Giá cà phê tăng, nông dân vẫn thua lỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giá cà phê hôm qua tại các tỉnh Tây nguyên tăng lên đến 42.700 đồng/kg, sắp quay lại đỉnh điểm cách nay 10 năm. Nhưng thay vì vui mừng, người trồng cà phê lại đang than thở vì thua lỗ.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên hôm qua tăng thêm 200 - 300 đồng/kg, hiện dao động trong khung 42.300 - 42.700 đồng/kg. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng 22 USD, lên 2.409 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 cũng tăng 22 USD, lên 2.295 USD/tấn. Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2 (5% đen vỡ), đứng ở 2.045 USD/tấn, giá FOB - TP.HCM, với mức trừ lùi khoảng 230 - 250 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 3.

Giá vật tư phân bón tăng phi mã khiến lợi nhuận của người trồng cà phê không cao. Ảnh: Quang Thuần
Giá vật tư phân bón tăng phi mã khiến lợi nhuận của người trồng cà phê không cao. Ảnh: Quang Thuần
Giá cà phê tăng, lẽ ra nông dân phải vui mừng, nhưng nghịch lý là họ lại đang thua lỗ vì chi phí giá thành tăng nhiều hơn giá bán. Theo thống kê, giá phân bón tăng từ 30 - 50%, thuốc bảo vệ thực vật tăng khoảng 10 - 20%, giá công lao động tăng bình quân khoảng 25% so với năm 2020.
Anh Đoàn Bá Thạch, một người trồng cà phê ở huyện Ea H’leo, Đắk Lắk cho biết: Nông dân trồng cà phê năm nay vừa thất mùa vừa lợi nhuận thấp vì giá vật tư tăng quá cao. Giá phân bón hôm nay tôi vừa mua là 700.000 đồng/bao 50 kg, tăng gấp đôi so với năm ngoái và chỉ mới 10 ngày nay đã tăng 50.000 đồng/bao.
Theo nhiều hộ trồng cà phê tại tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, năm ngoái giá cà phê chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg nhưng họ vẫn còn lãi chút đỉnh. Năm nay, giá cà phê tăng 30% nhưng giá phân bón tăng gấp đôi, lợi nhuận không thể gồng được mức chi phí tăng phi mã. Không chỉ đối diện với mức giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, các hộ trồng cà phê còn đối diện với việc giá nhân công tăng cao thêm 20 - 30%, nhiều nhà vườn đăng tuyển công nhân khắp nơi, trả lương cao, bao ăn ở nhưng vẫn khó tuyển dụng. Không chỉ có giá đầu vào tăng, nhiều hộ nông dân phản ánh họ bị thương lái ép bán với giá thấp.
Anh Lê Phát Thế, chủ một nông trại cà phê ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, than thở: Chúng tôi thường xuyên cập nhật giá cà phê trên sàn giao dịch. Với giá xuất khẩu hiện nay 2.400 USD/tấn thì giá cà phê tươi phải ở mức trên 9.000 đồng/kg. Nhưng nhiều nơi thương lái chỉ mua với giá 8.000 đồng/kg. Năm nay vừa chi phí cao vừa thất mùa mà còn bị ép giá thì người trồng cà phê vẫn thiệt thòi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, với mức giá vật tư tăng phi mã như hiện nay nông dân chỉ thu được 42,4 triệu đồng/ha sau khi hạch toán chi phí. Đặc biệt với những hộ nông dân có diện tích trồng nhỏ, năng suất chưa cao thì khoản thu nhập này không đảm bảo chi phí trong một năm cho cả hộ gia đình.
Giá phân bón ngày 10.12: Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giá phân U-rê: 17.800 - 18.600 đồng/kg, Kali miểng: 17.000 - 18.000 đồng/kg. Tại vùng Đông Nam bộ: U-rê tới tay nông dân giá: 18.000 - 19.600 đồng/kg, Kali miểng: 17.200 - 17.800 đồng/kg. So với mức cao nhất trong tháng 11 là 1 triệu đồng/bao (50 kg), giá phân bón có giảm nhẹ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng vẫn đứng ở mức cao tại vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên. Dự báo giá phân bón tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây khó khăn cho vụ sản xuất đông xuân 2022.
Theo Quang Thuần (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.