghiện ma túy thành công, Cường theo anh Ngọc học nghề đúc chậu cảnh, sau đó làm riêng. Đến nay, thu nhập bình quân của Cường khoảng 100 triệu đồng/năm.

Người bảo vệ dân phố gương mẫu

Được người dân tin tưởng, chính quyền ghi nhận, năm 2015, qua sự vận động của Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 8, anh Ngọc tham gia Ban bảo vệ dân phố. Ông Nguyễn Văn Hoàng-Tổ trưởng tổ dân phố 8, cho biết: Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, anh Ngọc là một công dân tốt, có chí hướng. Ban đầu vì ngại nên không muốn tham gia Ban bảo vệ nhưng khi nghe chúng tôi phân tích đến lợi ích chung thì Ngọc hiểu, muốn góp sức vào công tác đảm bảo an ninh trật tự. Và khi làm rồi thì Ngọc được người dân hiểu và rất quý”-ông Hoàng cười thân mật.

Hơn 10 năm đảm nhận trách nhiệm Cảnh sát khu vực, Đại úy Nguyễn Đức Diện (Công an phường Thắng Lợi) là người hiểu rõ nhất sự nỗ lực, cố gắng của những người hoàn lương. Nhắc lại vụ việc có anh Ngọc tham gia phòng-chống tội phạm, anh kể: Khoảng 15 giờ, ngày 31-10-2015, tại tổ dân phố 8, Vũ Thị Hân (SN 1976, trú huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tự xưng là cán bộ y tế TP. Pleiku, đưa ra thông tin giả để lừa bà Lương Thị Hạnh mua 4 bì thuốc xử lý vệ sinh hầm cầu với giá 120.000 đồng. Do nghi ngờ hành vi của Hân, Ban bảo vệ dân phố 8 đã cử Ngọc bí mật theo dõi, đồng thời báo Công an phường kiểm tra, xử lý. Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ nhiều giấy tờ đóng dấu giả của Sở Y tế Gia Lai và hàng chục bì thuốc vỏ nhãn xử lý hầm cầu không rõ nguồn gốc. Qua đấu tranh, Hân đã thừa nhận hành vi lừa đảo và bị Công an phường Thắng Lợi phạt hành chính 1,5 triệu đồng.

Cơn mưa chiều ập đến xua đi những tia nắng yếu ớt cuối ngày. Nhìn anh Ngọc cười hạnh phúc bên vợ và cô con gái nhỏ đang bi bô tập đọc, tôi hiểu, giờ đây anh sẽ luôn trân trọng, giữ gìn từng giây phút bên gia đình. Chính gia đình là nơi anh tìm về sau những tháng ngày lầm lỗi và khơi dậy khát vọng sống, cống hiến, hòa nhập cộng đồng.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.