Dự án "Giảm tốc độ-Trường học an toàn": Tín hiệu lạc quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 năm triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu và Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP. Pleiku), Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” đã thu được kết quả rất khả quan khi cả 2 được nâng lên vị trí “5 sao” về mức độ an toàn dựa trên bộ công cụ “Đánh giá hạng sao trường học” (SR4S).
Nhiều giải pháp đồng bộ
Bà Mirjam Sidik-Tổng Giám đốc điều hành của Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) cho biết: 1 người đi bộ chỉ có 10% khả năng sống sót khi va chạm với phương tiện đang di chuyển vận tốc 60 km/giờ, nhưng có đến 90% khả năng sống sót khi va chạm với phương tiện di chuyển vận tốc 30 km/giờ. “Do đó, giảm tốc độ là hành vi cần thay đổi lớn nhất khi đi qua khu vực trường học. Hành động này sẽ giúp bảo vệ con em chúng ta khỏi những tổn thương và tai nạn”-bà Mirjam Sidik nói.
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng-Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng thông tin: Có nhiều yếu tố dẫn tới nguy cơ về an toàn đường bộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, số vụ va chạm do vi phạm tốc độ chiếm đến 25%. Giảm tốc độ là cách cần thiết để bảo vệ mình, bảo vệ người khác trước nguy cơ tai nạn giao thông. Theo số liệu của Bộ Công an, tỷ lệ thương vong trẻ em Việt Nam do tai nạn giao thông mỗi năm vào khoảng 6%. “So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng đầu các nước có tỷ lệ trẻ em thương vong do tai nạn giao thông. Đây thực sự là điều đau xót và cần thiết có sự hành động đúng đắn, kịp thời của cộng đồng để giảm thiểu tình trạng này”-TS. Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Trong 2 năm (2018-2020) triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu và Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP. Pleiku), Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn I đã thiết kế và xây dựng mô hình trường học an toàn thông qua cải tạo hạ tầng an toàn giao thông và định hướng hành vi giao thông xung quanh khu vực 2 trường học bao gồm: lắp đặt vạch sang đường, gờ giảm tốc, sơn chữ “Đi chậm” trên mặt đường… Đặc biệt, lần đầu tiên chương trình áp dụng tốc độ quy định tối đa qua khu vực trường học 30-40 km/giờ vào các khung giờ cao điểm thay cho tốc độ tối đa hiện đang áp dụng là 40-60 km/giờ. Những nỗ lực này đã đem lại kết quả khả quan. Cụ thể, trước khi triển khai dự án, mật độ lưu thông qua 2 trường này khá cao, một số phương tiện còn di chuyển với tốc độ lên đến 70-80 km/giờ. Hiện nay, các phương tiện lưu thông qua khu vực trường học đã giảm tốc độ trung bình 18-21 km/giờ so với trước. Đặc biệt, tỷ lệ va chạm giao thông xảy ra gần khu vực 2 trường trong dự án giảm từ 34,1% xuống 30,4%. Tỷ lệ phụ huynh có thể xác định chính xác giới hạn tốc độ tại khu vực các trường học đã tăng từ 15,9% (đầu kỳ) lên 65,8% (cuối kỳ).
Thành viên Ban An toàn Giao thông tỉnh, đại diện Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (TP. Pleiku) qua đường an toàn. Ảnh: L.H
Thành viên Ban An toàn Giao thông tỉnh, đại diện Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (TP. Pleiku) qua đường an toàn. Ảnh: L.H
Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” (Slow zones, Safe zones) thuộc Chương trình “Những thách thức an toàn đường bộ cho trẻ em” do Quỹ Botnar (Thụy Sĩ) tài trợ. Nội dung dự án gồm: cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông khu vực trường học bằng cách bố trí lối đi bộ riêng cho học sinh, khu vực đậu đỗ xe cho phụ huynh và quan trọng nhất chính là các biện pháp giảm tốc độ chạy xe; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh và cộng đồng nhằm thay đổi hành vi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông...

Cơ sở để đưa vào Luật Giao thông Đường bộ

Từ kết quả này, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia bày tỏ sự tin tưởng sự lạc quan của dự án trong các giai đoạn tiếp theo. “Tôi hy vọng mô hình triển khai tại TP. Pleiku sẽ trở thành mô hình mẫu áp dụng cho khu vực trường học an toàn ở nhiều thành phố khác trên cả nước”-TS. Khuất Việt Hùng bày tỏ. Tại buổi tổng kết giai đoạn I dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” vừa được tổ chức ngày 27-6, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng kiến nghị đưa nội dung quy định giới hạn tốc độ tối đa 30-40 km/giờ tại khu vực trường học trong khung giờ cao điểm vào Luật Giao thông Đường bộ.
Ông Bùi Văn Linh-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: “Trước kết quả tích cực từ dự án mang lại, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự tham mưu, vai trò điều phối, chỉ đạo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về các nội dung trên. Tất cả đều chung một mục tiêu đảm bảo cho trẻ em Việt Nam được an toàn hơn cũng như xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em ngày một hoàn thiện, góp phần hướng đến xây dựng xã hội văn minh, phát triển”. 
Tại lễ ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác giai đoạn II của dự án, ông Raoul Powlowski-chuyên gia Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu cũng cho biết: “Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một định nghĩa chính thức về khu vực trường học an toàn. Thông qua ý kiến từ phía cộng đồng và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn II (triển khai từ tháng 7-2020 đến tháng 3-2022) sẽ vận động chính sách nhằm xây dựng định nghĩa khu vực trường học an toàn đầu tiên cho TP. Pleiku. Từ đó giúp xây dựng một khuôn mẫu chung cho các thiết kế và mô hình cải tạo trường học an toàn trong tương lai”.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Tại Quyết định này, UBND tỉnh công bố 15 thủ tục hành chính mới và 22 thủ tục bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Công bố 15 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố 15 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ 22 thủ tục trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.