(GLO)- Tăng cường kêu gọi đầu tư, kết nối du lịch, khảo sát các tour, tuyến mới là những nỗ lực của ngành du lịch Gia Lai trong năm 2019 để đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt lượng khách đã tăng 25% so với năm 2018. Tuy vậy, nhìn lại bức tranh du lịch, vẫn còn thiếu những điểm nhấn để tạo sức bật thực sự. Điều này đặt ra yêu cầu cho ngành du lịch tỉnh nhà trong năm 2020 là phải liên kết để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Nhiều sự kiện, ít điểm nhấn
Tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội tại các địa phương để thu hút khách là điểm cộng cho ngành du lịch tỉnh ta trong năm 2019. Đây cũng là năm đầu tiên huyện Chư Prông tổ chức thành công lễ hội hoa muồng vàng, tạo hiệu ứng tốt khi du khách biết thêm một điểm đến mới nổi trên bản đồ du lịch của tỉnh. Sự kiện này cùng với lễ hội dâu da đỏ (thị xã An Khê), lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện), hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai), ngày hội du lịch huyện Kbang, lễ hội cỏ hồng (huyện Đak Đoa), phiên chợ cửa khẩu (huyện Đức Cơ) đã tạo nên chuỗi sự kiện, góp phần làm cho hoạt động du lịch sôi động hơn. Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, ngoài một số lễ hội do các địa phương tổ chức, dịp cuối năm, tỉnh ta có III sự kiện lớn là Trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ (TechDemo) 2019, kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku và Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 3 thu hút một lượng khách đáng kể. “Ngành công nghiệp không khói” tỉnh ta đón 845 ngàn lượt khách trong năm 2019, vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, nhìn chung, ngành du lịch vẫn chưa xây dựng được thương hiệu có điểm nhấn và thực sự hấp dẫn, chưa thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư du lịch.
|
Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: HOÀNG QUỐC VĨNH |
Trên tổng thể, công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh có nhiều thay đổi về phương thức và nội dung. Đó là quảng bá du lịch tỉnh tại Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội (VITM) và Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, quảng bá trên các phương tiện truyền thông như chương trình S Việt Nam. Ngành du lịch cũng tích cực tham gia các hội thi ẩm thực tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Liên hoan ẩm thực toàn quốc tại Nha Trang. Các hoạt động này đã góp phần giới thiệu giá trị ẩm thực, vẻ đẹp của một vùng đất đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Du lịch Gia Lai cũng dễ được “nhận diện” hơn bằng logo và slogan “Gia Lai-Trải nghiệm và chia sẻ” chính thức được sử dụng trong các hoạt động giới thiệu, quảng bá từ giữa năm 2019.
Nhiều dự án du lịch đã thu hút một số nhà đầu tư trong nước đến khảo sát, lập dự án như: Biển Hồ-Chư Đang Ya, sân golf Đak Đoa, khu du lịch văn hóa công viên đồi thông Ia Dêr (Công ty cổ phẩn Tập đoàn FLC), tổ hợp dịch vụ Vinfast (Tập đoàn Vingroup), khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ia Ly (Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ du lịch Ia Ly). Bên cạnh đó, ngành du lịch còn tăng cường công tác kết nối, tổ chức các chuyến khảo sát, hội nghị giới thiệu các sản phẩm du lịch của tỉnh đến gần 70 doanh nghiệp lữ hành thuộc Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC). Đây là sự khởi đầu thuận lợi, đầy triển vọng cho ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh.
“Công tác xúc tiến, quảng bá dù đã thực hiện thường xuyên nhưng vẫn chưa như mong muốn, nhất là trong năm 2019, chúng tôi đã bỏ qua một vài cơ hội ở các hội chợ lớn trong nước vì có những lý do về sắp xếp con người và tài chính. “Bộ máy” xúc tiến du lịch của tỉnh trước đây thuộc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch nhưng sau khi sáp nhập vào Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San còn nhiều lúng túng, khó khăn trong hoạt động vì chưa chính danh”-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết.
