Dốc núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Xiu ngồi vắt vẻo trên sân thượng nhìn xuống heo hút dốc núi. Mấy ngày nay trời không có một cơn gió nào, cây cối lặng thinh như tranh vẽ. Đây là một mùa hè kinh dị, mọi thứ như đều muốn tan chảy dưới cái nóng khủng khiếp đang dội thẳng xuống đây.

Vạn vật có lẽ đều ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra với trái đất này. Núi Tam cao hơn nghìn mét so với mực nước biển, từng có khí hậu mát mẻ, quanh năm sương mù bao phủ, là điểm đến nghỉ dưỡng của khách thập phương. Vậy mà năm nay cái nóng hầm hập khiến núi cũng bạc đầu.

Con người lúc thụt vào trong bốn bức tường tránh nóng, lúc lại muốn ngoi lên đỉnh trời để thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt này. Có đêm Xiu đứng trên sân thượng chỉ mong cơn gió nào đó đến cuốn mình đi.

Bạc tỉnh giấc giữa đêm nhìn xung quanh không thấy người tình, nghĩ chắc Xiu đi dạo đâu đó bên ngoài nên lại nằm ngủ tiếp. Bạc chưa bao giờ nghĩ đến việc Xiu sẽ rời khỏi núi Tam bất ngờ như cách mà cô đến. Bạc đinh ninh rằng ở đây mà không sống được thì còn nơi tốt đẹp nào khác để đi?


 

 



- Anh cả đời chưa ra khỏi núi Tam sao biết không còn nơi nào khác?

- Bố anh từng lang bạt mấy chục năm trời, cuối cùng cũng trở về nơi này đấy thôi. Ông từng nói không có nơi nào đáng sống bằng đây cả.

- Đơn giản bởi vì đây là nơi chôn rau cắt rốn của ông ấy. Con người ta bao giờ cũng vậy, dù đi bất cứ đâu thì đến cuối đời cũng tìm về nơi chốn mình đã được sinh ra. Còn em, em là kẻ không có quê hương.

Xiu không biết mình được sinh ra ở đâu. Lúc Xiu có ý thức nhận biết xung quanh đã thấy mình lang bạt đầu đường xó chợ. Xiu nghĩ chắc là bố mẹ đã bỏ rơi mình. Giống như cách nhiều bà mẹ trẻ vứt con trong thùng rác, bụi cây, cổng chùa hay vệ cỏ ven đường.

Mỗi lần xem những bức ảnh xé lòng hay đọc được tin tức nào đó về một đứa bé bị bỏ rơi Xiu hay lấy đó nặn lên số phận của mình. Có đôi khi Xiu không biết những gì hiện ra trong đầu mình là ký ức đang sống lại hay đơn giản chỉ là mường tượng.

Xiu là kẻ dễ dàng nhầm lẫn giữa những khái niệm. Nên nhiều lúc Xiu hay tự hỏi tình cảm mà mình dành cho Bạc liệu có phải là tình yêu? Nếu không là tình yêu thì là gì mà níu giữ Xiu mười năm tuổi trẻ.

Từ lúc Xiu còn là cô bé gầy nhẳng, đen đúa và có chút ngông cuồng cho đến khi bước qua tuổi ba mươi mọi thứ đều đằm lại. Bạc không bao giờ nghĩ người đàn bà ba mươi tuổi ấy đang nhen nhóm ý định rời bỏ nơi này.

- Chẳng hiểu tại sao năm nay ở đây bỗng nóng điên rồ như vậy?

- Nghe nói bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thời tiết sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn.

- Đến một ngày nào đó chúng ta sẽ bị thiêu đốt đúng không?

- Anh cũng không biết nữa. Dạo này công việc liên tục gặp sự cố, anh mệt mỏi quá chẳng còn nghĩ ngợi được gì.

- Có phải em là gánh nặng của anh không?

- Em nói gì thế. May mà có em, nếu không anh chẳng biết phải đi qua mỗi ngày bằng cách nào. Hay là… tụi mình đến bệnh viện nhờ y học can thiệp để có con đi.

