(GLO)- Tỉnh Gia Lai hiện có trên 2.000 công nhân đang làm việc ở các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) và một số cụm công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đời sống tinh thần của lực lượng này dường như vẫn chưa được thực sự quan tâm.
“Nghèo nàn!”
Đó là nhận xét của ông Nguyễn Thanh Tâm- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khi nói về đời sống tinh thần của công nhân trên địa bàn tỉnh. Theo ông Tâm, Khu Công nghiệp Trà Đa hình thành từ năm 2006 đến nay, song hiện khu công nghiệp này mới chỉ có các khu sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động, còn khu vui chơi, giải trí dành cho công nhân chưa được quan tâm đúng mức.
Vì khu nhà ăn cho công nhân của Nhà máy Chế biến hạt điều Công ty TNHH Ô Lam (Khu Công nghiệp Trà Đa) ẩm thấp, nóng bức, nhiều công nhân hết giờ làm phải ra gốc cây ngồi nghỉ ngơi, ăn uống cho thỏa mái. Ảnh. Đ.Y |
Có mặt vào giờ tan ca tại Khu Công nghiệp Trà Đa những ngày đầu tháng 5 (Tháng Công nhân), chúng tôi thấy từng tốp lao động bước ra từ khu sản xuất của các doanh nghiệp mỗi người một nét mặt. Trên đường về, chị Nguyễn Thị Hiền-công nhân sản xuất gỗ nội thất Gia Khang (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Gia Khang-Khu Công nghiệp Trà Đa), ngậm ngùi: “Nhiều lúc tôi không muốn về phòng trọ đâu chị ơi. Đi làm đứng máy suốt 8-10 tiếng, dịp nào tăng ca thì tới 12 tiếng/ngày. Tan ca, muốn đi chơi đâu đó hoặc tham gia hoạt động văn hóa giải trí nhưng lại mệt mỏi, về đến phòng trọ tôi chỉ ăn gì đó cho qua bữa, tắm giặt rồi leo lên giường ngủ. Ngày nào cũng vậy, cũng vì mưu sinh nên tôi cố làm, tằn tiện 1-2 năm nữa có chút vốn về quê làm ăn”. Gia đình Hiền ở Thanh Hóa. Học hết cấp II, Hiền theo anh vào Pleiku sinh sống, năm 2013 xin vào làm ở Nhà máy Sản xuất Gỗ nội thất Gia Khang. Cuộc sống ở nhà khó khăn, không có việc làm, Hiền đi làm công nhân mong kiếm đồng lương nuôi bản thân và đỡ đần bố mẹ. Mỗi tuần nghỉ 1 ngày chủ nhật, khi nào tăng ca thì làm cả ngày nghỉ.
Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Thùy-công nhân Nhà máy Chế biến Hạt điều Xuất khẩu Công ty TNHH Olam (Khu Công nghiệp Trà Đa), cho biết: “Đi làm từ sáng đến tối muộn mới về nên chẳng bao giờ chúng em nghĩ tới đi chơi, giao lưu với bạn bè, chuyện giải trí, văn hóa tinh thần thì lại càng không. Nhiều lúc em nghĩ mình cứ như cái máy không hơn, không kém chị ạ”. Thùy nói rồi giơ chiếc điện thoại: “Giải trí của bọn em là mấy trò chơi điện tử trong này!”.
Chúng tôi tiếp tục dạo quanh một số khu nhà trọ ở đường Đặng Trần Côn, phường Trà Bá (TP. Pleiku) vào một buổi chiều muộn. Tại những khu nhà trọ ở đây, một số nhóm công nhân của Tập đoàn Đức Long Gia Lai đang nhậu. Một công nhân nam tên Dũng (nhà ở Hà Tĩnh), cho biết: “Buổi tối tan ca ở khu trọ không biết làm gì, mấy anh chị em rủ nhau ngồi lai rai cho vui. Hôm nào có lương thì rủ nhau đi uống cà phê, hát karaoke. Đời sống tinh thần công nhân chỉ vậy thôi”.
Thực trạng đời sống tinh thần của công nhân đang rất nghèo nàn, phòng trọ không có ti-vi, không internet, báo chí... Thiết bị giải trí duy nhất của một số công nhân sau giờ làm là chiếc điện thoại di động, hoặc thường tụm ba tụm bảy nhậu nhẹt.
Cần quan tâm đúng mức
Để công nhân yên tâm lao động, doanh nghiệp tư nhân Anh Khoa đã đầu tư mua đất xây dựng khu nhà ở cho công nhân ở miễn phí trị giá gần 1 tỷ đồng. Ảnh. Đ.Y |
Thực tế cho thấy, việc đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần sẽ góp phần giúp công nhân gắn bó chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, năng suất lao động cao hơn và giảm những hệ lụy đáng tiếc như đình công, tệ nạn xã hội... Nhận thức vấn đề này, thời gian qua, một số doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa đã không ngừng quan tâm chăm lo tổ chức các hoạt động cho công nhân. Tiêu biểu như Doanh nghiệp tư nhân Anh Khoa vào mỗi dịp lễ, Tết, hoạt động văn hóa, thể thao được Công đoàn doanh nghiệp thường xuyên quan tâm như tổ chức gặp mặt, giao lưu, tổ chức sinh nhật theo từng tháng, tổ chức đám cưới, thăm hỏi lúc ốm đau, hoạn nạn...
Ông Nguyễn Đức Cường- Phó Giám đốc Nhà máy Đá granite Anh Khoa, Chủ tịch Công đoàn, cho biết: Để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, chúng tôi còn mua đất, xây khu nhà ở cho công nhân cách nhà máy gần 1 km. Khu nhà ở cho công nhân có 2 dãy, 8 phòng được xây dựng kiên cố, khang trang để cho công nhân ở miễn phí. Chúng tôi còn xây căng tin ở ngay cạnh Nhà máy, sau mỗi giờ làm, công nhân về khu căng tin được doanh nghiệp phục vụ bữa cơm trưa miễn phí, còn các nhu cầu sinh hoạt lành mạnh khác, công nhân có yêu cầu, doanh nghiệp đều được đáp ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư dàn hát karaoke ngay tại căng tin.
Tiếp đó là Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai cũng thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần cho công nhân, ông Trần Thanh Lâm-Phó Giám đốc Công ty cho biết: Ngoài đầu tư thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất thì khu bếp ăn tập thể luôn được doanh nghiệp quan tâm. Sau mỗi giờ tan ca, công nhân về bếp ăn, cùng nhau ăn uống, nghỉ ngơi để tiếp thêm năng lượng cho các ca làm việc khác. Song con số này chưa nhiều, bởi hiện nay Khu Công nghiệp Trà Đa chưa có thiết chế văn hóa của Nhà nước đầu tư dành riêng cho công nhân; hình thức hoạt động của nhiều đơn vị nghèo nàn, chưa lôi cuốn, thậm chí có doanh nghiệp “bỏ trắng” hoạt động này hoặc chỉ quan tâm đến sản xuất mà bỏ lơ chuyện quan tâm đời sống tinh thần cho công nhân. Thực tế, Ban Quản lý Khu Công nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng một sân bóng đá mi ni nhưng sân bóng đá mang hình thức kinh doanh, doanh nghiệp nào có nhu cầu thì thuê.
Đinh Yến