Giá cà phê Robusta cao nhất là 41.100 đồng/kg, thanh niên Lâm Đồng phải rủ nhau hái cà "vần công", vì sao vậy?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Giá cà phê nhân tại Lâm Đồng đạt 40.500 đồng/kg, chưa thể vượt qua mức cao nhất từ đầu vụ đến nay là hơn 41.000 đồng/kg. Hàng trăm đoàn viên, thanh niên tại huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đã giúp nhau hái cà phê theo hình thức “vần công”, nhà ai chín trước sẽ được thu hoạch trước.

Giúp nhau đổi công hái cà phê khi giá cà phê Robusta cao nhất trong vòng 10 năm

Giúp nhau đổi công hái cà phê-Đó là tên gọi của mô hình được huyện Đoàn Bảo Lâm thực hiện trong thời gian qua để giải quyết tình trạng thiếu lao động hái cà phê trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chị Hoàng Thị Mỹ Hằng - Bí thư huyện Đoàn Bảo Lâm cho biết, mô hình "Giúp nhau đổi công hái cà phê" được huyện Đoàn triển khai từ năm 2018. Trước đây, mục đích chủ yếu là giúp các gia đình có con em đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và gia đình người già neo đơn trong vụ thu hoạch cà phê.

 

Các đoàn viên, thanh niên ở các xã của huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) hái cà phê đổi công cho nhau, nhà nào chín trước sẽ được hái trước. Ảnh: Cộng tác viên.
Các đoàn viên, thanh niên ở các xã của huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) hái cà phê đổi công cho nhau, nhà nào chín trước sẽ được hái trước. Ảnh: Cộng tác viên.


Tuy nhiên, mùa thu hoạch cà phê năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mô hình này không chỉ góp phần giải quyết đáng kể nỗi lo thiếu nhân công, mà còn đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả trong mùa vụ.

Mô hình giúp nhau hái và cà phê đã phát huy tinh thần, trách nhiệm của tuổi trẻ địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Được biết, tại huyện Bảo Lâm có diện tích trồng cà phê khoảng 34.000 ha đang đến kỳ thu hoạch. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhân công hái cà phê từ các tỉnh khác đến Lâm Đồng khan hiếm gây nên tình trạng thiếu lao động.

 

Thực hiện mô hình hái cà phê
Thực hiện mô hình hái cà phê "vần công" sẽ phần nào giải được bài toán thiếu nhân công do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Cộng tác viên.


Vì vậy, khoảng 200 đoàn viên, thanh niên các xã B’Lá, Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Tân, Lộc Nam và thị trấn Lộc Thắng đã đồng loạt ra quân đổi công thu hái cà phê, thu hút đông đảo các bạn trẻ, dân quân tự vệ cùng tham gia.

Mô hình "giúp nhau đổi công hái cà phê" được thực hiện theo cách gia đình nào có cà phê chín trước sẽ được đoàn thanh niên tập trung thu hái, vận chuyển trước rồi đến gia đình kế tiếp. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ tham gia mô hình còn tổ chức thu hoạch, vận chuyển cà phê miễn phí cho các gia đình có con em đang tham gia nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc và các gia đình người già neo đơn.

Nhiều người bán cà tươi giá 8.000 đồng/kg, giá cà phê Robusta là 41.100 đồng/kg

Ghi nhận, giá cà phê tại Lâm Đồng ngày 17/12 đạt mức 40.500 đồng/kg. Trong khi đó, nhiều người dân bán cà phê tươi với giá khoảng 8.000 đồng/kg.


 

 Nhiều người dân không có nhân công nên đã chấp nhận bán cà phê tươi với giá 8.000 đồng/kg. Ảnh: Văn Long.
Nhiều người dân không có nhân công nên đã chấp nhận bán cà phê tươi với giá 8.000 đồng/kg. Ảnh: Văn Long.


Anh Tấn (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: "Hiện nay, một mình tôi phải thu hoạch, chăm sóc hơn 1ha cà phê. Vì vậy, tôi không có thời gian và nhân công để thực hiện phơi, xay và bảo quản cà phê nhân. Chính vì thế, sau khi thu hoạch hàng ngày thì tôi gọi đại lý đến bán cà phê tươi luôn với giá 8.000 đồng/kg. Dẫu biết là thu nhập sẽ giảm nhưng tôi vẫn phải bán 16 tấn cà phê tươi để dành thời gian cắt cành, làm chồi cho mùa sau".

Theo anh Tấn, hiện nay nhiều gia đình tại huyện Lâm Hà không có nhân công nên sau khi thu hoạch đã bán hoặc đổi trực tiếp cho các đại lý với tỷ lệ 4,6 tấn tươi sẽ được 1 tấn nhân.

 

 Tình trạng thiếu nhân công cũng khiến người trồng cà phê phải đổi cà phê tươi lấy cà phê nhân cho các đại lý có lò sấy. Ảnh: Văn Long.
Tình trạng thiếu nhân công cũng khiến người trồng cà phê phải đổi cà phê tươi lấy cà phê nhân cho các đại lý có lò sấy. Ảnh: Văn Long.


Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở NNPTNT tỉnh tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 10/12-16/12, cà phê vối (cà phê Robusta) nhân xô có giá 41.100 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với tuần trước.

Theo các chuyên gia và các hộ trồng cà phê Robusta với diện tích lớn, hiện, mức tăng của thị trường cà phê Robusta mang nặng yếu tố đầu cơ. Giá cà phê Robusta giao tháng 1/2022 tăng vọt, chênh lệch khá lớn so với lô cà phê giao tháng 3/2022.

Trong bối cảnh thị trường cà phê Robusta nói riêng và thị trường các loại cà phê nói chung đang tiếp tục thể hiện mối lo về nguồn cung hàng hóa. Báo cáo cho thấy tồn kho cà phê Robusta tại sàn London đang sụt giảm thêm.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản trên thế giới đang gặp vấn đề về logistics; thời tiết không thuận lợi tại Brazil, nhân lực khó khăn của ngành cà phê. Thêm vào đó, biến chủng Omicron là yếu tố tác động tiêu cực chưa lường hết được. Hàng hóa nói chung và cà phê nói riêng có nhiều khả năng tiếp tục tăng giá với triển vọng từ thị trường Trung Quốc...

https://danviet.vn/gia-ca-phe-robusta-cao-nhat-la-41100-dong-kg-thanh-nien-lam-dong-phai-ru-nhau-hai-ca-van-cong-vi-sao-vay-20211217155136015.htm
 

Theo Văn Long (Dân Việt)

 

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.