"Đuổi" trò "bắt" chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đan Lai là một trong số các dân tộc ít người sinh sống ở huyện Con Cuông (Nghệ An). Từ lâu, Nhà nước và địa phương đã quan tâm đặc biệt để “tộc người ngủ ngồi”, sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát được tiếp cận với thế giới bên ngoài… Trong công cuộc đưa người Đan Lai từ rừng già ra với “thế giới ánh sáng”, có công đóng góp không nhỏ của những thầy, cô cắm bản nơi đây.

Ngược rừng

Dù đã gần nửa năm học nhưng việc học trò còn lẩn trốn ở nhà, không chịu đi học vẫn là vấn đề gây đau đầu cho thầy cô ở Trường THCS xã Môn Sơn (huyện Con Cuông). Cứ sau mỗi dịp nghỉ hè, tết xong là các em không chịu đi học nữa. Không những thế, trong khi đang học, nhớ nhà là các em lại lén rủ nhau bỏ về. Thế nên, tranh thủ ngày nghỉ, có thầy không về thăm gia đình mà ở lại cùng nhau đi “bắt” lại học trò đến lớp.

 

Thầy đưa trò vượt suối trở lại trường học.
Thầy đưa trò vượt suối trở lại trường học.

Bản Khe Búng nằm ở thượng nguồn sông Giăng, trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Đầu giờ chiều thứ bảy, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào cùng 6 đồng nghiệp bắt đầu “hành quân” vào bản. Con đường dù đã thông nhưng chưa hoàn thiện, lại nhiều dốc đứng nên xe máy thường xuyên chạy số 1, 2. Sau gần 2 giờ, các thầy mới đến được bản Khe Búng khi trời đã xế chiều. Ngay đầu bản đã bắt gặp những đứa trẻ ngồi trên cầu thang hoặc bên cửa sổ nhà sàn nhìn ra im lặng.

Dừng xe trước một căn nhà lợp lá, thầy Hào bảo đây là nhà em Lê Thị Mai, học lớp 7. Bố của Mai mất cách đây vài tháng, để lại 5 đứa con nheo nhóc. Thấy các thầy đến nhà, Mai nép mình vào một góc, lén nhìn mẹ nói chuyện với các thầy. Đã 13 tuổi nhưng Mai trông nhỏ thó, như đứa bé 7-8 tuổi. Nhìn thấy hai ngón tay của Mai sưng húp, thâm đen, các thầy hỏi thăm. Thấy vậy, mẹ Mai giải thích: “Bữa trước đi lấy măng, cháu bị dao cắt vô tay”. “Sao chị không cho cháu đến trường?”, thầy Hào hỏi. Người mẹ thở dài, đáp: “Cha nó chết, nó ở nhà để lấy măng bán chứ nhà không có ruộng nên không có gạo ăn”. 4 đứa em của Mai, 3 đứa ở truồng, đen trũi cùng đứng lấp ló trong góc nhà. Khi được các thầy cho kẹo và bánh mì, nét mặt chúng mới tỏ ra vui một chút, nhưng không nói gì. “Chị chuẩn bị đồ để sáng mai, các thầy quay lại đón cháu Mai ra trường chữa cho tay hết sưng rồi đi học nhé”, một thầy giáo nói. Người mẹ 5 con, dáng người gầy đét tần ngần một lát rồi cũng miễn cưỡng gật đầu.

Từ nhà trò Mai, băng qua một con dốc, các thầy đến nhà anh La Văn Hải. Gọi vọng vào nhà nhưng hàng xóm bảo vợ chồng anh đi rừng chưa về. Thấy các thầy đến nhà, 2 đứa trẻ vội chạy tót lên cầu thang nhà sàn. Trong căn nhà trống, La Văn May (lớp 7) bị các thầy “bắt” được. Cậu bé ngồi cúi đầu bên cạnh người anh, cũng vừa bỏ dở lớp 8 năm ngoái. Cả hai anh em không nói gì mặc cho các thầy giáo thay nhau hỏi han, thuyết phục. “Năm ngoái, anh em tôi đến đây thuyết phục đứa anh, cũng dùng hết cách và đưa nó trở lại trường, nhưng chỉ được mấy bữa lại bỏ về”, thầy Hào kể. Gần nhà May là nhà của 5 học sinh khác cũng không quay lại trường sau kỳ nghỉ hè. Khi nhóm thầy giáo đến, nhà cả 5 em đều “vườn không nhà trống” vì bố mẹ đang đi rừng. Mặt trời xuống núi, nhóm giáo viên đến điểm Trường Tiểu học Môn Sơn đóng ở bản Khe Búng. Tại đây, các thầy bắt gặp La Văn Tuấn (lớp 7) đang la cà gần đó. Tuấn cho biết em muốn đi học nhưng mẹ bắt ở nhà trông em. “Mẹ em đi rừng rồi, thầy đến lán ông nội xin cho em đi học đi”. Thầy Hào mừng rỡ, vội cùng thầy Trọng theo chân Tuấn lội qua 4 con suối đến lán. Ông nội nghe các thầy xin cho Tuấn đi học lại thì ngần ngừ. Thầy Hào nói: “Nếu ông không cho Tuấn đi học, các thầy sẽ ở lại đây khi nào ông đồng ý mới về”. Sau chừng 10 phút, thấy thầy giáo cương quyết, ông mới chịu gật đầu.

