'Đội săn' xà bần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi mọi người đang say giấc thì các anh phải căng mình trong mưa rét, chịu cảnh muỗi đốt ở một lùm cây, bờ bụi nào đó mật phục các đối tượng đổ trộm xà bần. 
Hình ảnh bằng chứng một vụ đổ trộm xà bần do đội ghi lại
Việc làm không công của các anh đang góp phần xây dựng Đà Nẵng - “thành phố môi trường”.
Nỗi khiếp sợ của đội quân đổ trộm
Một ngày đầu tháng 11, tôi được Đội tìm diệt xà bần (phế thải xây dựng) P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cho cái hẹn vào cuối giờ chiều tại UBND phường. Thế nhưng, khi tôi vừa đến thì điện thoại của ông Nguyễn Văn Cước, Phó ban Bảo vệ dân phố Nại Hiên Đông (phụ trách đội), reo lên. “Được rồi, tôi ra ngay!”, ông Cước nói trước khi cúp máy. Đó là cuộc gọi báo tin một chiếc xe tải chở xà bần đang lao nhanh trên đường Lê Văn Duyệt, hướng ra khu đất trống sát ngay chân cầu Thuận Phước có dấu hiệu sẽ “nhả hàng”. Không chần chừ, tôi rồ ga phóng theo.
Chiếc xe tải bắt đầu chạy chậm lại, rảo qua nhiều tuyến đường để “điều nghiên” vị trí đổ trộm. Ông Cước dừng lại từ xa quan sát hồi lâu rồi quay sang nhìn chúng tôi, lắc đầu: “Bọn này sẽ không đổ nữa đâu. Anh có thấy 2 chiếc xe máy chạy đằng trước chiếc xe tải không? Đó là 2 kẻ tiền trạm cho xe tải đấy. Cứ thấy có người là họ rút. Nhưng thôi, họ đừng đổ xuống là được rồi”.
Đội không ít lần “vồ hụt” như thế sau 5 tháng hoạt động. Càng về sau, đội quân đổ trộm xà bần càng biết cách cảnh giới đội “thợ săn”. Có trường hợp khi lực lượng mỏng, các anh trong đội quyết định lộ diện để “dằn mặt” không cho các xe đổ chất thải xuống.
Nại Hiên Đông là địa bàn có nhiều khu đất trống với diện tích rất lớn. Nhiều năm qua, người dân địa phương kêu trời vì ngoài rác thải các loại, không biết từ đâu hàng trăm tấn xà bần cứ thế dồn về. Xà bần trở thành vấn nạn làm đau đầu chính quyền địa phương. Cán bộ của phường ra quân xử lý, vài bữa sau xà bần lại xuất hiện. Không chịu bó tay trước thực trạng này, UBND phường họp bàn và lập “biệt đội” tìm diệt xà bần với biên chế 4 thành viên thuộc Ban bảo vệ dân phố. Đội không chỉ tuần tra theo chức năng mà còn triển khai các biện pháp nghiệp vụ để bắt quả tang xe đổ trộm.
Hồi đầu mới thành lập còn non kinh nghiệm, có lần cả đội đi ăn trưa thì vô tình phát hiện chiếc xe tải rê lốp trên đường. Hai thành viên phóng xe máy bám đuôi, 2 thành viên còn lại tách ra để theo dõi từ hướng khác, “vây ráp”. Thế nhưng, chạy một hồi khá lâu, chiếc xe tải đã rời đi. “Vì qua gương chiếu hậu, tài xế phát hiện có người theo dõi. Vui nhất là đội quân đổ trộm này đã bắt đầu biết sợ lực lượng chúng tôi”, thành viên Huỳnh Văn Thành nói.
Thức đêm và mật phục trong bụi rậm
Đối mặt hiểm nguy
Nhiều tháng đội đã đấu tranh, xử lý không biết bao vụ việc. Thậm chí có nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. “Nói là “biết sợ chúng tôi” vì khi phát hiện, các xe tải không dám nâng ben. Nhưng khi bị bắt quả tang, nhiều kẻ chống trả quyết liệt”, thành viên Hoàng Văn Bình tiếp chuyện.
Đã có trường hợp thành viên trong đội suýt bỏ mạng vì xe tải đổ xà bần xong liền đạp ga tông thẳng hòng tẩu thoát. Đó là buổi chiều giữa tháng 8, khi đội phát hiện một chiếc xe tải vừa đổ khoảng 4 khối xà bần xuống một khu đất trống. Sau khi chụp ảnh, quay clip xong, đội bất ngờ lộ diện. Tài xế lúc này biết đã bị bắt quả tang. Dù vậy, người này vẫn không chịu xuống xe mà liên tục đạp ga, phanh gấp đe dọa cả đội. Các anh nhanh trí cho xe máy chắn ngang trước đầu xe tải rồi gõ cửa thuyết phục. Bất ngờ, tài xế đánh lái, đạp mạnh ga. Số thành viên đứng trước đầu xe nhanh chân tránh được. Trong khi đó, chiếc xe máy của anh Hoàng Văn Bình bị cán vỡ. Tài xế cho xe thẳng ra hướng đường Trần Hưng Đạo để chạy trốn. “Lúc này vào giờ tan tầm, xe cộ đông đúc nên chúng tôi không đuổi, mà chuyển hình ảnh đề nghị Công an Q.Sơn Trà xử lý”, anh Bình nhớ lại.

