Đức Cơ huy động nguồn lực để giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mục tiêu của Đảng bộ huyện Đức Cơ trong nhiệm kỳ 2016-2020 là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 1,5% trở lên. Năm 2017, huyện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo được 1,6%. Tuy nhiên, so với các địa phương khác trong tỉnh, kết quả này vẫn còn thấp. Vì vậy, huyện đang tập trung huy động mọi nguồn lực để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao.

Đức Cơ là huyện biên giới, xuất phát điểm kinh tế thấp, 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, tập tục còn lạc hậu. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảm nghèo của huyện. Bên cạnh đó, một bộ phận hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.

 

Đức Cơ đẩy mạnh việc hỗ trợ hộ nghèo học nghề để tự tạo việc làm. Ảnh: Đ.Y
Đức Cơ đẩy mạnh việc hỗ trợ hộ nghèo học nghề để tự tạo việc làm. Ảnh: Đ.Y

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017 của huyện Đức Cơ cho thấy: Toàn huyện còn 3.087 hộ nghèo (chiếm 17,52%), trong đó, khu vực đô thị có 61 hộ (chiếm 1,95%), khu vực nông thôn là 3.026 hộ (chiếm 20,88%). Ngoài ra, huyện còn có 1.800 hộ cận nghèo (chiếm 10,22%). Các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều năm 2017 của huyện còn đạt thấp.

Ông Trần Văn Độ-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ, cho rằng: “Việc tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều giúp nhận dạng đối tượng nghèo một cách chính xác, cụ thể hơn, đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Hơn nữa, việc phân tích hộ nghèo theo mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội là để có những chính sách hỗ trợ cụ thể, giúp người nghèo có điều kiện phấn đấu vươn lên thoát nghèo”.

Gia đình chị Kpuih Nhen trước đây là hộ nghèo của làng Bua (xã Ia Pnôn). Năm 2017, gia đình chị đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Chị Nhen kể: “Được vay vốn 30 triệu đồng, gia đình mình đầu tư chăm sóc 400 cây cà phê, 5 sào điều, còn lại mua bò. Sau vụ thu hoạch cà phê và điều đầu tiên, gia đình trả được nợ ngân hàng, còn dư 45 triệu đồng đầu tư chăm sóc cây trồng, trang trải cuộc sống và mua thêm đất trồng điều”.

Tuy vậy, số hộ thoát nghèo như gia đình chị Nhen không nhiều. Lý do là vì nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo, thiếu kinh nghiệm, vốn liếng nên năng suất lao động không cao, thu nhập thấp. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, năm 2018, huyện Đức Cơ phấn đấu giảm 3% số hộ nghèo; 100% hộ nghèo có các thành viên thiếu hụt về tiêu chí giáo dục được tạo điều kiện tham gia học tập; 90% hộ nghèo đang ở nhà không đảm bảo được hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới; 90% hộ nghèo do thiếu kiến thức, việc làm, đất, vốn sản xuất được hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức…

Để đạt mục tiêu giảm nghèo, huyện chủ trương huy động mọi nguồn lực thực hiện như: Chương trình 135; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã ngoài Chương trình 135; truyền thông giảm nghèo; nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát, đánh giá để mỗi hộ nghèo, cận nghèo đều được hỗ trợ, tạo chuyển biến toàn diện về công tác giảm nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các khu vực trong huyện; tạo điều kiện tăng thu nhập và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. “Cuối năm 2018, huyện Đức Cơ phấn đấu có 720 hộ thoát nghèo (tương đương 3% số hộ nghèo toàn huyện). Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực, chúng tôi phân bổ số hộ nghèo cho từng thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo, các ban, ngành, địa phương của huyện để có biện pháp hỗ trợ. Đối với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thì có trách nhiệm tranh thủ thêm nguồn vốn của Trung ương, tỉnh để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện có kế hoạch vận động, kêu gọi hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Các đoàn thể lồng ghép thực hiện tốt việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách, “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn các hộ cách làm ăn, sinh hoạt, chi tiêu trong gia đình. Các công ty đứng chân trên địa bàn có hộ nghèo đang làm công nhân thì ưu tiên hỗ trợ để các hộ này có điều kiện vươn lên thoát nghèo”-ông Trần Văn Độ cho biết.

Hà Tây

Có thể bạn quan tâm