Gặp gỡ "nhà nông trẻ xuất sắc" Lê Quang Bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong 3 thanh niên tiêu biểu của tỉnh được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2014-phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn dành cho những “nhà nông trẻ xuất sắc” nhưng Lê Quang Bình lại khiêm tốn khi nói rằng “em chỉ may mắn hơn các bạn trẻ khác khi có sẵn nền tảng kinh tế từ gia đình”.

Chia sẻ về giải thưởng cũng như chuyến ra Hà Nội vừa qua, Lê Quang Bình (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) vui vẻ: “Đây là chuyến đi cho em nhiều trải nghiệm thú vị. Sự mạnh dạn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các bạn đoàn viên thanh niên trên cả nước đã tiếp thêm sức mạnh để em cố gắng hơn nữa…”.

“Dở hơi” có căn cứ

 

 Ngoài cà phê, Bình còn chăm sóc 1 ha hồ tiêu. Ảnh: Anh Huy
Ngoài cà phê, Bình còn chăm sóc 1 ha hồ tiêu. Ảnh: Anh Huy

Tự nhận mình là người may mắn khi không phải khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, song nhìn cái cách mà Lê Quang Bình “phát triển trên những thứ sẵn có ấy” nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên xen lẫn thán phục. Tiếp quản vườn cà phê gần 2 ha của gia đình đang trong giai đoạn già cỗi, năng suất sụt giảm 1/3 so với trước khiến Bình nhiều đêm trăn trở. Thế rồi, Bình tìm đến các vườn cà phê năng suất cao để học hỏi, mua các loại sách báo về tham khảo và đăng ký tham gia một lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu do huyện tổ chức. Sau gần 3 tháng “khổ luyện”, Bình quyết định thay thế những gốc cà phê kém năng suất bằng phương pháp trồng dặm giống cà phê cao sản. Theo tính toán của Bình, một gốc cà phê đang thu hoạch mỗi năm chỉ cho khoảng 10 kg quả tươi nhưng nếu thay thế bằng giống cà phê cao sản thì năng suất sẽ tăng gấp 3 lần. Tính toán là vậy nhưng Bình cũng không dám mạo hiểm mà mỗi năm chỉ trồng dặm khoảng 100 cây.  

Mặt khác, không chọn cách trồng cây vào mùa mưa như nhiều nhà nông khác vẫn làm, chàng thanh niên này lại quyết định trồng vào ngày nắng. Ngay sau khi thu hoạch xong, Bình cho trục những gốc cà phê già cỗi và thay ngay vào đó những cây con đã được hai đến ba cặp cành. “Lúc đầu, nhiều người nói em dở hơi vì chẳng ai trồng cây mùa nắng và cũng chẳng ai chọn giống cây con khi đã có tới 2-3 cặp cành”-Bình chia sẻ. Tuy nhiên, theo suy luận của chàng trai này: Nếu mình trồng cây con đã có 2-3 cặp cành sẽ tiết kiệm được thời gian chăm sóc và nhanh cho thu hoạch hơn so với chọn cây giống chỉ mới có 2-3 cặp lá, quan trọng là nguồn cây con đó có đảm bảo chất lượng. Còn vì sao lại trồng cây mùa nắng? Bình lý giải: “Mùa nắng nếu được tưới nước, tụ ẩm thường xuyên thì cây sẽ phát triển nhanh hơn mùa mưa rất nhiều”. Với cách làm “không giống ai” nhưng Lê Quang Bình đã “chứng minh” cho mọi người thấy rằng mình “dở hơi” nhưng có căn cứ. Những gốc cây cà phê được trồng dặm đầu tiên đã cho thu hoạch và năng suất tăng gấp 3 lần so với trước đây. Hiện nay, ngoài chăm sóc gần 2 ha cà phê, Lê Quang Bình còn trồng, chăm sóc 1 ha hồ tiêu và đang dự định trong năm tới sẽ xây dựng trang trại V-A-C.

“Thủ lĩnh” Đoàn năng động

Với mức thu nhập bình quân 500-550 triệu đồng/năm, Lê Quang Bình trở thành triệu phú ở tuổi 25. Tuy nhiên chàng trai này còn được biết đến trong vai trò một “thủ lĩnh” đoàn năng nổ, nhiệt tình, có khả năng vận động, tập hợp đoàn viên tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn tại cơ sở. 

 

 Lê Quang Bình với giải thưởng nhà nông trẻ xuất sắc. Ảnh: Anh Huy
Lê Quang Bình với giải thưởng Nhà nông trẻ xuất sắc. Ảnh: Anh Huy

Trong vai trò Bí thư chi đoàn thôn Hoàng Ân năm 2012, Bình bắt tay ngay vào việc tập hợp đoàn viên. Trước tiên, Bình lên danh sách từng đoàn viên, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và tâm tư, nguyện vọng của từng người… Trên cơ sở đó, Bình xây dựng kế hoạch, tổ chức các sân chơi và mời các chi đoàn bạn đến giao lưu bóng đá, bóng chuyền… Vấn đề tập hợp đoàn viên được giải quyết cũng là lúc Bình lúng túng trước câu hỏi: Lấy đâu ra kinh phí duy trì các hoạt động? Và rồi, Bình nảy ra sáng kiến, vận động đoàn viên tham gia đóng góp ngày công lao động vừa để gây quỹ hoạt động, vừa có thể gắn kết đoàn viên lại với nhau. Được đoàn viên hưởng ứng, Bình nhanh chóng liên hệ với các gia đình trong thôn đang cần nhân công làm cỏ, thu hoạch cà phê hoặc xưởng gỗ trong xã và tổ chức cho đoàn viên đi làm. Số tiền gây quỹ được, chi đoàn dành một phần để giải quyết cho những đoàn viên khó khăn vay phát triển kinh tế, một phần tổ chức thăm hỏi những đoàn viên và gia đình lúc đau ốm; mua bánh kẹo trong các buổi sinh hoạt, giao lưu và tổ chức Trung thu cho các cháu thiếu nhi trong thôn…

“Đến nay, hoạt động gây quỹ của chi đoàn đã thu hút 100% đoàn viên tham gia và bình quân, mỗi năm, đoàn viên sẽ tham gia khoảng 3 ngày công lao động. Ngoài ra, chi đoàn còn thành lập một đội múa lân tham gia biểu diễn gây quỹ. Hiện nay, quỹ chi đoàn còn khoảng 11 triệu đồng, đang giải quyết cho 2 đoàn viên vay để mua cây giống-con giống phát triển kinh tế”-Lê Quang Bình cho biết.  “Chỉ sau 2 năm, Bình đã đưa hoạt động của chi đoàn thôn Hoàng Ân trở thành một trong những chi đoàn đi đầu trong toàn xã. Ngoài ra, đoàn viên chi đoàn thôn Hoàng Ân còn tích cực tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, vệ sinh nơi công cộng… vào những ngày thứ bảy, chủ nhật xanh”-Bí thư Xã đoàn Ia Phìn Hoàng Xuân Thanh khẳng định.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.