Mùa hè vừa qua, nắng nóng lè lưỡi, khi mọi người ngồi trong nhà thì chúng tôi ngồi ngoài trời để mật phục. Nếu mình cũng trốn nóng thì làm sao tóm được kẻ đổ trộm?

Anh Nguyễn Đức Minh

Thường trực tiếp xuống hiện trường xử lý các vụ việc vào giữa khuya, ông Hồ Tấn Phước, Phó chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông, đã 2 lần bị xe tải lao thẳng vào. May mắn cả hai vụ ông đều tránh được nhưng xe máy thì hư hỏng. “Trường hợp chỉ một mình tài xế thì họ chấp hành, nhưng có 2 người trên xe trở lên thì họ rất manh động. Chúng tôi phải luôn trong tâm thế chuẩn bị để né tránh những cú phóng xe đầy nguy hiểm”, ông Phước nói.
Khi mới thành lập, đội phải mất nhiều thời gian mật phục để nắm được quy luật hoạt động của kẻ đổ trộm. Suốt ngày các anh bám lấy những lùm cây, bụi rậm ở khu đất trống làm “đại bản doanh”. Không ngày nào là không vất vả. “Mùa hè vừa qua, nắng nóng lè lưỡi, khi mọi người ngồi trong nhà thì chúng tôi ngồi ngoài trời để mật phục. Nếu mình cũng trốn nóng thì làm sao tóm được kẻ đổ trộm?”, thành viên Nguyễn Đức Minh nói.
“Ăn bờ ngủ bụi”
Ăn bờ, ngủ bụi
Đội quân đổ trộm xà bần thường “nhả hàng” vào những ngày nghỉ, ngày lễ hoặc lúc nắng gắt, mưa tầm tã. Khung giờ ưa chuộng thường ở thời điểm 1 - 5 giờ sáng. Nắm được quy luật này, các “thợ săn” lúc nào cũng sẵn sàng, túc trực để bắt quả tang. “Anh em thường nói đùa: chúng ta ăn bờ, ngủ bụi đúng nghĩa. Vì mỗi ngày núp lùm, ăn cơm trong bụi rậm dễ đến cũng chục tiếng đồng hồ”, anh Minh cười.
Không được hưởng thêm đồng phụ cấp nào, lại đối diện nguy hiểm, các “thợ săn” vẫn có có nguồn động viên phía sau, đó là tinh thần tập thể. Khi phát hiện có vụ đổ trộm, các lực lượng khác của phường cũng lập tức có mặt khiến các anh vững tin hơn. “Nhiệm vụ của đội là phát hiện, bắt quả tang, sau đó điện báo cho công an, quân sự đến hỗ trợ trật tự. Tiếp đó, cán bộ quy tắc đô thị sẽ đến lập biên bản, giữ giấy tờ để xử phạt hành chính”, ông Hồ Tấn Phước giải thích thêm về “quy trình”.
Các “thợ săn” bắt quả tang xe tải đổ trộm xà bần. Ảnh: S.X
Ông Phước cũng biết rõ nhóm “thợ săn” luôn phải đối diện với những kẻ liều lĩnh. Ngày mưa tháng gió vẫn phải phơi mình phục kích. “Đó là những sự hy sinh thầm lặng, chứ nói về kinh tế thì các anh chẳng có gì để phải sốt sắng. Mỗi trường hợp phát hiện, các anh được thưởng 2 triệu đồng, nhưng chia đều cho nhóm 4 người thì cũng chẳng thấm tháp gì so với công sức đã bỏ ra”, ông Phước nói.
Đôi mắt người phụ trách đội Nguyễn Văn Cước thâm quầng vì thức đêm quá nhiều. Nhưng thành viên già nhất đội này chưa bỏ trực chiến buổi nào. “Nhờ hoạt động liên tục mà số vụ đổ trộm giảm dần, người dân rất phấn khởi. Cứ nhận được một lời khen là chúng tôi lại thêm động lực làm việc”, ông Cước trải lòng.
Chia tay tôi lúc nhá nhem tối, các anh qua quýt hộp cơm rồi nhanh chóng chia nhau ra các góc. Giữa bãi đất trống lặng như tờ, tiếng muỗi vo ve, bóng các “thợ săn” khuất dần vào bụi rậm...
Nghiên cứu thưởng “nóng” cho người báo tin

Ông Hồ Tấn Phước cho biết để ngăn chặn hiệu quả tình trạng đổ trộm xà bần, UBND P.Nại Hiên Đông đang nghiên cứu quy định thưởng “nóng” cho người dân báo tin cho ngành chức năng, với mức từ 200.000 - 500.000 đồng tùy trường hợp.

Tại TP.Đà Nẵng, nạn đổ trộm xà bần tại P.Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) cũng diễn biến phức tạp do khu vực này rộng đến 1.200 ha nhưng dân cư thưa thớt. Để tiếp sức cho đội săn xà bần, đích thân chủ tịch, bí thư phường cũng thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý.

Hoàng Sơn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".