Gác bằng cử nhân luật làm chàng nông dân thực thụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mọi người không hiểu cứ nghĩ chàng trai Đỗ Minh Thịnh có vấn đề khi gác tấm bằng cử nhân luật để làm nông dân, có người còn bảo: 'Học đại học xong rồi về làm công việc mà những người không học cũng làm được'.
Thịnh chăm sóc vườn rau của mình Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Thịnh chăm sóc vườn rau của mình Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Thế nhưng Thịnh vẫn bỏ ngoài tai tất cả để theo đuổi đam mê của mình. Thịnh thích trồng rau hữu cơ và thích mang lại giá trị gì đó cho cộng đồng nên vừa tốt nghiệp ra trường, thay vì chạy đôn chạy đáo đi tìm công việc đúng chuyên ngành như bao bạn bè đồng trang lứa khác, anh lại chọn về quê và làm nông dân.

Khó khăn nhất là khi nhìn thấy ánh mắt của mẹ buồn
Tốt nghiệp Trường ĐH Luật TP.HCM vào tháng 7.2019, Thịnh quyết định về quê tại Đà Lạt để trồng rau hữu cơ. Ngay từ nhỏ, Thịnh đã rất thích trồng rau và nghĩ đến lúc 35 tuổi khi đã ổn định mọi thứ thì anh sẽ bắt đầu với sở thích này. Nhưng không chờ được đến thời gian đó mà khi vừa tốt nghiệp Thịnh đã bắt tay ngay. 
Gác tấm bằng đại học, Thịnh về cuốc đất trồng rau Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Gác tấm bằng đại học, Thịnh về cuốc đất trồng rau Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Nhìn những hình ảnh đời thường rất trẻ trung và năng động, không ai nghĩ Thịnh lại quyết định về làm bạn với đất, với rau. Thế nhưng Thịnh bảo: “Mình luôn suy nghĩ 'liệu ý nghĩa thực sự của cuộc sống là gì? Có phải cuộc sống chỉ đơn giản trôi qua như với nhiều người vẫn có hay cuộc sống sẽ vui hơn khi mình tạo được niềm vui cho người khác'. Và thế là mình chọn rau hữu cơ với hy vọng sẽ mang lại nguồn rau sạch cho mọi người...”.
Giờ đây Thịnh đã là một chàng nông dân thực thụ và thỏa ước mơ trồng rau hữu cơ Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Giờ đây Thịnh đã là một chàng nông dân thực thụ và thỏa ước mơ trồng rau hữu cơ Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Nhưng việc chọn gác tấm bằng cử nhân luật để làm chàng nông dân lại là quyết định khiến cả gia đình của Thịnh phải sốc. Chính vì thế, Thịnh không những không nhận được sự ủng hộ của mọi người mà còn bị cấm cản.
“Nhưng mình vẫn quyết tâm làm dù bị gia đình, kể cả những người thân cấm cản. Vì mình biết được thực ra là do mọi người muốn tốt cho mình, muốn mình có cuộc sống ổn định hơn, chứ không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như thế này. Một phần vì mọi người thấy phí cho tấm bằng mà sau bao vất vả mình mới có được”, Thịnh nói rồi kể thêm: “Có người còn bảo học đại học xong rồi về làm công việc mà người không học cũng làm được. Nhưng mình trả lời lại ngay là công việc có thể giống nhau, nhưng tư duy thì chưa chắc. Những người làm nông bình thường sẽ nghĩ mùa này giá có cao không, cây này có lợi ích kinh tế không… còn mình thì nghĩ làm sao để rau đảm bảo sạch nhất có thể, làm sao để không dùng thuốc bảo vệ thực vật nhưng cây vẫn phát triển tốt, làm sao để khách hàng ưng ý mua hàng và mình không áy náy khi bán hàng cho họ…”.
