Đổi thay ở Ia Ka

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Ia Ka (huyện Chư Pah) là vùng đệm vào căn cứ cách mạng B4 của quận Lệ Trung xưa. Nơi đây, tuy đời sống còn những khó khăn nhất định và có thời điểm một số hộ dân tộc thiểu số bị các đối tượng lợi dụng kích động, lôi kéo để chống phá, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn nhưng hầu hết một lòng vẫn son sắt theo Đảng, theo Bác Hồ. Những năm trở lại đây, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền các cấp, đời sống của người dân ở các thôn, làng đã thay đổi rõ rệt.

Nỗ lực thoát nghèo

 

Vườn cà phê của bà Rơ Châm Kunh ở làng Yố 1, xã Ia Ka. Ảnh: L.V.N
Vườn cà phê của bà Rơ Châm Kunh ở làng Yố 1, xã Ia Ka. Ảnh: L.V.N

Khi những tia nắng ban mai chưa kịp xuyên qua kẽ lá, anh Rơ Châm Suen (làng Yố 1, xã Ia Ka) đã khởi động chiếc công nông để chở nào ống, nào dây cột, máy nổ ra rẫy tưới cà phê đợt đầu. Trước đó, vợ anh Suen đã chuẩn bị xong cơm nắm để buổi trưa ăn luôn tại rẫy cà phê. Anh Suen cho biết, vụ mùa vừa rồi, khu vực Ia Ka bị hạn nặng nên cà phê mất mùa. Bù lại giá cà phê sau đó có nhỉnh lên đôi chút nên gia đình anh vẫn có lãi. “Đầu vụ tưới năm nay không còn thiếu nước tưới trầm trọng như mọi năm, cà phê cũng bắt đầu trổ bông, việc còn lại là khả năng chăm sóc của gia đình. Hy vọng năm nay sẽ là một mùa bội thu”-anh Suen tươi cười chia sẻ.

Gia đình anh Suen là một trong những hộ “thường thường bậc trung” ở xã Ia Ka với thu nhập bình quân trên dưới 200 triệu đồng/năm. Những gia đình dân tộc Jrai ở đây có thu nhập 400-500 triệu đồng/năm từ trồng cà phê không phải là hiếm. Gia đình ông Rơ Châm Bớp (làng Yố 2) có 4 nhân khẩu mà trồng đến 5 ha cà phê, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng. Ông Bớp chia sẻ: “Ngày xưa, dân làng mình chỉ biết trồng lúa rẫy vì nhanh có thu hoạch nhưng bây giờ hầu hết đều trồng cà phê. Có được như hôm nay là công không nhỏ của cán bộ kỹ thuật từ xã, huyện xuống hướng dẫn cho bà con”. Ông Bớp là một trong những người trồng cà phê rất sớm ở Ia Ka. Hôm chúng tôi về xã, dù vẫn chưa đến Rằm tháng Giêng nhưng ông cho biết đã xắn tay ra chăm rẫy cà phê cả tuần rồi. Ông bảo: “Tết nghỉ nhiều ngày không nên bù khú mà phải dành thời gian lao động cho đỡ mỏi cái chân, cái tay. Vườn cà phê này nuôi sống gia đình mình thì mình phải làm siêng chứ!”.

Ông Bớp cho biết, trồng cà phê tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Nói đoạn, ông chỉ cho chúng tôi thấy những bờ giậu xanh, những hàng rào được kéo thẳng tắp, nhiều gia đình đã có nhà xây kiên cố, có xe công nông… “Chú thấy, bây giờ nhà tôi tưới cà phê chỉ việc đóng điện là xong, khỏi phải kéo ống”-ông Bớp nói. Tôi thầm nghĩ: “Sao mà không nể được khi Ia Ka đã có nhiều hộ dân tộc Jrai như Ksor Ayuih (làng Yố 2), Ksor Blum (làng Yố 1), Rơ Châm Klunh (làng Yố 2)… tưới cả ha cà phê bằng hệ thống tưới tự động thật thuận tiện. Họ còn xây dựng thành nông trại vườn-ao-chuồng kết hợp với cây công nghiệp dài ngày, nuôi bò để lấy phân thì không lý gì thu nhập 300-400 triệu đồng/năm là khó”.

Niềm tin vào tương lai

 

Tưới cà phê bằng pét ở vườn nhà ông Bớp. Ảnh: L.V.N
Tưới cà phê bằng pét ở vườn nhà ông Bớp. Ảnh: L.V.N
Bí thư Đảng ủy xã Ia Ka Nguyễn Quốc Hùng: Từ tháng 3-2011 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện đã tăng cường cán bộ lãnh đạo về xã Ia Ka để giúp xã ổn định hệ thống chính trị và từng bước phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, việc bố trí, sắp xếp cán bộ các ban ngành, đoàn thể của xã hợp lý; cán bộ có năng lực chuyên môn nghiệp vụ nên đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, giúp đỡ nhân dân sâu sát hơn; tinh thần đoàn kết, sự hỗ trợ giúp sức của các cấp, các ngành đã tạo động lực đưa hệ thống chính trị ở Ia Ka từng bước ổn định, kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.

Chủ tịch UBND xã Ia Ka Ksor Sum cho biết, toàn xã hiện có 1.223 ha cà phê, 115 ha cao su tiểu điền, 12,5 ha hồ tiêu. Nhờ trồng cà phê, hồ tiêu mà nhiều hộ thoát nghèo, không còn hộ đói. Các cháu trong độ tuổi đến trường đạt 98%. Nhiều gia đình dân tộc Jrai có con em vào đại học như gia đình ông Ksor Ayuih (làng Yố 2), gia đình bà Rơ Châm Kunh (làng Yố 1)… “Học tập là nền tảng để thoát nghèo. Nhằm khuyến khích việc học tập của con em trong xã, hàng năm, UBND xã đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên các cháu học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học sinh tiêu biểu, học sinh đậu đại học, gia đình hiếu học… Tuy là một xã còn khó khăn nhưng xã vẫn dành một khoản kinh phí và thực hiện việc xã hội hóa để động viên, giúp đỡ các cháu học tập, tiếp thu kiến thức sau này về phục vụ quê hương”-ông Sum cho biết.

Có một điều đáng quý được Chủ tịch UBND xã Ksor Sum chia sẻ là sau sự kiện tháng 8-2012, thời điểm nhiều gia đình ở 2 làng Mrông Ngó 3 và Mrông Ngó 4 bị kẻ xấu xúi giục, kích động lập chòi, đào giếng nước để chiếm đất tái canh cây cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, người dân đã nhận ra bản chất sự việc. “Đây cũng là bài học về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức trong xã. Đặc biệt là phải thật sự gần dân”-ông Ksor Sum tâm sự. Điều ông Sum trăn trở nhất là sớm đưa xã không còn hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 18,37%); chương trình xây dựng nông thôn mới hiện chỉ đạt 11/19 tiêu chí. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cả hệ thống chính trị của xã phải cố gắng nhiều hơn nữa, đặc biệt là công tác vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để từng bước đưa Ia Ka ngày một phát triển.

 Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.