(GLO)- Nhờ được hỗ trợ kịp thời về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, giai đoạn 2013-2016, huyện Ia Grai có 4.134 hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất-kinh doanh giỏi các cấp.
Nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cà phê. Ảnh: P.D |
Theo bà Nguyễn Thị Xuân-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai, năm 2016, Hội đã tích cực bám sát cơ sở và chủ động trong công tác phối hợp tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn cũng như ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó đời sống của hội viên được cải thiện rõ rệt.
Để tạo điều kiện cho hội viên có vốn phát triển sản xuất, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện củng cố và thành lập mới các tổ liên kết vay vốn. Đến cuối năm 2016, toàn huyện có 39 tổ liên kết vay vốn, với 483 thành viên và tổng dư nợ 23 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng nguồn vốn vay tại các tổ vay vốn ở các xã, thị trấn và tiếp tục giải ngân cho các hội viên vay để đầu tư phát triển sản xuất. Trong năm 2016 đã có 2.691 lượt hộ được vay với số tiền trên 58 tỷ đồng (phần lớn là hội viên nông dân), thông qua 77 tổ vay vốn ủy thác do Hội Nông dân huyện quản lý.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn đẩy mạnh tuyên truyền vận động hội viên nông dân giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất; vận động hội viên đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn huyện tích lũy được 544,120 triệu đồng. Số tiền này đã được các cấp Hội giải quyết cho 57 lượt hội viên nông dân vay để sản xuất. Hội còn tranh thủ nguồn vốn 300 triệu đồng từ dự án “Chăm sóc cây cà phê” của Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh giải quyết cho 10 hội viên nông dân ở làng Nang và làng Ó (xã Ia Sao) vay phát triển sản xuất.
Song song với việc tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, các cấp Hội còn vận động hội viên tích cực sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất một số cây trồng; cung cấp cho hội viên những kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, cách sử dụng phân bón hiệu quả, cách phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi...
Đặc biệt, Hội đã phối hợp với UBND huyện và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức chương trình trực tiếp “Hỏi biết trên đồng” nhằm giúp hội viên có thêm kiến thức về chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để cây cà phê phát triển tốt. Nhờ được tiếp cận về vốn, khoa học kỹ thuật kịp thời nên số hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất-kinh doanh giỏi của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng giai đoạn 2013-2016, toàn huyện có 4.134 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi trong tổng số 6.530 hội viên đăng ký.
Điển hình như hộ bà Puih Hyam (làng Lân, xã Ia O) thu nhập bình quân mỗi năm đạt 400 triệu đồng từ 1,6 ha cà phê, 3 ha điều, 1,5 ha cao su, 300 trụ hồ tiêu và 5 con bò. Hay gia đình ông Hoàng Văn Khâm (thôn Hợp Nhất, xã Ia Yok) với mô hình trồng trọt và chăn nuôi, gồm: nuôi 400 heo nái, 400 heo thịt, hơn 200 gia cầm và trồng 2,5 ha cà phê, 300 trụ hồ tiêu… hàng năm thu nhập trên 600 triệu đồng.
Ngoài ra, trong năm, Hội còn phối hợp xây dựng mô hình Hợp tác xã sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C tại xã Ia Hrung với 107 hội viên tham gia; xây dựng 5 tổ hợp tác xã cà phê tại các xã: Ia Sao, Ia Yok, Ia Tô, Ia Krái và Ia Dêr. Đồng thời, Hội phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tổ chức dạy nghề cho 305 hội viên nông dân, giải quyết việc làm cho 213 hội viên ở các xã: Ia Yok, Ia Bă, Ia Hrung và thị trấn Ia Kha.
“Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với đẩy mạnh 3 phong trào thi đua của Hội”-bà Nguyễn Thị Xuân-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết. |
Phương Dung