(GLO)- Trong phiên làm việc chiều 20-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận tại tổ nhằm đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn chủ trì tổ thảo luận tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia kỳ họp thứ 2 tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn |
Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến vào 2 dự án Luật trên. Phát biểu đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn cho rằng: Việc thi hành Luật Thống kê năm 2015 đóng vai trò quan trọng, tích cực của công tác thống kê và số liệu thống kê góp phần giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, thực hiện, kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết nhiều vấn đề mới đặt ra trong đời sống kinh tế-xã hội đất nước, nhất là trong công tác hoạch định chính sách trung hạn và dài hạn, xây dựng các chiến lược phát triển. Hiện nay, Luật vẫn còn một số hạn chế, do đó việc sửa đổi là cần thiết.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn tham gia góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Ảnh: Quang Tấn |
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị: “Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều đang được 2 cơ quan là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (chỉ tiêu thống kê ngành) và Tổng cục Thống kê (chỉ tiêu thống kê quốc gia) cùng thực hiện và cho các kết quả khác nhau. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thông tin, làm rõ việc tiếp tục có nên giao 2 cơ quan cùng thực hiện đo lường nghèo đa chiều không? đã đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp, không chồng chéo tại điểm c khoản 1 Điều 5 Luật Thống kê 2015 chưa? Về mức sống tối thiểu, qua theo dõi, tôi thấy rất nhiều văn bản của Đảng, các cơ quan Nhà nước đều sử dụng khái niệm này. Đây là chỉ tiêu rất quan trọng, làm cơ sở để hoạch định các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về kinh tế-xã hội, nhất là chính sách tiền lương, an sinh xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, giảm nghèo… Tuy nhiên, hiện chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào chịu trách nhiệm công bố chỉ tiêu này trong nhiều năm qua. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu này vào Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia và giao Tổng cục Thống kê chủ trì thu thập thông tin”.
Đại biểu Rơ Châm H’Phik-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh tham gia góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Ảnh: Quang Tấn |
Tham gia đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Rơ Châm H’Phik-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh cho rằng, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định về xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Theo đại biểu Rơ Châm H'Phik, người làm chứng là người tham gia tố tụng được quy định tại khoản 12, Điều 55 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015. Khi tiến hành tố tụng có người làm chứng là người dưới 18 tuổi bắt buộc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tuân thủ các quy định về thủ tục đặc biệt của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nhưng trong thực tiễn không phải mọi trường hợp đều có thể xác định một cách rõ ràng, chính xác tuổi của người làm chứng dưới 18 tuổi. Như giấy khai sinh chỉ ghi năm sinh hoặc có trường hợp không có giấy khai sinh, hoặc bị thất lạc giấy khai sinh và giấy tờ tùy thân khác… “Do đó, cơ quan tiến hành tố tụng không thể xác định được người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định về xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi tại Điều 417 mà không có quy định về xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Cần xem xét, bổ sung quy định này”-đại biểu Rơ Châm H’Phik để nghị.
Đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia ý kiến trong phiên làm việc chiều 20-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV. Ảnh: Quang Tấn |
Tương tự, đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-nêu: Quy định cụ thể thời hạn Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an chuyển tố giác, tin báo về tội phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong Bộ luật Tố tụng hình sự cần phải được quy định rõ. Mặc dù thời hạn này đã được quy định trong Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29-12-2017 của Liên ngành Trung ương. Do đó, đề xuất bổ sung vào khoản 1 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự như sau: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời gian không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận; đối với các xã ở vùng rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Trên cơ sở thảo luận tại tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai sẽ tổng hợp các ý kiến để gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
QUANG TẤN