Du lịch văn hóa tại Gia Lai: Xuôi về những ngôi làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh sự hấp dẫn của thiên nhiên, núi rừng hùng vỹ, mảnh đất Gia Lai còn chứa đựng trong nó cả một nền văn hóa lâu đời và đậm đà bản sắc các dân tộc thiểu số. Điều đó thể hiện rõ qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ; qua những lễ hội truyền thống cùng giai điệu cồng chiêng ngân vang…

Nếu chọn Gia Lai để du lịch và muốn trải nghiệm văn hóa bản địa, du khách hãy tìm về với các ngôi làng đồng bào. Nhiều trong số đó, có thể đến, là làng văn hóa du lịch-Plei Ốp hay làng kháng chiến Stơr.

 

Nhà rông làng Ốp - nơi tổ chức lễ hội truyền thống của làng cũng như nhiều sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh, thành phố. Ảnh: Hồng Thi
Nhà rông làng Ốp - nơi tổ chức lễ hội truyền thống của làng cũng như nhiều sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh, thành phố. Ảnh: Hồng Thi

Plei Ốp-Làng trong phố

Làng Ốp (tiếng Jrai là Plei Ốp) là làng đồng bào Jrai nằm ở trung tâm TP. Pleiku. Từ vòng xoay ngã ba Hoa Lư, du khách di chuyển theo đường Cách Mạng Tháng Tám tầm hơn 2 km sẽ tới làng. Plei Ốp là làng văn hóa du lịch đầu tiên của Pleiku, có thể coi là điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn thưởng ngoạn và lưu giữ một chút gì đó bản sắc văn hóa buôn làng mà không có nhiều thời gian ở lại Phố núi.

 

Khu nhà mồ. Ảnh: Hồng Thi
Khu nhà mồ. Ảnh: Hồng Thi

Làng Ốp được thành lập khoảng năm 1927 với 15 hộ dân và 76 nhân khẩu; đến nay, làng có 105 hộ với 540 khẩu. Diện tích tự nhiên trên 182 ha thuộc địa bàn phường Hoa Lư. Năm 2008, TP. Pleiku đã quyết định đầu tư xây dựng làng Ốp trở thành làng văn hóa du lịch. Theo đó, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch cùng các hạng mục công trình khác dần được hoàn thiện; vệ sinh môi trường được đảm bảo. Nhà rông văn hóa-linh hồn của buôn làng-được lợp mái lại khang trang với sân ốp đá, rộng rãi và rợp mát bóng cây. Tại khoản sân này, dân làng Ốp thường xuyên tổ chức các lễ hội của làng. Mọi người cùng nhau quây quần trước mái nhà rông, dưới cây nêu, thưởng thức những ché rượu cần thơm ngọt và hòa mình trong âm thanh cồng chiêng ngân vang, trong điệu múa xoan mượt mà, uyển chuyển…

Đến đây, ngoài nhà rông, du khách có thể thong dong thả bộ trên những con đường làng sạch sẽ, thoáng đãng và trò chuyện với những người dân thân thiện, hiếu khách; ngắm những đồng lúa, vườn rau xanh mướt; tham quan điểm trường Plei Ốp được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn; giọt nước-nơi dân làng tập trung lấy nước sinh hoạt và tắm rửa hay khu nhà mồ với những bức tượng tạc gỗ, những ché rượu cần còn vương lại dưới gốc đa già cổ thụ nằm ở cuối làng… Đặc biệt, dòng suối Ia Nil trong vắt, dịu mát cùng cảnh vật rất đỗi nên thơ xung quanh chắc chắn là địa điểm mà du khách sẽ cảm thấy vô cùng hối tiếc nếu bỏ qua.

 

Suối Ia Nil dịu mát. Ảnh: Hồng Thi
Suối Ia Nil dịu mát. Ảnh: Hồng Thi

Bên cạnh đó, du khách cũng sẽ khá thú vị khi được nghe già làng Puih Sir kể khan, hát dân ca hay được già đưa đi tìm hiểu các nghề truyền thống còn được dân làng lưu giữ như: rèn, đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, làm nhạc cụ dân tộc… Ngoài ra, nếu đến đúng dịp, du khách sẽ cảm nhận thực sự “hơi thở” của làng qua những lễ hội đậm bản sắc văn hóa như: Pơthi (lễ bỏ mã), lễ hội mừng lúa mới… nhất là xem đội cồng chiêng của làng (với trên 20 nghệ nhân, 12 chiêng, 20 cồng, 1 trống) biểu diễn…

