(GLO)- Với gần 350 vụ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) xảy ra trên địa bàn trong 3 năm qua, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn.
Hệ lụy lâu dài
Cách đây 9 năm, Kpuih Blen (làng Ghè, xã Ia Dơk) khi ấy mới 14 tuổi đã bắt chồng ở làng kế bên. Đến nay, Blen đã trải qua 2 đời chồng và hiện bản thân em vừa phải làm mẹ, vừa làm cha của 3 đứa con thơ. Blen kể rằng, người chồng đầu tiên của em hay uống rượu dẫn đến xích mích nên vợ chồng em phải chia tay dù đã có với nhau 2 mặt con. Đi thêm bước nữa, Blen cũng không may mắn hơn khi mới chung sống chưa được 2 năm và đứa con trai chưa tròn 1 tuổi thì người chồng bỏ đi lấy vợ khác. Một nách 3 con nhỏ, lại chỉ trông vào 1 sào điều nên cuộc sống của 4 mẹ con Blen rất khó khăn. “Vì phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con nên mình không thể chăm sóc các con tốt hơn. Trong số 3 đứa con của mình, chỉ có đứa con thứ 2 còn theo học Mẫu giáo, đứa đầu và đứa út phải ở nhà. Giờ mình chỉ mong các con luôn khỏe mạnh để yên tâm đi làm”-Blen bày tỏ.
Blen và đứa con út (bên trái) ngồi trò chuyện về cuộc sống sau hôn nhân của mình. Ảnh: H.T |
Cách đó không xa, em Kpui Phan cũng vừa mới “bắt chồng” khi đang ở tuổi 17 và hiện đang theo học lớp 12. Nói là bắt chồng nhưng thực ra em vừa mới làm đám hỏi và dự định năm sau sẽ tổ chức đám cưới. Hiện tại, em và “chồng” đã về sống chung một nhà. Hàng ngày, “chồng” Phan vẫn đi làm thuê để kiếm tiền nuôi vợ ăn học. Phan cho biết: “Mới đây, phía nhà chồng đã cho vợ chồng em 1 ha đất. Chồng em đã trồng gần 1.000 cây cà phê. Em hy vọng vườn cây phát triển tốt để làm vốn sản xuất”. Thế nhưng, điều mà ông Kpuih Ố-ông ngoại Phan-buồn lòng là Phan vốn học rất tốt nên khi đã lập gia đình thì sự nghiệp học hành của em có khi sẽ phải bỏ dở. “Tôi mong cháu sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn nên đã khuyên cháu khoan hãy lập gia đình để có thời gian tiếp tục sự học nhằm tìm kiếm cho mình một công việc tốt hơn. Nhưng nó không nghe tôi…”-ông Ố buồn rầu nói. Ông kể thêm, làng Ghè hiện có 6 trường hợp tảo hôn và hầu hết đời sống kinh tế rất khó khăn do không có đất sản xuất và phải sống phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cha mẹ.
Tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ia Nan, tình trạng tảo hôn và HNCHT vẫn còn diễn ra khá nhiều. Ông Phạm Văn Thủy-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nan-cho biết, từ năm 2016 đến nay, toàn xã có 38 cặp tảo hôn, đa số rơi vào trường hợp nữ kết hôn từ 13 đến 16 tuổi, trong đó cũng có trường hợp HNCHT. Do chưa đủ tuổi nên những cặp “vợ chồng trẻ con” này không làm được giấy đăng ký kết hôn. Sau khi sinh con, họ cũng có quan điểm con cái không cần đi học nên đã không làm giấy khai sinh. Chính quyền xã chỉ phát hiện các trường hợp tảo hôn khi làm công tác vận động con em ra lớp hoặc tổ chức làm giấy khai sinh cho người dân, đặc biệt là làm lưu động tại 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số của xã. “Hiện tại, xã đang chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể lồng ghép tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, tác hại của tảo hôn vào các buổi sinh hoạt thôn, làng để nâng cao nhận thức cho người dân về việc kết hôn đúng độ tuổi theo quy định của pháp luật”-ông Thủy cho biết.
Chung tay ngăn chặn
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT, Phòng Dân tộc huyện Đức Cơ đã triển khai Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và HNCHT trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Bên cạnh đó, các ban, ngành đoàn thể của huyện cũng đã triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu tình trạng này. Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức 3 đêm tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như tác hại của tảo hôn và HNCHT tại 3 xã Ia Lang, Ia Nan và Ia Kriêng; cấp phát 50 cuốn tài liệu, 40 đĩa CD, 1.500 tờ rơi và lắp đặt 1 cụm pa nô tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và HNCHT tại trụ sở xã Ia Dom; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cũng xây dựng Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn”; Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện phát sóng nhiều nội dung về Luật Hôn nhân và Gia đình. Các trường học cũng đã đưa nội dung Luật Hôn nhân và Gia đình vào các chương trình ngoại khóa. Riêng Phòng Tư pháp đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực tuyên truyền, vận động cho 113 tuyên truyền viên ở cơ sở; tổ chức 46 hội nghị tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Lựu-Trưởng phòng Tư pháp huyện Đức Cơ, tình trạng tảo hôn và HNCHT trên địa bàn huyện vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 105 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp HNCHT (2 năm 2016 và 2017 cũng đã xảy ra 240 trường hợp). Theo bà Lựu, nguyên nhân chủ yếu là do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên chưa ý thức được hệ lụy của tảo hôn và HNCHT. Bên cạnh đó, nhiều gia đình muốn sớm có nhân lực lao động, sớm có con cháu cho gia đình. Thêm một nguyên nhân khách quan nữa là nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và một số cán bộ, đảng viên về thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân gia đình chưa sâu sắc, toàn diện; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên còn hạn chế; có chế tài xử phạt nhưng không thực hiện được do đội ngũ cán bộ ở cơ sở chưa có sự phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng nên chưa tạo ra được tính răn đe, ngăn ngừa…
Cũng theo bà Lựu, tình trạng tảo hôn đã gây rất nhiều hệ lụy đối với trẻ em nữ như: thất học, không có việc làm, đói nghèo, không biết cách chăm sóc dẫn đến con suy dinh dưỡng và bệnh tật; sâu xa hơn là ảnh hưởng đến giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực vùngđđồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để hạn chế nạn tảo hôn và HNCHT không phải là việc dễ dàng trong một sớm, một chiều nên rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. “Thời gian tới, Phòng Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình và các nội dung pháp luật liên quan; đồng thời, vận động nhân dân chấp hành tốt các hương ước, quy ước của thôn, làng để thay đổi nhận thức và hành vi hôn nhân. Tuy nhiên, kinh phí để tổ chức các chương trình này còn eo hẹp nên chúng tôi mong các ngành, Hội, đoàn thể trên địa bàn tiếp tục vào cuộc để chung tay giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT”-bà Lựu nói.
Hồng Thương