Hình như Xiu không nghe thấy những lời Bạc nói. Xiu vẫn thường ngủ quên giữa chừng câu chuyện, thường là vào lúc Bạc định nói điều gì quan trọng. Mười năm kể từ ngày Xiu dạt về núi Tam rồi ở lại trong nhà của Bạc, không có một đám cưới nào diễn ra.

Những chiếc váy Xiu phơi ở trước nhà cứ bạc màu dần. Tóc bao lần nuôi dài lại cắt. Khóe mắt có nếp nhăn cũng không làm Xiu hoảng hốt bằng một hôm tụi trẻ con hàng xóm bới được trên đầu cô vài sợi tóc trắng.

Đêm đó lúc nằm gối đầu lên cánh tay Bạc, Xiu nói: “Hình như em già mất rồi”. Chợt Xiu cảm thấy ngột ngạt trong vòng tay Bạc. Giờ này Xiu chỉ muốn trầm mình xuống dòng sông nào đó mải miết bơi.

Như lúc nhỏ, khi còn sống ở một xó chợ ven sông những ngày gió nóng Xiu cũng nhảy xuống sông như thế. Nhờ dòng chảy của sông mà Xiu nghĩ đến dòng đời và những vùng đất lạ. Mười năm trước trôi dạt đến núi Tam ngả vào cuộc đời người đàn ông tên Bạc, Xiu đã nghĩ mình may mắn khi tìm thấy miền đất hứa ngay từ khi còn trẻ.

Vậy mà gần đây Xiu lại thấy ý nghĩ sẽ rời bỏ nơi này nhen nhóm trong đầu. Có phải vì năm nay núi Tam bỗng nhiên nóng như thiêu đốt? Hay vì Xiu thấy nơi này chẳng có gì giằng níu mình nữa? Xiu nhắm mắt lại, chừng như có một cơn lũ ập đến cuốn mình đi.

Những lúc ngột ngạt Xiu hay lên sân thượng nhìn ra bốn bề rừng núi. Đèn đường hiu hắt không bóng người qua lại. Vào thời điểm này những năm trước khách du lịch kéo đến rất đông.

Họ lấp đầy mọi ngõ ngách núi Tam bằng trí tò mò, sự háo hức và chút ngông cuồng. Xiu bận rộn với họ mỗi ngày đến nỗi không có thời gian để nghĩ ngợi linh tinh. Họ đến thuê hết những căn phòng trong nhà, ríu rít nói cười, vào ra nhộn nhịp. Xiu dọn phòng, giặt giũ, đi chợ mua đồ nấu ăn ngày ba bữa cho từng ấy con người. Họ cởi mở và hào phóng. Thỉnh thoảng có người khen Xiu đẹp. Có người cho Xiu ít tiền.

Có người dúi cho chiếc cặp tóc đính đá lấp lánh, vòng đeo tay bằng gỗ trầm hương. Có đứa nhỏ bắt Xiu ngồi yên ngoài thềm để nó tết tóc cho. Những ngón tay bé xinh chạm vào chân tóc khiến Xiu thấy lòng mình mềm êm dịu dàng quá đỗi. Xiu nhớ lúc nhỏ tóc mình luôn cắt ngắn, mấy bà bán hàng ở chợ không thích thuê đứa nào đầu tóc rũ rượi dài lượt thượt bưng bê.

Sau này khi quyết định nuôi tóc dài Xiu học mãi cách tự mình tết tóc. Năm mười hai tuổi, một hôm vì quá đói lỡ ăn vụng cái bánh rán mà Xiu bị người ta dồn đuổi túm lấy bím tóc buộc vào cột chợ. Có thằng bạn cùng cảnh cầu bất cầu bơ đã cứu Xiu bằng cách cầm con dao xẻo ngay bím tóc.

Xiu cầm bím tóc thả xuống sông, nức nở nhìn theo chiếc nơ màu hồng từng nhặt được ở bãi rác cuối chợ trôi theo dòng nước. Sau này khi lưu lạc đến núi Tam trong một cơn mưa, Xiu nằm co ro ở quán nhỏ ven đường.

