Dùng phà, thuyền sắt chở ô-tô gỗ lậu vượt lòng hồ thủy điện Sê San

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đóng xà-lan, thuyền sắt cỡ lớn để vận chuyển gỗ khai thác lậu là thủ đoạn mới của lâm tặc ở huyện biên giới Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum. Sau nhiều ngày mật phục, chính quyền và lực lượng chức năng huyện này đã bắt được một vụ vận chuyển hơn 40 m3 gỗ lậu vượt lòng hồ từ địa bàn tỉnh Kon Tum sang tỉnh Gia Lai.

 Lâm tặc sử dụng thuyền, phà cỡ lớn để chở ô-tô gỗ lậu.
Lâm tặc sử dụng thuyền, phà cỡ lớn để chở ô-tô gỗ lậu.



Từ nguồn tin báo của người dân, vụ việc được phát hiện lúc 9 giờ 30 phút ngày 30-10, trên lòng hồ thủy điện Sê San 4, đoạn thuộc thôn 8, xã Ia Tơi. Đích thân Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai huy động lực lượng, chỉ đạo vây bắt nhóm lâm tặc.

Quan sát tại hiện trường cho thấy, lâm tặc sử dụng một phà cỡ lớn cùng hai chiếc thuyền để chuyên chở ba xe ô-tô tải chất các lóng gỗ có đường kính từ 50 đến 80 cm, dài khoảng từ 5 đến 7 m, trong đó, hơn một nửa số gỗ được xẻ thành hộp vuông không có dấu búa kiểm lâm.

Ông Nguyễn Hữu Thạch, Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết, lực lượng chức năng bắt giữ được đối tượng Nguyễn Thái Hòa, trú huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, người điều khiển chiếc phà lớn nhất cùng tang vật là ba xe ô-tô tải mang BKS 49C-123.57, chở 15 lóng gỗ; xe tải 82C-008.83 chở 12 lóng và xe tải 78C-070.03 chở năm lóng gỗ với tổng khối lượng hơn 40 m3 gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 5. Hiện tại, ba chiếc thuyền, phà cùng ba ô-tô chở gỗ lậu đã được lai dắt về khu vực thôn 7, xã Ia Tơi để tiếp tục điều tra.


 

 



Từ nhiều năm nay, khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 giáp ranh giữa huyện biên giới Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum và huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai thường xuyên là điểm nóng vận chuyển lâm sản trái phép. Các đối tượng khai thác gỗ lậu trong các cánh rừng của huyện Ia H’Drai và Sa Thầy, tỉnh Kon Tum lợi dụng khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 để vận chuyển lâm sản về tỉnh Gia Lai tiêu thụ.

Chủ tịch UBND xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, ông Chế Hồng Quyền cho biết: Khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 tiếp giáp với địa bàn xã Ia Tơi có chiều dài gần 60 km, lợi dụng địa hình sông nước, nhiều hộ dân khu vực lòng hồ ở xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã đóng các phương tiện xà lan, phà để vận chuyển lâm sản. Do đặc trưng của một huyện miền núi, biên giới không có lực lượng công an đường thủy nên số phương tiện này không có đăng ký, đăng kiểm nên rất khó quản lý. Khi tỉnh Kon Tum kiểm tra, các chủ phương tiện này dạt qua tỉnh Gia Lai để lảng tránh và ngược lại. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, hiện trên khu vực lòng hồ đang tồn tại nhiều bến phà, bến thuyền tự phát nhưng không có ai quản lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến các xà lan, thuyền sắt lớn lợi dụng sơ hở để vận chuyển gỗ lậu.

Đinh Sỹ Tạo (Nhân Dân)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.