Vì khởi nghiệp trái chuyên ngành nên Thịnh phải dành nhiều thời gian để đọc, nghiên cứu tài liệu cũng như là học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người đi trước Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Vì khởi nghiệp trái chuyên ngành nên Thịnh phải dành nhiều thời gian để đọc, nghiên cứu tài liệu cũng như là học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người đi trước Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Thịnh cho biết anh chàng có thể bỏ ngoài tai tất cả những lời nói của người khác, nhưng ánh mắt buồn của mẹ làm cho lòng anh cảm thấy nặng trĩu.   
“Nhìn thấy ánh mắt buồn của mẹ, mình đau lòng lắm, đôi lần muốn chọn một công việc ổn định để ba mẹ của thể yên tâm hơn. Nhưng mỗi khi có phản hồi của khách về rau thì lại thấy mình đang đi đúng hướng. Và sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để có thể vừa thoả mãn đam mê về rau, vừa làm ba mẹ yên tâm hơn”, Thịnh bày tỏ.
Bước đầu nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn cố gắng
Thịnh cho biết trước đây chọn học luật cũng vì sở thích chứ không hề bị ép buộc. Vì Thịnh nghĩ luật sẽ nằm trong tất cả khía cạnh trong cuộc sống, như nếu mở công ty thì khi ký kết hợp đồng mình sẽ cẩn thận hơn, rồi trong các giao dịch hằng ngày cũng sẽ không bị “lừa”, hoặc đơn giản là các vấn đề phát sinh trong cuộc sống thì mình sẽ giải quyết được tốt hơn. Nên dù gác tấm bằng luật sau 4 năm đèn sách nhưng Thịnh vẫn không hề hối tiếc.
Dù mỗi ngày phải làm việc bù đầu từ sáng sớm đến tận đêm, nhưng Thịnh vẫn vui và thấy hạnh phúc Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Dù mỗi ngày phải làm việc bù đầu từ sáng sớm đến tận đêm, nhưng Thịnh vẫn vui và thấy hạnh phúc Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
“Mình nghĩ làm việc gì không quan trọng, quan trọng là mình thấy vui và hạnh phúc mỗi ngày. Giờ đây mình thấy vui mỗi khi trồng cây, chăm sóc và thu hoạch, hay những lúc nhận được những tin nhắn phản hồi bảo 'rau ngon lắm em' từ khách hàng, nhiều khi làm đến 7 giờ tối mới xong việc nhưng tâm trạng mình cũng rất vui”, chàng nông dân trẻ giãi bày.
Trồng rau hữu cơ nên công chăm sóc là vô cùng khó khăn Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Trồng rau hữu cơ nên công chăm sóc là vô cùng khó khăn Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Khởi nghiệp trái ngành, lại không nhận được sự ủng hộ của người thân ngay ở thời điểm khởi đầu nên Thịnh gặp rất nhiều khó khăn.  
Ban đầu không có ai giúp đỡ nên có tháng cả vườn rau chỉ thu về hơn 1 triệu đồng. Để duy trì được vườn rau, Thịnh đã từng làm rất nhiều công việc khác để kiếm tiền bù qua đắp lại và nuôi ước mơ vườn rau hữu cơ của mình.
Được cung cấp rau sạch đến từng bữa ăn của các hộ gia đình là niềm hạnh phúc của chàng trai trẻ Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Được cung cấp rau sạch đến từng bữa ăn của các hộ gia đình là niềm hạnh phúc của chàng trai trẻ Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
“Mình từng xây dựng Fanpage cho 1 khách sạn và quản lý để kiếm thêm thu nhập. Rồi xây dựng Fanpage cho 1 công ty vận tải chuyên vận chuyển hàng hóa và dọn nhà trọn gói tại Đà Lạt, nhiều lúc mình còn làm các công việc tay chân như đóng gói và khuân vác hàng hóa khi công ty thiếu người, thi công sân vườn tại Đà Lạt. Có nhiều ngày 8 giờ tối mình vẫn còn ở lại dọn phòng khách sạn để kiếm thêm 40.000 đồng với suy nghĩ cố gắng để một mai tươi sáng hơn…”, Thịnh nhớ lại khoảng thời gian nhiều vất vả.
