Kho bạc Nhà nước gửi hàng trăm tỉ đồng tại Vietcombank, VietinBank và BIDV trong quý I/2023. Ảnh: Trà My |
Phân tích từ báo cáo tài chính quý I/2023 của 3 trong số 4 ngân hàng Big4 cho thấy đứng đầu danh sách gửi tiền của Kho bạc Nhà nước là BIDV với khoản tiền lên tới 111.221 tỉ đồng. Số tiền này bao gồm gần 106.300 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn và hơn 4.900 tỉ đồng tiền gửi không kỳ hạn.
Đứng thứ hai là VietinBank với số tiền 99.043 tỉ đồng vào cuối quý I/2023.
Xếp thứ ba là Vietcombank, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại thời điểm cuối quý I/2023 ở mức 36.044 tỉ đồng.
Như vậy, trong quý I/2023, Kho bạc Nhà nước đã gửi hơn 246.308 tỉ đồng tại Vietcombank, VietinBank và BIDV.
So với thời điểm cuối năm 2022, số tiền này giảm gần 47.100 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái thì số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại 3 ngân hàng này tăng hơn 125.700 tỉ đồng.
Ngoài ra Kho Bạc Nhà nước còn gửi tiền tại Agribank tuy nhiên báo cáo mới nhất ngân hàng này công bố là báo cáo tài chính năm 2022. Tính đến thời điểm hết tháng 12.2022, số tiền Kho bạc Nhà nước gửi tại Agribank là 5.355.412 triệu đồng bao gồm cả tiền gửi không kỳ hạn bằng VND và tiền gửi không kỳ hạn bằng ngoại tệ.
Ngoài số tiền gửi tại Big4 thì một khoản tiền lớn Kho bạc Nhà nước đang để tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định pháp luật. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: “Hiện do nghẽn giải ngân đầu tư công nên Bộ Tài chính phải gửi số tiền này của Kho bạc Nhà nước vào Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0,8%/năm”.
“Với một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lí “tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được”. Đây cũng chính là “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế, khi mà tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước nằm “đắp chiếu” chủ yếu ở Ngân hàng Nhà nước và đã không quay trở lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công” - ông Hà Sỹ Đồng cho biết.
Trước đó, tại họp báo kết quả công tác trọng tâm năm 2022 của hệ thống Kho bạc Nhà nước, trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động, ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ Kho bạc Nhà nước - cho biết: “Về số tiền 900.000 tỉ đồng của Kho bạc Nhà nước hiện đang gửi tại các ngân hàng, qua theo dõi một số năm, số dư tồn quỹ địa phương là lớn, chủ yếu là do phần chuyển nguồn cao. Tiền đọng lại cao. Thứ nhất, số tiền chuyển nguồn này bao gồm các phần tăng thu, tiết kiệm chi. Thứ hai là phần vốn đầu tư cơ bản khi chậm giải ngân thì cũng đọng lại. Thứ ba là nguồn quỹ tiền lương do chúng ta chưa thực hiện ở chương trình cải cách tiền lương còn đọng lại tương đối lớn.
Trong đó, số dư tồn quỹ địa phương là lớn nhất, còn số dư tồn quỹ Nhà nước không lớn. Hiện số tiền gần 700.000 tỉ đồng đang gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư 58 Bộ Tài chính. Khoảng 270.000 tỉ đồng số tiền còn lại gửi có kỳ hạn từ 1-2-3 tháng tại các ngân hàng thương mại khoảng 6%”.
Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ cho biết: “Ngoài số tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước thì số tiền còn lại của Kho bạc Nhà nước đang gửi tại 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Chúng tôi thực hiện đúng quy định của Nghị định 24 là gửi tại một số ngân hàng an toàn hoạt động hiệu quả”.