Sau bữa cơm tối, Trưởng bản Khe Búng Lê Văn Cang cầm đèn pin dẫn đoàn thầy giáo tiếp tục đi “bắt” học trò. Tiếng chó sủa vang cả góc rừng. Trong căn nhà sàn leo lét ánh đèn, 4 người đàn ông đang ngồi uống rượu với mì gói. Thầy Hào vào, bắt tay chủ nhà Lê Văn Hoa, hỏi: “Sao em không cho Xuân đi học?”. Người cha khật khưỡng trả lời: “Nhà nghèo, em không muốn cho nó học nữa”. “Nghèo thì phải học để có kiến thức mà thoát nghèo chứ. Đi học có Nhà nước nuôi”, thầy Hào thuyết phục. Ông bố ngồi im lặng. Thầy Hào lại bắt tay, nói: “Sáng mai, các thầy quay lại đón Xuân đi học nhé. Em hứa và bắt tay cái nào”. Ông bố miễn cưỡng bắt tay thầy giáo, không nói gì. Cùng ngồi uống rượu có La Văn Ức. Con gái Ức là La Thị Bắc học lớp 6 nhưng cũng đã bỏ trường về nhà. Các thầy thuyết phục mãi Ức mới nói trong men rượu: “Có chứ, có chứ! Sáng mai em cho cháu đi theo thầy”. Nhưng, sáng sớm hôm sau, khi các thầy quay lại, trò Bắc đã bị bố bắt vào rừng hái măng.

Nỗi niềm sau cuộc “đuổi bắt”

Sau những cuộc “đuổi bắt” thường kết quả không mấy khả quan. Như đầu năm học này, có 22 học sinh bỏ học nhưng chỉ vận động được 7 em quay lại lớp. Nhưng để “bảo toàn” được kết quả này cũng rất khó, cứ như “bắt cóc bỏ dĩa”. Thầy Hào chia sẻ: “Cứ nghỉ dài ngày về nhà, nhiều em gái muốn lấy chồng, em khác không chịu đi học nữa hoặc bị bố mẹ bắt ở nhà lên rừng nên các thầy lại phải vào thuyết phục”. Có những chuyến đi, mất bao công sức nhưng không có kết quả. Năm ngoái, 6 thầy nhận nhiệm vụ vào “bắt” 12 trò, nhưng đành phải về tay không vì không em nào chịu trở lại trường. Có lần, khi các thầy đưa lên thuyền để về trường, một học sinh nam (lớp 7) bất ngờ nhảy xuống sông, trốn luôn vào rừng. Các thầy chỉ biết đứng nhìn, vì không thông thạo mạch rừng để đuổi theo. Có em khi các thầy đến đón thì nói thầy chờ em đi vệ sinh, rồi ra sau nhà trốn luôn. Thầy Hào tâm sự: “Nói thật với các anh, để thay đổi được nếp nghĩ của bà con nơi đây còn lâu lắm. Họ muốn con vào rừng lấy măng, xuống suối bắt cá hơn. Cứ như thế này, không biết khi nào mới hết việc học trò trốn học. Các em trốn, các thầy lại đi tìm. Việc đuổi bắt để cho ra con chữ ở vùng thâm sơn cùng cốc này còn gian nan lắm”. Nói rồi thầy Hào cười: “Trên truyền hình có chương trình “đuổi hình bắt bóng”, còn chúng tôi thì “đuổi” theo trò “bắt” học chữ.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.