Làng Anh hùng Núp

Làng kháng chiến Stơr (còn gọi là làng Anh hùng Núp) nằm ở xã Tơ Tung (huyện Kbang), cách TP. Pleiku khoảng 70 km về hướng Đông. Đây là ngôi làng với đại bộ phận là đồng bào Bahnar sinh sống (hiện làng có 69 hộ với hơn 400 khẩu, trong đó có 67 hộ Bahnar và 2 hộ Kinh); là quê hương của người anh hùng dân tộc Đinh Núp. Tại ngôi làng này, trước Cách mạng tháng Tám-1945, Anh hùng Núp đã phát động và lãnh đạo bà con dân làng đứng lên đánh Pháp. Làng Stơr khi đó là nơi chôn thây của hàng ngàn tên giặc xâm lăng, góp phần thổi bùng ngọn lửa chiến đấu của các dân tộc Tây Nguyên, thúc giục họ vùng lên chống giặc, gìn giữ quê nhà.

 

Nhà lưu niệm Anh hùng Núp khang trang ở đầu làng. Ảnh: Hồng Thi 9-Hàng năm có nhiều lượt khách ghé nhà lưu niệm tham quan. Ảnh: Hồng Thi
Nhà lưu niệm Anh hùng Núp khang trang ở đầu làng. Ảnh: Hồng Thi

Anh hùng Núp và ngôi làng của mình trở thành biểu tượng của một Tây Nguyên kiên cường, bất khuất. Ngày 23-3-1993, làng Stơr được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử văn hóa: Làng kháng chiến Stơr.

Làng nằm cách UBND xã Tơ Tung chừng 3 km. Đầu làng, bên trái là Nhà tưởng niệm Anh hùng Núp được xây dựng khang trang với diện tích 5,2 ha; bên phải là ngôi nhà rông văn hóa đứng vững chãi trên khoảnh sân rộng. Được khởi công xây dựng từ năm 2009 và đưa vào sử dụng vào tháng 5-2011, Nhà lưu niệm Anh hùng Núp là nơi có thể giúp du khách nắm bắt và hiểu được khái quát về cuộc đời của Bok Núp, quá trình đấu tranh chống Pháp của dân làng Stơr cũng như đặc trưng văn hóa của người bản địa thông qua những hình ảnh, hiện vật mô phỏng, trang phục, dụng cụ, nhạc khí…

 

Hàng năm có nhiều lượt khách ghé nhà lưu niệm tham quan. Ảnh: Hồng Thi
Hàng năm có nhiều lượt khách ghé nhà lưu niệm tham quan. Ảnh: Hồng Thi

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, nơi đây đón khoảng 5.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Một số đoàn khách đến từ Ý, Đức, Mỹ, Thái Lan… đã chia sẻ trong sổ lưu niệm rằng họ khá ấn tượng khi đến thăm vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa này.

Đi sâu hơn vào làng trên con đường đã được nhựa hóa, du khách sẽ phải trầm trồ vì ở làng Stơr, xen lẫn với các ngôi nhà xây, còn khá nhiều nhà sàn nguyên bản. Không những thế, tại đây, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị Bahnar, kiên nhẫn ngồi bên khung cửi, tỉ mẫn dệt ra tấm áo, chiếc khăn… bằng thổ cẩm với những chi tiết cực tinh xảo. Dù số lượng người dệt và biết dệt không còn nhiều, song, bà con trong làng vẫn luôn coi trọng và giữ gìn cái nghề truyền thống.

 

Dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị ngồi dệt thổ cẩm tại nơi này. Ảnh: Hồng Thi
Dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị ngồi dệt thổ cẩm tại nơi này. Ảnh: Hồng Thi

Ngoài ra, cũng giống như các làng đồng bào khác ở Gia Lai, đội cồng chiêng và văn nghệ dân gian cũng là những yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân làng Stơr. Và họ luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu thưởng thức của khách du lịch, nếu được yêu cầu.

Dĩ nhiên đây chỉ là 2 ngôi làng kiểu mẫu-một của Jrai, một của Bahnar-đặc trưng tiêu biểu. Gia Lai vẫn còn rất nhiều những ngôi làng thú vị khác luôn “dang tay” chào đón du khách đặt chân tới và tự mình trải nghiệm, khám phá…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.