Và sau nhiều tháng làm đủ mọi công việc thì tài khoản ngân hàng của Thịnh không dư được đồng nào mà dư được một vườn rau hữu cơ xanh như hiện tại, và đó cũng là điều mà anh chàng thấy hạnh phúc nhất.
Tìm đầu ra cho rau
Khi trồng được rau rồi thì khó khăn tiếp theo của chàng trai trẻ là tìm đầu ra cho nguồn rau của mình. Nhưng may mắn đã mỉm cười với Thịnh khi những khách hàng thân thiết đầu tiên sử dụng rau đã rất hài lòng và quảng bá giúp Thịnh trên trang cá nhân của họ, vì thế mà được nhiều người biết đến hơn.
“Vì rau hữu cơ có một sự đặc biệt là vị sẽ thơm hơn rau bình thường, do không sử dụng chất kích thích tăng trưởng. Chính vì đặc điểm này, nên lúc đầu mình chỉ gửi tặng những người thân quen dùng thử, để mọi người cảm nhận và quảng bá giúp mình”, Thịnh kể.
Vườn rau của Thịnh Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Vườn rau của Thịnh Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Hiện tại thì lượng khách hàng của Thịnh đã ổn định, bên cạnh đó rau của Thịnh đã được đưa vào một vài cửa hàng ở TP.HCM thay vì bán cho khách lẻ như thời gian đầu.
Mùa dịch vừa rồi nhiều dự án khởi nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thế nhưng nhờ có lượng khách quen nên rau của Thịnh không những không ế mà còn cháy hàng: “Do khách của mình 80% là ở TP.HCM và bình thường mình hay vận chuyển rau đến tận nhà cho khách nên mùa dịch này cũng không ảnh hưởng gì nhiều mà ngược lại rau của mình còn bị cháy hàng nữa. Vì khách ở nhà nhiều nên nhu cầu nấu ăn hằng ngày lớn, kéo theo tiêu thụ rau nhiều hơn”.
Không gì vui hơn khi thấy đứa con tinh thần xanh tốt mỗi ngày Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Không gì vui hơn khi thấy đứa con tinh thần xanh tốt mỗi ngày Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Hiện tại vườn rau của Thịnh có rất nhiều loại như cà rốt baby, cải cầu vồng, lơ xanh, củ su hào, cải ngọt, cải thảo, dưa leo baby, rau salad, bắp cải trái tim, củ dền, củ cải đỏ, đậu Nhật, đậu leo, mồng tơi, súp lơ baby, cải Kale, cải bẹ xanh, cải thìa…
Thịnh vui vì giờ đây ba mẹ đã hiểu và hỗ trợ anh trên chặng đường khởi nghiệp này Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Thịnh vui vì giờ đây ba mẹ đã hiểu và hỗ trợ anh trên chặng đường khởi nghiệp này Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Có lẽ việc gác tấm bằng cử nhân luật sau nhiều năm vất vả mới có được đã không còn làm cho ba mẹ của Thịnh buồn lòng như trước đây mà thay vào đó khi nhìn thấy việc làm của con ý nghĩa, khi mỗi ngày con của mình có thể cung cấp nguồn rau sạch hoàn toàn cho bữa ăn của nhiều gia đình. Và Thịnh vui mừng khoe: “Đến thời điểm hiện tại thì gia đình cũng đã hiểu cho những quyết định của mình, như việc ba mẹ trồng các loại đậu leo, su su, mồng tơi, cà tím... theo hướng hữu cơ để phụ mình cung cấp cho khách hàng nhằm tạo sự đa dạng hơn trong lựa chọn của khách”.
Theo Hoa Nữ (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.