Diện tích rừng công ty trồng ở huyện Tu Mơ Rông nằm ngoài diện tích UBND tỉnh cho thuê |
Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam (sau này đổi tên thành Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam, gọi tắt là công ty) thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu giấy trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo quyết định số 1070/QĐ-TTg ngày 20-8-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án khả thi đầu tư xây dựng vùng rừng nguyên liệu giấy Kon Tum giai đoạn 2000-2010.
Thời điểm từ năm 2000 đến năm 2004, công ty này được UBND tỉnh Kon Tum giới thiệu và tạm giao đất để trồng rừng. Công ty đã tổ chức trồng rừng ở các huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei, Đắk Tô, Đắk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy. Sau các lần thu hồi, diện tích công ty này quản lý, sử dụng tính đến cuối năm 2016 là hơn 9.900ha, trong đó diện tích rừng thông trồng là hơn 7.200ha, diện tích rừng trồng keo và cây phân tán là hơn 355ha, còn lại là đất ven khe, đất chưa trồng rừng với diện tích hơn 2.300ha.
Công ty trồng rừng ngoài diện tích cho thuê ở huyện Tu Mơ Rông |
Tuy nhiên, trong diện tích rừng thông đã trồng, có nhiều vị trí nằm ngoài diện tích mà UBND tỉnh Kon Tum giao, cho thuê đất và công ty đang làm thủ tục thuê đất bổ sung trên diện tích công ty trồng lệch ra ngoài.
Đơn cử, như tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, công ty này thuê bổ sung hơn 111ha đất. Theo Phòng TN-MT huyện Kon Rẫy, đây là diện tích đất công ty đã trồng thông từ khoảng năm 2004, nhưng nằm ngoài diện tích đất mà UBND tỉnh cho thuê.
Tương tự, tại huyện Tu Mơ Rông, diện tích công ty này đang làm thủ tục thuê đất bổ sung là hơn 378ha.
Ông Trần Thanh Hiếu, Trưởng Phòng TN-MT huyện Tu Mơ Rông cho biết, 378ha nói trên được công ty trồng thông từ giai đoạn 2000-2004. Tuy nhiên, diện tích này hiện tại thuộc UBND các xã Đắk Hà, Đắk Na, Đắk Sao và Văn Xuôi (huyện Tu Mơ Rông) quản lý, nằm ngoài diện tích UBND tỉnh giao, cho thuê.
Diện tích thông trồng ngoài diện tích cho thuê ở Tu Mơ Rông |
Theo ông Hiếu, ông biết công ty trồng rừng bị lệch ra ngoài diện tích cho thuê từ năm 2020, khi công ty đề nghị thuê bổ sung, đồng thời trả lại một phần đất do công ty quản lý nhưng chưa trồng rừng. Phần đất công ty trả về địa phương đa số là đất hợp thủy, khe suối, diện tích không tập trung, đồi cao. Còn vị trí công ty trồng lệch ra đất của các xã quản lý là vị trí đất thuận lợi.
Ông Hiếu cho biết thêm, huyện đang rà soát diện tích đất do UBND xã quản lý để quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế xã hội, trồng rừng, hỗ trợ đất cho người dân đồng bào thiếu đất. Do đó, đề xuất thuê đất bổ sung của công ty, huyện đang xem xét, cân nhắc.