(GLO)- Lần đầu tiên tổ chức và các sản phẩm tham gia dự thi chưa nhiều, song “Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2012” đã khuyến khích khả năng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo của phụ nữ trong toàn tỉnh trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội, giáo dục, khoa học-công nghệ, văn học nghệ thuật... để tạo nên những sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống và mang lại hiệu quả kinh tế.
Một trong ba sản phẩm nhận được sự đánh giá cao của Ban tổ chức trong cuộc thi “Ngày phụ nữ sáng tạo” chính là bức tranh gạo mang biểu tượng nhà rông truyền thống của người Tây Nguyên do cán bộ, hội viên phụ nữ Hội Liên hiệp phụ nữ (Hội LHPN) huyện Chư Pưh thực hiện. Với chất liệu chính là hạt gạo, các chị đã tạo ra bức tranh độc đáo và vô cùng đặc sắc.
Chị Thanh Hằng đang thực hiện bức tranh gạo. Ảnh: Phương Dung |
Giải thích cho việc lựa chọn biểu tượng nhà rông trong bức tranh gạo của mình, chị Mai Thị Thanh Hằng- Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pưh, cho rằng: Nhà rông là nơi khí thiêng của đất trời tụ lại để bảo trợ cho dân làng và trong mỗi nhà rông đều có một nơi thiêng để thờ các vật thiêng, nhiều khi chỉ là con dao, hòn đá, chiếc sừng trâu… Và, người ta thường đánh giá sự hùng mạnh, trù phú của một làng Tây Nguyên qua nhà rông.
Cũng theo chị Thanh Hằng, để có một bức tranh gạo đẹp, bền thì trước hết phải chọn những hạt gạo đều và chắc. Kế đến là công đoạn tạo màu hạt gạo bằng xử lý nhiệt và vẽ phác hoạ tranh lên nền gỗ hoặc giấy bìa để làm nền, sau đó sắp xếp từng hạt gạo lên khung để tạo hình-đây là công đoạn phức tạp đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo, tỉ mỉ để tạo sự hòa hợp giữa các phần của bức tranh…Bức tranh hoàn chỉnh không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn có tính ứng dụng và mang lại hiệu quả kinh tế khi mang ra thị trường.
32 sản phẩm tham gia dự thi lần này khá phong phú và đa dạng với nhiều lĩnh vực: 20 sản phẩm thuộc lĩnh vực kinh tế, 10 sản phẩm thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 1 sản phẩm khoa học-công nghệ và 1 sản phẩm văn học nghệ thuật. Đặc biệt, có một số sản phẩm thủ công hết sức sáng tạo bằng cách các chị đã tận dụng những nguyên vật liệu phế phẩm: bìa giấy, cát tông, chai lọ, hộp sữa, lon bia… và “biến hóa” thành những món đồ chơi ngộ nghĩnh, dễ thương, lôi cuốn sự tò mò, tính thích khám phá của trẻ, như: lẵng hoa, con chim, đoàn tàu, cái trống hay các ký hiệu giao thông…
Sản phẩm ngôi nhà ước mơ của Trường Mầm non xã Ia Pia, huyện Chư Prông. Ảnh: Phương Dung |
Riêng mô hình sa bàn Lăng Bác Hồ và ngôi nhà mơ ước của tập thể nữ giáo viên trường mầm non Họa Mi (xã Ia Pia-huyện Chư Prông) cũng được Ban tổ chức đánh giá cao vì tính ứng dụng thực tế của sản phẩm. Từ những chai nước rửa chén, lon bia, lon nước ngọt, vỏ hộp bánh, tre, gỗ…, dưới đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của tập thể nữ giáo viên trong trường, họ đã tạo nên những đồ dùng thiết thực, phục vụ công tác giảng dạy cho các cháu mầm non.
Chị Triệu Thị Hằng- giáo viên trường mầm non Họa Mi, cho biết: “Mô hình sa bàn Lăng Bác Hồ sẽ được đưa vào góc văn hóa để trẻ có thể dạo chơi, tham quan ngôi nhà sàn, khu vườn của Bác và hướng trẻ đến những góc nhìn trực quan, sinh động hơn. Hơn nữa, khi trẻ được quan sát, được trực tiếp khám phá thì khả năng ghi nhớ sẽ tốt hơn đồng thời giáo dục cho trẻ cách sống thân thiện với môi trường ngay từ ấu thơ”.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều sản phẩm khác trong lĩnh vực giáo dục như: đồ dùng dạy học cho lứa tuổi mầm non của chị Lê Thị Thanh Nghĩa (giáo viên trường THCS Chư Pưh); ngôi nhà mơ ước của chị Nguyện Thị Thanh Hoa (giáo viên mầm non xã Ia Boong-Chư Prông)…
Cùng với đó, các chị cũng đã sử dụng những nguyên vật liệu sẵn có như: gạo, tre, quả bầu khô… để tạo ra các sản phẩm độc đáo như chuông gió con hạc, chuông gió quả bầu, đàn T’rưng (chi hội phụ nữ làng Chúet-Phường Thắng lợi-TP. Pleiku); chiếc gùi của phụ nữ xã An Phú (TP. Pleiku)… những sản phẩm này không chỉ dùng trong trang trí nhà cửa, làm quà tặng mà còn có thể bán ra thị trường, góp phần tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ.
Ngoài ra, các chị còn mang chính những sản phẩm do gia đình mình làm ra để tham gia “Ngày phụ nữ sáng tạo”, như: Bức tranh thêu của chị Phan Thanh Tâm (Hội LHPN phường Ia Kring-TP. Pleiku); men rượu cần truyền thống của chị Ksor H’Thúy (Hội LHPN xã Ia Rbol-thị xã Ayun Pa); mật ong hoa nhãn (chi hội phụ nữ làng Chúet 1-phường Thắng Lợi-TP. Pleiku); hay những hạt cà phê, hồ tiêu, mật ong, ngô, đậu…Đặc biệt, Ban tổ chức cũng đã nhận được khá nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống, điều đó khẳng định nhiều chị em đang lưu giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đồng nghĩa với việc lưu giữ những nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
“Ngày phụ nữ sáng tạo” năm này còn có một sản phẩm văn học-nghệ thuật khá mới lạ-tác phẩm thơ của chị Nguyễn Thị Cảnh (Hội LHPN xã Cư An-huyện Đak Pơ). Với câu từ mộc mạc, dễ đọc-sản phẩm thơ trở thành món ăn tinh thần, giúp tâm hồn mọi người thêm phong phú, thăng hoa. Bà Rơ Chăm H’Hồng-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, nhấn mạnh: “Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2012” đã khích lệ chị em thể hiện tính sáng tạo, phát hiện, tìm tòi, nghiên cứu nhằm tạo ra những sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Đây cũng là dịp để chị em phụ nữ có thể chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo và tôn vinh các phụ nữ điển hình sáng tạo trên các lĩnh vực.
Phương Dung