Được Bạc đưa về cưu mang bằng bữa cơm đạm bạc và thau nước gội đầu thơm mùi hoa bưởi. Cũng chỉ vì thương cái dáng người đàn ông lụi cụi nấu nước, gội đầu, sấy tóc mà Xiu thấy mình nợ ân tình nên ở lại nơi này.

Đám khách du lịch hay vô tình rót vào lòng Xiu những vùng trời mờ ảo. Xiu luôn nghĩ vì mình đến nơi này quá sớm và dừng lại quá lâu nên đánh mất cơ hội đến vùng đất khác.

Nghe những người đàn bà nói với nhau về váy vóc, phấn son, một bãi biển đẹp, một vùng sơn cước, phố cổ mơ màng, quán xá lô xô. Đàn ông nói với nhau về đàn bà đẹp. Tụi nhỏ kể vài câu chuyện cổ tích mà ấu thơ đầu đường xó chợ Xiu chưa từng được nghe. Nhờ họ mà Xiu thấy cuộc đời mới mẻ. Nên năm nào Xiu cũng chờ mùa hè, cái nóng nực ở đâu đó đẩy khách về với núi Tam.

Họ sẽ bước qua cánh cổng kia hỏi Xiu giá tiền phòng? Ở đây có giặt đồ thuê? Có sẵn rượu bán không, tụi này thèm nhậu? Vài người trong số họ hỏi Xiu đến từ đâu mà có vẻ đẹp lạ lùng. Lạ lùng là thế nào? Nếu diễn tả được nó thế nào thì đâu còn gì lạ nữa. Câu nói của người dưng cũng có thể khiến Xiu đủ vui đi qua những tháng ngày buồn tẻ. Vậy mà năm nay núi Tam thưa bóng người.

Xiu mang bộ váy hoa được một khách nữ tặng vào mùa hè năm ngoái ra để mặc. Xiu xịt nước hoa của người dưng tặng. Cài trên đầu chiếc cặp tóc đính đá từng được một vị khách dúi cho. Tất cả họ đều hứa sẽ quay trở lại trong mùa hè năm nay. Nhưng cái nắng xứ này khiến họ quên mất Xiu rồi. Xiu quẩn quanh ở nhà nghĩ một ngày nào đó mình cũng sẽ bốc hơi trong cơn nóng.

Buổi tối núi Tam chỉ thấy vài ô cửa sáng đèn, tiếng nói cười nhốt kín bưng trong căn phòng máy lạnh. Xiu bị viêm họng mãn tính, chỉ cần ngồi điều hòa một lúc là cổ ngứa điên. Giữa đêm nằm cạnh Bạc mà Xiu rít lên từng cơn trong cổ. Tiếng rít đến chính Xiu nghe còn thấy sợ.

Nửa đêm thức giấc Xiu thấy mình hệt con thú hoang lạc lõng. Những lúc ấy Xiu thường tự hỏi thật ra là mình đến từ đâu? Nơi nào mới thuộc về mình? Tự nhiên Xiu nghĩ mảnh đất này có lẽ không muốn níu mình lại nữa rồi. Nếu không chắc đã gieo vào cung lòng Xiu một mầm sống như những người đàn bà khác. Hay là tại Xiu chưa bao giờ khao khát cũng chưa từng yêu Bạc đến tận cùng?

Đêm đó, cái nóng phả vào bốn bức tường. Hầm hập. Giường phản nóng ran chẳng khác gì lò nướng. Bạc nằm ngáy vang nhà. Xiu trèo lên sân thượng ngửa cổ lên trời tìm không thấy cơn gió nào thổi đến. Cái ý nghĩ phải biến mất khỏi nơi này chưa bao giờ nhức nhối trong tâm trí Xiu đến vậy. Xiu cúi xuống đột nhiên thấy phía dưới là dòng sông trong vắt chảy qua. Xiu với tay, rướn người khát khao chạm vào dòng nước mát lành.

Xiu có gặp dòng sông mát lành hay không đâu ai biết. Mà thật ra Xiu đã rời bỏ nơi này hay mãi mãi ở lại đây đến Bạc còn không hiểu nổi.

 

Theo VŨ THỊ HUYỀN TRANG (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.