Dưới bóng nhà dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Ngày trước, nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên có tập quán ở nhà dài. Dưới bóng nhà dài, cuộc sống của bà con diễn ra thật yên bình, thư thái.

Đặc biệt, trong bối cảnh con người còn có phần yếu thế trước các thế lực tự nhiên thì việc tập hợp nhiều thành viên cùng chung sống trong một mái nhà dài là một hình thức liên minh, nhằm tích lũy sức mạnh vật chất, tinh thần trong cấu trúc liên minh lớn là làng.

Còn nhớ hồi mới lên Tây Nguyên, lần đầu bước chân vào một căn nhà dài, tôi đã ngạc nhiên và lúng túng như thế nào. Những ngôi nhà dài nhất còn lại ở Ayun Pa, Krông Pa bây giờ có lẽ cũng chưa thể sánh với những căn nhà thời đó.

Hãy tưởng tượng có những căn nhà dài có đến mấy chục người cùng sinh sống. Trong số thành viên đông đảo ấy không chỉ có những người cùng máu mủ ruột rà mà có thể là bạn bè, bà con, thậm chí người cô đơn, cơ nhỡ cũng được... kết nạp vào. Cũng bởi vậy mà có thể hiểu mỗi nóc nhà dài chưa hẳn là một đại gia đình cùng huyết thống mà có khi là một tập hợp gia đình của cộng đồng làng.

Nhà dài của người Jrai ở huyện Krông Pa. Ảnh: P.L

Nhà dài của người Jrai ở huyện Krông Pa. Ảnh: P.L

Với một tập hợp thành viên đông đảo như vậy nhưng họ vẫn sống với nhau một cách hài hòa, êm thấm, rất hiếm khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Có lẽ là vì đã có những quy ước bất thành văn truyền đời mà mỗi thành viên đều tự giác tuân thủ. Với tôi, đấy có thể được gọi là “văn hóa nhà dài”.

Mỗi nhà dài có một chủ nhà hay còn gọi là chủ nóc. Đó thường là một người già có uy tín nhất trong các thành viên. Về đối ngoại, ông là người thay mặt cả nhà bàn bạc, nhận các công việc của làng giao cho để về thực hiện; tiếp đãi bạn bè, họ hàng, khách thăm từ các làng khác đến.

Trong đối nội, ông là người cắt đặt công việc, chỉ đạo sản xuất, giải quyết những khúc mắc nếu có giữa các thành viên. Đồng thời, ông cũng là người điều khiển các công việc cúng bái, tang ma, cưới xin. Với vai trò đó, nếu ông mất, người thay thế phải được lựa chọn rất kỹ và phải được sự đồng ý của tất cả thành viên.

Tuy nhiên, việc nắm thực quyền trong nhà lại là một phụ nữ, thường là người có tuổi (không nhất thiết phải là vợ chủ nhà), có kinh nghiệm quản lý kinh tế được các thành viên cử ra. Có thể gọi vui bà là “thủ tướng” trong cái xã hội thu nhỏ ấy. Tuy các thành viên trong nhà đều lao động chung, sản phẩm lương thực thu hoạch dùng chung nhưng bà là người phân phối lúa từ kho cho các hộ tùy theo số khẩu để họ tự nấu ăn bằng bếp riêng của mình.

Những khi trong nhà có việc tang ma, cưới hỏi hay làng có việc phải đóng góp, bà là người cắt đặt, tính toán. Nói chung, trong công việc quản lý kinh tế gia đình, bà là người có quyền uy nhất. Mọi việc mua bán, chi tiêu, ông chủ nhà đều phải hỏi ý kiến của bà. Nếu bà không đồng ý thì ông cũng phải chấp nhận một cách vô điều kiện.

Đến đây có thể có người nêu câu hỏi: Việc đối ngoại, cắt đặt mọi việc đã được ông chủ, bà chủ lo liệu, phải chăng các thành viên trong nhà chỉ còn một chiều thực thi? Không hoàn toàn như vậy.

Trong xã hội thu nhỏ dưới bóng nhà dài, cái chung và cái riêng vẫn được thu xếp một cách hài hòa. Ngoài lương thực và trâu, bò của chung cả nhà, tất cả những thứ còn lại như heo, gà, rau quả… hộ nào sản xuất ra hộ ấy dùng. Cồng chiêng, ghè, nồi đồng tuy dùng chung nhưng vẫn là của cải riêng của từng hộ. Các lâm-thổ sản do hộ nào tìm kiếm, săn bắt được vẫn có quyền giữ làm của riêng. Dụng cụ lao động, thanh củi, bầu nước của hộ nào, hộ ấy sử dụng.

Với cái chung và cái riêng được quy ước một cách hài hòa như vậy nên mỗi đại gia đình không những luôn giữ được sự gắn kết mà còn khuyến khích được các hộ thành viên, một mặt vừa gắng sức lao động vì cái chung, mặt khác lại năng động vì cái riêng.

Ở đây cũng cần nói thêm về tính chất “dân chủ” trong mỗi nóc nhà dài ở một khía cạnh khác: Nếu hộ nào cảm thấy không vừa ý, không dung hòa được giữa cái chung và cái riêng thì tách ra để ở riêng. Khi đó họ sẽ được chia của tùy theo sự đóng góp một cách công bằng.

Trong nhịp sống mới hôm nay, nhà cửa ở các buôn làng đang “trệt hóa” thì nhà dài cũng bị mất dần. Thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa hiện còn giữ được nhiều nhà dài nhất. Tuy nhiên, không còn nhiều hộ cùng cư trú như ngày xưa. Những căn nhà rất dài đôi khi cũng chỉ còn 1-2 hộ. Cuộc sống thay đổi, “văn hóa nhà dài” tất yếu cũng phải biến đổi theo.

Có thể bạn quan tâm