Gia Lai 48 năm vươn lên cùng đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Gia Lai đã từng bước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để “cất cánh” trong thời kỳ phát triển mới. Nhìn lại 48 năm qua, Đảng bộ, quân và đồng bào các dân tộc trong tỉnh rất phấn khởi, tự hào về những thành tựu đã đạt được, càng quyết tâm đoàn kết vươn lên mạnh mẽ dựng xây tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

1. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 24 (khóa III) đã xác định: “Với thắng lợi rực rỡ mùa xuân năm 1975, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới: Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ một nửa nước bị chủ nghĩa thực dân mới chia cắt và thống trị sang cả nước độc lập và thống nhất, từ 2 nhiệm vụ chiến lược, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, sang một nhiệm vụ chiến lược là làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2004, trang 373). Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, ngay sau khi giải phóng miền Nam, tỉnh Gia Lai đã bắt tay ngay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng trong điều kiện muôn vàn khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (bìa phải) trao tặng biểu tượng của tỉnh Gia Lai cho đoàn Đại sứ quán Lào. Ảnh: Mộc Trà

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (bìa phải) trao tặng biểu tượng của tỉnh Gia Lai cho đoàn Đại sứ quán Lào. Ảnh: Mộc Trà

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc, phân tích, đánh giá chính xác tình hình thực tế, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum đầu tiên sau hợp nhất, họp từ ngày 1 đến 4-11-1975 đã xác định nhiệm vụ của Đảng bộ là “Động viên đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống cách mạng và thắng lợi đã qua, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao khí thế cách mạng tiến công của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh để đi vào thực hiện nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh cao trào sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế-văn hóa, nỗ lực tự túc lương thực, thực phẩm, từng bước cải thiện đời sống nhân dân; truy quét FULRO và bọn phản động khác, các tàn dư chính trị, văn hóa xã hội nô dịch, phản động, xây dựng chính quyền cách mạng các cấp, củng cố, mở rộng Mặt trận, xây dựng các đoàn thể quần chúng vững mạnh; ra sức xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức và nền nếp chỉ đạo mới, nhất là tổ chức cơ sở, đảm bảo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và tạo điều kiện tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” (Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum lần thứ nhất, tháng 11-1975).

Từ một tỉnh bị chiến tranh tàn khốc, kéo dài, tàn phá nặng nề, hơn 1/3 số dân bị đói phải cứu trợ, song chỉ sau hơn 1 năm giải phóng tỉnh, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thích nghi với cuộc sống hòa bình, phấn khởi, tích cực xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ thành quả cách mạng. Đồng bào các dân tộc đều được hưởng các chính sách tự do, bình đẳng của Đảng và Nhà nước; được tạo điều kiện vươn lên trong xã hội, phát triển toàn diện và làm chủ cuộc sống.

Trong giai đoạn 1981-1985, nền kinh tế của tỉnh bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn. Nông nghiệp chuyển dần theo hướng phát triển toàn diện, từ độc canh cây lương thực sang phát triển cây công nghiệp, tạo hàng hóa xuất khẩu. Các ngành công nghiệp, lâm nghiệp, thương nghiệp, giao thông-vận tải, bưu điện... từng bước vươn lên đáp ứng nhu cầu phát triển, tiêu dùng và xuất khẩu.

Đến năm 1985, Gia Lai đã vượt qua khó khăn, vươn lên đạt những thành tích mới trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Tổng sản phẩm xã hội tăng 1,39 lần, thu nhập quốc dân tăng 1,45 lần so với năm 1976; cơ bản đã giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ; hơn 1/4 đồng bào các dân tộc đã định canh, định cư; từng bước xóa nạn mù chữ, hạn chế và đẩy lùi bệnh sốt rét…

Sau 48 năm tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng và 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Gia Lai đã có bước chuyển mình đáng kể. Ảnh: Đức Thụy

Sau 48 năm tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng và 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Gia Lai đã có bước chuyển mình đáng kể. Ảnh: Đức Thụy

Sau 48 năm giải phóng, 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Gia Lai đã có bước chuyển mình đáng kể cùng với sự chuyển biến mạnh mẽ của cả nước. Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, linh hoạt, sáng tạo nắm bắt thời cơ; khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển về mọi mặt, nhất là về kinh tế-xã hội.

Nhờ đó, kinh tế của tỉnh thường xuyên đạt mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 7,55%; năm 2021 tăng 9,71%; năm 2022 đạt 9,27%. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có bước phát triển mới vượt bậc. Quy mô, chất lượng giáo dục tăng lên qua từng năm; việc giáo dục con em đồng bào dân tộc được đặc biệt quan tâm; đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 58,8% trường học đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển.

Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn 4,5% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, đến cuối năm 2022 giảm còn 10,06%). Cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư xây dựng. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được gìn giữ và phát huy vai trò trong mọi hoạt động của địa phương; hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực; kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh.

2. Sự thay đổi, phát triển về kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm qua là yếu tố đặc biệt quan trọng để Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trên các lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch. Để xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện đạt hiệu quả.

Một là, tiếp tục triển khai các nội dung theo chương trình hành động thực hiện chương trình trọng tâm của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).

Hai là, tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm ổn định tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 8,6% trở lên; thu ngân sách tăng bình quân hàng năm 9-10%.

Gia Lai phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm đạt 8,6% trở lên. Ảnh: Đức Thụy

Gia Lai phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm đạt 8,6% trở lên. Ảnh: Đức Thụy

Ba là, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,75%. Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đến năm 2025 có 120 xã trở lên và 10 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn ứng dụng công nghệ cao, bền vững. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng nông hội gắn với phát triển hợp tác xã kiểu mới; bảo tồn và phát triển cây dược liệu; phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp-xây dựng, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu, năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; ban hành cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư phù hợp với đặc thù của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển vùng trong tỉnh, mô hình liên kết vùng khu vực Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung.

Năm là, nâng cao chất lượng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, tập trung phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Sáu là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác, sử dụng đất, nước, rừng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Bảy là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo; tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện tốt các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe người dân. Quan tâm thực hiện chính sách xã hội, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất và đời sống. Khai thác, bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 2% trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ký kết hợp tác chuyển đổi số với Tập đoàn VNPT. Ảnh: Hà Duy

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ký kết hợp tác chuyển đổi số với Tập đoàn VNPT. Ảnh: Hà Duy

Tám là, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phát hiện các loại tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao và các vấn đề trên không gian mạng, không để bị động, bất ngờ.

Cuối cùng, tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch vững mạnh về mọi mặt; triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Trong những năm tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên. Trong đó, xác định rõ lộ trình thực hiện hàng năm và 5 năm; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện, tạo chuyển biến và kết quả rõ rệt.

Có thể nói, những biến cố, thử thách trong lịch sử đã giúp Nhân dân Gia Lai dần hình thành và phát triển tinh thần anh dũng, kiên cường, bất khuất khi đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, giữ yên bờ cõi cũng như cần cù, sáng tạo, vượt khó, đoàn kết cùng chung tay xây dựng quê hương. Đây chính là tài sản vô giá, là động lực to lớn để tỉnh vươn lên mạnh mẽ với “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” chưa từng có như Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Có thể bạn quan tâm

Chủ động đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại

Chủ động đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại

(GLO)- Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn, không để phát sinh các “điểm nóng” trên địa bàn.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc cho cáo buộc của ngoại trưởng Mỹ là "đạo đức giả và vô trách nhiệm"

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc cho cáo buộc của ngoại trưởng Mỹ là "đạo đức giả và vô trách nhiệm"

(GLO)- Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 23/4 chỉ trích cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ là "đạo đức giả và vô trách nhiệm", khẳng định nước này có quyền duy trì "quan hệ thương mại bình thường" với tất cả quốc gia, trong đó có Nga.