Loạt vướng mắc trong quy hoạch đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, công tác quy hoạch xây dựng đô thị đóng vai trò rất quan trọng và chỉ khi nào quy hoạch chung phân khu, quy hoạch chi tiết được thực hiện tốt mới có chương trình, dự án đầu tư hiệu quả.

 
Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị ở nhiều địa phương gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Hải Nguyễn
Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị ở nhiều địa phương gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Hải Nguyễn
Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc điều chỉnh quy hoạch đang diễn ra phổ biến ở các địa phương, lại gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - ông Trần Ngọc Chính nhìn nhận, ở mỗi quốc gia, quy hoạch luôn phải đi trước một bước, trở thành công cụ cần thiết để quản lý, kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn, hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi lập quy hoạch.
Trong đó, quy hoạch tỉnh được xác định là một trong những quy hoạch quan trọng, được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên tính đến đầu tháng 11.2022, mới có tỉnh Bắc Giang và Hà Tĩnh được duyệt quy hoạch tỉnh, có khoảng 15 tỉnh đang chờ được phê duyệt.
Như vậy, số lượng quy hoạch tỉnh cần được duyệt là rất lớn trong khi nếu quy hoạch tỉnh được duyệt, các quy hoạch khác có liên quan và các dự án trên địa bàn mới có căn cứ để triển khai.
Hơn nữa trong quá trình xem xét, duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch tỉnh đã có nhiều vướng mắc. Đáng chú ý là việc chưa ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch cấp vùng đang gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương trong định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong lúc Luật Quy hoạch quy định quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên.
Theo quy định của Luật Quy hoạch, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm đảm bảo tính thống nhất, khớp nối hệ thống quy hoạch trong cả nước, làm căn cứ để lập quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Trên thực tế, sau một thời gian đi vào thực tiễn, bản thân việc triển khai Luật Quy hoạch cũng bộc lộ nhiều vấn đề về quy trình thực hiện và nội dung quy hoạch, làm mất tính kết nối dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo.
Một dẫn chứng là 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng đến nay đều được lập Quy hoạch chung xây dựng cho 20 năm và tầm nhìn đến 30 năm, 40 năm. Các quy hoạch này được nhìn nhận là phát huy tác dụng trong việc triển khai xây dựng và quản lý đô thị có hiệu quả.
Song nếu thực hiện quy hoạch tỉnh cho 5 đô thị Trung ương theo Luật Quy hoạch lại rất khó thực thi do những nội dung quan trọng như tổ chức không gian, tổ chức cảnh quan, tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và tổ chức quản lý các khu chức năng khó thực hiện.
Trái lại nếu lập quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch dẫn đến khối lượng thông tin cần tích hợp là rất lớn…
Theo TS-KTS Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia, do mang tính phức tạp, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch thành phố lớn cần có tính chiến lược.
Tuy nhiên, trong Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch thành phố lớn lại có sự khác nhau. Từ thực tế trên đặt ra yêu cầu phân định rõ khái niệm và quy định pháp luật giữa thành phố trực thuộc Trung ương với đơn vị hành chính tỉnh, nội dung cụ thể về quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và quy hoạch tỉnh.       
Theo Hà Vinh (LĐO)

https://laodong.vn/bat-dong-san/loat-vuong-mac-trong-quy-hoach-do-thi-1122164.ldo

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.