Liên kết để cạnh tranh
Để tạo đà cho du lịch trong năm 2020, cuối tháng 12-2019, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Gia Lai. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Sở Du lịch tỉnh Bình Định, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết: Hội nghị là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như cơ quan xúc tiến du lịch tỉnh bạn tiếp cận thông tin về dự án du lịch tỉnh đang kêu gọi, thu hút đầu tư. Hơn nữa, Bình Định là địa phương gần đây khai thác khá tốt về du lịch. Chúng tôi muốn tạo cơ hội để các doanh nghiệp du lịch học hỏi kinh nghiệm từ “người hàng xóm”, đồng thời tăng cường sự liên kết vùng, kết nối du lịch giữa 2 vùng đất đại diện cho 2 tuyến du lịch rừng-biển để tạo sức bật cho du lịch trong năm mới.
|
Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Gia Lai năm 2019. Ảnh: H.N |
Ông Nguyễn Văn Dũng-Giám đốc Sở Du lịch Bình Định: “Gia Lai đang có chính sách thu hút, đầu tư du lịch rất tốt. Nhưng chính sách chỉ có thời hạn nhất định nên cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp nhân cơ hội này bắt tay ngay vào làm du lịch. Kinh doanh điểm đến du lịch không lỗ, nhất là những điểm đến đã có sức hút như Biển Hồ, Chư Đang Ya. Đừng nghĩ phải làm gì hoành tráng và trong khi chờ nhân tố “đầu đàn”, chúng ta cần tôn tạo theo khả năng để có những sản phẩm mới, lạ và độc đáo. Chư Đang Ya là núi lửa đẹp của Việt Nam và của châu Á. Trong khi du lịch Việt Nam chưa có tour du lịch núi lửa đặc thù thì đây là cơ hội để chúng ta bắt tay xây dựng một sản phẩm mới lạ trong các sản phẩm du lịch của Việt Nam”. |
Tại hội nghị này, tỉnh ta đã giới thiệu đến các nhà đầu tư 15 dự án du lịch mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư. Để tạo điều kiện cho du lịch phát triển, thu hút các thành phần kinh tế tham gia, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 108/2019/NQ-HĐND ngày 10-7-2019 quy định một số chính sách hỗ trợ về đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Dũng-Giám đốc Sở Du lịch Bình Định-đánh giá: “Gia Lai có chính sách hỗ trợ đầu tư du lịch rất tốt, thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Với các chính sách nhiều thuận lợi này, tôi tin rằng du lịch Gia Lai đang mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có tỉnh Bình Định”.
Vấn đề đặt ra cho du lịch Gia Lai trong năm 2020 là tăng cường liên kết, kết nối giữa 2 địa phương. Đây là vấn đề không mới, nhưng cần làm mới theo hướng phát huy lợi thế riêng có của 2 địa phương để tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ông Dũng cho rằng: Du lịch đang có sự cạnh tranh khốc liệt, Bình Định không thể phát triển du lịch một cách đơn độc nên cần có sự liên kết vùng, kết nối với các địa phương trong khu vực. Đặc biệt, kết nối du lịch Gia Lai-Bình Định sẽ phát huy nhiều lợi thế. Đầu tiên phải kể đến thuận lợi về sân bay và cơ sở lưu trú. Gia Lai có hệ thống khách sạn với chất lượng phòng tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế từ 1 đến 4 sao, giá lại thấp hơn nhiều so với Bình Định. Bên cạnh đó, nhiều thời điểm, sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định) không đủ chuyến phục vụ hành khách. Nếu năm 2020 xây dựng tour liên kết giữa 2 địa phương, khách đến Pleiku có thể ra về từ Sân bay Phù Cát và ngược lại, khách đến Quy Nhơn nhưng có thể ra về từ sân bay Pleiku. “Tôi tin rằng, lợi thế của 2 địa phương hoàn toàn có thể tạo nên một tour du lịch rừng-biển kết hợp hiệu quả. Tôi đã đi khảo sát nhiều điểm đến của du lịch Gia Lai, từ ẩm thực đến cảnh quan thiên nhiên đều rất quyến rũ, rất lợi thế đối với thị trường khách quốc tế”-ông Dũng tin tưởng.
Ông Dũng thông tin thêm, du lịch Bình Định đón 4,8 triệu lượt khách trong năm 2019, trong đó có 400 ngàn khách quốc tế. Mục tiêu trong năm 2020 sẽ tăng lượng khách quốc tế lên 800 ngàn lượt. Khi tăng cường kết nối đưa được một lượng du khách theo tour liên kết giữa 2 địa phương, ngành du lịch Gia Lai có cơ sở để kỳ vọng đạt và vượt chỉ tiêu hơn 1 triệu lượt khách trong năm 2020 như kế hoạch đề ra. “Trước mắt, 2 địa phương thống nhất xây dựng tour 5 ngày, 4 đêm với tên gọi “Về với biển xanh và đại ngàn”, trong đó có 2 ngày 1 đêm ở Pleiku. Chúng tôi hy vọng trong năm 2020 tour này sẽ thu hút được lượng khách nhất định từ Bình Định lên Gia Lai”-Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết.
NGUYÊN BÌNH