Đăk Lăk: Buông lỏng quản lí, "lâm tặc" ngang nhiên "xẻ thịt" rừng pơ mu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù đã phát hiện 12 cây pơ mu bị chặt hạ trái phép nhưng gần 1 tháng sau Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông (viết tắt là Công ty LN Krông Bông), huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk mới có báo cáo gửi cấp trên. Tuy nhiên, lúc này lại có thêm 36 cây pơ mu khác bị “khai tử”…
Rừng pơ mu… chảy máu 
Người dân bản địa thuộc xã Yang Mao, huyện Krông Bông phản ánh, thời gian gần đây tình trạng lâm tặc phá rừng diễn ra “nhộn nhịp”, thách thức pháp luật. Địa điểm lâm tặc “hoạt động” sôi nổi nhất là Tiểu khu 1219, lâm phần do Công ty LN Krông Bông quản lý và bảo vệ. Thực tế vào cuộc, xác minh mới thấy người dân “tố”  có cơ sở.
Ghi nhận tại hiện trường dọc tuyến đường mòn và một số đường xương cá vào Tiểu khu 1219, phát hiện có dấu vết gùi, xe trâu kéo. Điều này cho thấy, lâm tặc đã dùng xe trâu để vận chuyển gỗ ra khỏi hiện trường. Khoảng cách dọc từ khoảnh 2 đến khoảnh 3 Tiểu khu 1219 có nhiều gốc cây bị chặt hạ nằm rải rác hai bên tuyến đường mòn, đường xương cá; có một số cây bị chặt hạ không còn gỗ tại hiện trường và một số cây bị chặt hạ còn nguyên các lóng gỗ. 
Theo Báo cáo số 241/BC-CCKL ngày 27/9/2018 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk về kết quả kiểm tra tình hình khai thác gỗ trái pháp luật tại Tiểu khu 1219: tại hiện trường có 48 cây gỗ pơ mu bị khai thác, quan sát các dấu vết cưa còn mới, gốc cây còn tươm mủ. Trong đó có 21 cây pơ mu phần thân cây đã bị lâm tặc lấy đi khỏi hiện trường chỉ còn lại gốc cây, cành và ngọn. 27 cây pơ mu đã bị chặt hạ (8 cây còn nguyên 19 cây đã bị lấy đi phần thân cây) qua đo đếm sơ bộ số lượng gỗ còn lại hiện trường gồm 31 lóng gỗ tròn và 1 lóng gỗ hộp. 
Tổng số lượng kiểm đếm là 19,711m3/27 cây, vị trí khai thác gỗ trái pháp luật được xác định thuộc lô 5, lô 23, khoảnh 2; Lô 8, lô 21 khoảnh 3; Tiểu khu 1219 - lâm phần do Công ty LN Krông Bông quản lý và bảo vệ.
Những gốc cây gỗ pơ mu bị chặt hạ trái pháp luật tại tiểu khu 1219
Những gốc cây gỗ pơ mu bị chặt hạ trái pháp luật tại tiểu khu 1219
Trách nhiệm thuộc về ai?
Điều đáng nói là trước khi Chi cục Kiểm lâm cùng với một số cơ quan liên quan vào cuộc rồi có Báo cáo số 241, thì ngày 4/9/2018, Công ty LN Krông Bông có Báo cáo số 70/BC-CTLN với nội dung thừa nhận, qua công tác tuần tra, kiểm tra từ ngày 23 - 25/8/2018, đơn vị cũng đã phát hiện tại khoảnh 2, khoảnh 3 thuộc Tiểu khu 1219 có 12 cây pơ mu bị chặt hạ trái phép. Nghĩa là sau gần 10 ngày sau khi phát hiện sự việc công ty này mới có báo cáo. 
Mặt khác, đến ngày 21/9/2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk phối hợp cùng với các cơ quan liên quan tiếp tục đi kiểm tra (trước sự chứng kiến của chủ rừng là Công ty LN  Krông Bông) thì tổng số cây pơ mu bị cưa xăng “làm thịt” là 48 cây. Điều này cho thấy, từ lúc phát hiện, đến khi báo cáo và khi đoàn kiểm tra vào cuộc chưa đầy 30 ngày, tại 2 khoảnh  2 và 3 Tiểu khu 1219 đã bị lâm tặc chặt hạ thêm 36 cây gỗ pơ mu. 
Dư luận băn khoăn, tại sao khi phát hiện khai thác gỗ trái pháp luật tại lâm phần của mình, Công ty LN Krông Bông không báo cáo kịp thời, không tăng cường công tác bảo vệ hiện trường mà vẫn để lâm tặc tiếp tục “khai tử” thêm 36 cây lơ mu và vận chuyển một khối lượng gỗ lớn ra khỏi rừng? Có hay không việc chủ rừng tiếp tay cho lâm tặc?
Xét thấy vụ việc khai thác gỗ pơ mu quý hiếm trái phép, vi phạm pháp luật tại Tiểu khu 1219 lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông là hết sức nghiêm trọng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk đã lập báo cáo trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo các ngành tiến hành kiểm tra, khởi tố vụ án để điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến 48 cây gỗ quý pơ mu bị chặt hạ.
Trần Hậu (CLO) 

Có thể bạn quan tâm