Đức Cơ: "Địa chỉ tin cậy" điểm tựa của chị em phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được triển khai từ năm 2013 đến nay, mô hình “Địa chỉ tin cậy” của Hội LHPN Đức Cơ đã mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức và hành vi về bình đẳng giới, xây dựng gia đình tiến bộ tại huyện biên giới.

 Người có uy tín tại cộng đồng được chọn xây dựng “Địa chỉ uy tín”. Ảnh: Ngọc Thu
Người có uy tín tại cộng đồng được chọn xây dựng “Địa chỉ uy tín”. Ảnh: Ngọc Thu

Là huyện biên giới có hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức chưa cao nên tình trạng bạo lực gia đình thường xuyên xảy ra. Chị Đinh Thị Kim Tuyến (thôn Ia Chía, xã Ia Nan) là một trong những người có uy tín trong thôn được chọn để xây dựng mô hình “Địa chỉ tin cậy” trên địa bàn thôn Ia Chía. Chị Tuyến còn nhớ như in vụ anh Nguyễn Văn Thế dùng ghế đánh vợ Nguyễn Thị Thu do xích mích về cuộc sống, kinh tế. Chị Nguyễn Thị Thu đã chạy đến nhà chị Tuyến để xin hỗ trợ, tư vấn về bạo lực gia đình. Chị Tuyến đã phối hợp với công an xã đến khuyên nhủ anh Thế thay đổi hành vi. Nhờ tích cực phân tích, tuyên truyền trong thời gian dài của chị Tuyến mà gia đình chị Thu đã ấm êm trở lại. Chị Tuyến chia sẻ: “Để góp phần phòng-chống bạo lực gia đình, gia đình tôi tự nguyện trở thành một “Địa chỉ tin cậy” để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh, nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng và giảm thiểu được hậu quả cho các nạn nhân. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, hòa giải để nạn nhân có thể yên tâm, tình cảm vợ chồng được hàn gắn, gia đình hạnh phúc”.

Hiện nay, Hội LHPN huyện Đức Cơ đã có 57 mô hình "Địa chỉ tin cậy” với 14 tập thể và 43 cá nhân để giúp đỡ, tư vấn cho các gia đình có tình trạng bạo lực gia đình. Các thành viên trong mô hình đã tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình có nơi tạm lánh, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả về bạo lực gia đình. Từ đó huy động sự vào cuộc, chung tay của cộng đồng, xã hội trong việc phòng chống bạo lực gia đình.

Chị em hội viên bị bạo hành cũng thường xuyên đến sinh hoạt, thông qua các buổi sinh hoạt chị em phụ nữ trên địa bàn đã tự tìm cách giúp đỡ nhau, dần dần “Địa chỉ tin cậy” đã trở thành chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm tâm tư của nhiều chị em phụ nữ có cùng hoàn cảnh. Chị Nguyễn Thị Thủy-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Nan cho biết: “Từ những thành công của địa chỉ tin cậy thôn Ia Chía, xã đã xây dựng thành 3 địa chỉ tin cậy tại các thôn khác có tình trạng bạo lực cao, giúp cho chị em phụ nữ bị bạo hành có nơi lánh nạn. Đây được xem như bước sơ cứu ban đầu để che chở, hỗ trợ kịp thời cho chị em phụ nữ. Chị em trong xã rất tin tưởng vào tổ chức, cá nhân có uy tín ở địa chỉ tin cậy nên thường xuyên tìm đến khi gặp khó khăn”.

Không chỉ có xã Ia Nan mà các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng tích cực triển khai mô hình. Với tinh thần tham gia tự nguyện của các thành viên, các “Địa chỉ tin cậy” đã kịp thời đại diện, bênh vực cho nhiều trường hợp trẻ em, phụ nữ, đối tượng yếu thế bị bạo hành, xâm hại; tư vấn, giải quyết các mâu thuẫn, bất hòa trong hôn nhân gia đình; trợ giúp nạn nhân bị bạo hành có nơi tạm lánh và đề xuất can thiệp bằng nghiệp vụ, pháp lý cho các đối tượng. Mặt khác, thông qua mô hình còn trang bị kiến thức hiểu biết về pháp luật cho các hội viên; tham gia tổ trợ giúp pháp ly lưu động tại phường để kịp thời trợ giúp những trường hợp phụ nữ yếu thế, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn khi có những vấn đề liên quan đến pháp luật… nhằm tránh những mâu thuẫn, xô xát xảy ra, ảnh hưởng tới sức khỏe, sự bình yên của mỗi gia đình, cộng đồng. Công tác hòa giải ở cơ sở luôn phát huy hiệu quả, chủ động, tích cực trong việc nắm bắt tình hình, kịp thời cảnh báo các gia đình có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình đã góp phần ngăn chặn các vụ bạo lực trên địa bàn. Theo đó, mỗi “Địa chỉ tin cậy” đã giải hòa, che chở cho chị em phụ nữ bị bạo hành trung bình 2 vụ/năm, đồng thời thường xuyên sinh hoạt, tuyên truyền cho các gia đình nhằm tránh xích mích, xung đột, giữ gìn gia đình hạnh phúc. Nhờ vậy, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn huyện đã giảm rõ rệt.

Bà Rơ Ô HRin-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Cơ cho biết: Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội cơ sở đẩy nhanh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và những người có uy tín tại cộng đồng đăng ký xây dựng “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng. Đồng thời, định hướng hoạt động, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên, phụ nữ cấp xã về phòng-chống bạo lực gia đình, kỹ năng tư vấn, thông tin về bạo lực gia đình trên địa bàn, cơ quan, đơn vị. Danh sách tổ chức, cá nhân “Địa chỉ tin cậy” sẽ được thông báo công khai, giúp nạn nhân mạnh dạn tìm đến sự hỗ trợ của địa chỉ tin cậy, qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong hoạt động phòng-chống bạo lực gia đình và hạn chế thấp nhất hậu quả do bạo lực gia đình gây ra.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.