Động lực cho phát triển Hà Nội: Kỳ vọng vào dự án đường Vành đai 4

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô có quy mô tuyến đường dài 112,8km, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng; trong đó tuyến đường đi qua địa phận Hà Nội dài 58,2km.

Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)
Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)



Ngay khi Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đã đánh dấu mốc son lịch sử thể hiện tầm nhìn, khát vọng vươn lên phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại," xứng tầm khu vực và thế giới, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Đòn bẩy" cho sự phát triển của Hà Nội và Vùng Thủ đô

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Theo đó, đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô có quy mô tuyến đường dài 112,8km, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng; trong đó tuyến đường đi qua địa phận Hà Nội dài 58,2km; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 35,3km; tuyến đường đi qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3 km.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện dự án quan trọng này chính là hiện thực hóa quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Với ý nghĩa đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đều khẳng định, đường Vành đai 4 là dự án trọng điểm quốc gia, công trình có ý nghĩa rất quan trọng, đem lại lợi ích to lớn không chỉ đối với các địa phương của Hà Nội, mà còn với các tỉnh, thành trong Vùng Thủ đô và cả nước.

Vì vậy, thời gian qua, người dân trên địa bàn đều hồ hởi, phấn khởi, chờ mong; lãnh đạo các cấp đều ý thức rõ về trách nhiệm, chủ động vào cuộc quyết liệt triển khai các phần việc trong dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng đang được thực hiện khẩn trương, quyết liệt để tạo mặt bằng sạch để triển khai dự án; qua đó đảm bảo tiến độ thực hiện dự án do Quốc hội đề ra, cũng như đã ghi rõ trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Theo ghi nhận, ngay tại thời điểm này công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đang được các địa phương, cùng với bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ, khẩn trương và quyết liệt.

Điển hình như tại Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 7 quận, huyện có dự án đi qua gồm: Hà Đông, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín đang nỗ lực, đồng lòng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai dự án.

Quả thực, khảo sát thực địa tại một số nút giao quan trọng của tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần chủ động vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và nhân dân 7 quận, huyện có dự án đi qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội cho rằng: "Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, song thành phố Hà Nội đã chủ động đề ra các biện pháp tháo gỡ. Nhờ đó, các phần việc liên quan đến giải phóng mặt bằng đã và đang được triển khai đồng bộ từ thành phố xuống các địa phương."

Chạy đua với thời gian để kịp tiến độ dự án

Có thể nói, thành phố Hà Nội đang chạy đua với thời gian, để kịp tiến độ dự án. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, thành phố đã tổ chức cắm mốc giải phóng mặt bằng được 36,3/58,2km tại 7 quận, huyện; đối với các đoạn 21,9km còn lại sẽ hoàn thành công tác cắm mốc xong trước ngày 30/11/2022.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã triển khai phương án ứng vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy hoạch.

Song song với việc triển khai các thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư...

Dự kiến, trong quý 4/2022, thành phố Hà Nội sẽ giải ngân được khoảng 1.759 tỷ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Lãnh đạo các quận, huyện đều khẳng định đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố; chủ động triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt tuyên truyền, vận động; từ trước khi được bố trí vốn tạm ứng, các quận, huyện đã được người dân đồng tình di chuyển hàng trăm ngôi mộ trong phạm vi dự án.

Đáng chú ý, không chỉ thành phố Hà Nội đang chạy đua với tiến độ dự án, mà hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cũng đang "bứt tốc" triển khai các phần việc của dự án, thúc đẩy tiến độ các dự án thành phần; đồng thời lường trước những vấn đề khó, nhạy cảm, còn vướng mắc để chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa; kịp thời kiến nghị với Trung ương tháo gỡ; vận động, tuyên truyền, tạo niềm tin để nhân dân đồng hành, thúc đẩy triển khai dự án.


 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa tại tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa tại tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)


Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh gồm 3 huyện Gia Bình, Thuận Thành, Quế Võ và thành phố Bắc Ninh với tổng chiều dài khoảng 35,3km.

Đến nay, các địa phương có dự án đi qua đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng; hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính, thống kê sơ bộ nhu cầu sử dụng đất, đề xuất khu tái định cư...

Còn tại địa phận tỉnh Hưng Yên, tuyến đường Vành đai 4 đi qua 4 huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm với chiều dài 19,3km. Đến nay, 4 huyện đã hoàn thành trích lục bản đồ địa chính và đang triển khai công tác trích đo giải thửa, rà soát, quy chủ đối với đất nông nghiệp và đất ở.

Các huyện cũng đã hoàn thành đề xuất nhu cầu bố trí tái định cư, lập điều chỉnh quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất để làm căn cứ thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất theo quy định pháp luật.

Nhấn mạnh tầm quan trọng khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa bày tỏ: "Dù biết rất khó khăn, nhưng tỉnh Hưng Yên quyết tâm thực hiện bằng được tiến độ dự án, bảo đảm đến tháng 6/2023, bàn giao ít nhất 70% mặt bằng."

Đồng quan điểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: "Quan điểm chung của tỉnh Bắc Ninh là sẽ nỗ lực tháo gỡ tối đa những khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án đạt kết quả cao nhất."

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, cùng hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ hoàn thành các mục tiêu dự án đặt ra, sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng kỳ vọng của người dân.

Hà Nội sẽ trở thành đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Theo Nguyễn Thắng-Tuyết Mai (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất