DLG tập trung đầu tư các lĩnh vực ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 10 năm trở trước, nhắc đến DLG, mọi người nghĩ ngay đến doanh nghiệp ngành gỗ trong top 1 của Việt Nam thì những năm trở lại đây, cái tên DLG lại gắn với  biệt danh “ông trùm BOT” sở hữu đến 4 trạm thu phí tại Tây Nguyên. Nhiều lĩnh vực bao gồm sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng, bất động sản… cũng làm nên tên tuổi DLG trên thương trường.
Mạnh dạn chuyển hướng đầu tư
Khởi nguồn từ ngành gỗ và nhanh chóng trở thành Công ty có tiếng trong lĩnh vực này, cung cấp cả hàng nội thất lẫn đồ gỗ ngoại thất với chất liệu đa dạng, mẫu mã phong phú. Các sản phẩm của DLG được phân phối cả trong và ngoài nước, một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật, Mỹ…Bởi vậy, sản xuất và chế biến gỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của DLG những năm đầu thành lập. Thậm chí, khi đã phát triển theo hướng đa ngành, doanh thu từ gỗ vẫn luôn chiếm tỷ trọng tương đối lớn. 
Tuy nhiên, ngay vào thời điểm ngành gỗ bắt đầu loay hoay với bài toán nguyên liệu, lãi suất vay vốn, chi phí đầu vào gia tăng…, hoạt động xuất khẩu gỗ suy giảm do vấp phải cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, DLG quyết định bứt phá, chuyển hướng đầu tư tập trung sang các lĩnh vực tiềm năng hơn.
Thành công nhất trong các lĩnh vực này phải kể đến BOT- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Ở lĩnh vực này, DLG nhanh chóng chứng minh bản lĩnh và năng lực của một doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm với đội ngũ chuyên môn kỹ thuật cao khi được giao đầu tư xây dựng gần 150Km trên tuyến đường huyết mạch quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên). Các dự án của DLG sau khi hoàn thành được ví như “những dải lụa vắt qua đại ngàn”. Đến nay, sau nhiều năm hoàn thành và đưa vào sử dụng, các dự án của DLG vẫn được đánh giá là chất lượng bậc nhất hiện nay. Với 4 trạm thu phí, DLG thu về trên 700 tỷ đồng mỗi năm.
Sản xuất linh kiện điện tử luôn chiếm tỷ trọng không dưới 40% trong cơ cấu doanh thu của DLG. Ảnh: Mai Tiên
Sản xuất linh kiện điện tử luôn chiếm tỷ trọng không dưới 40% trong cơ cấu doanh thu của DLG. Ảnh: Mai Tiên
Cùng với đó, DLG gây được tiếng vang lớn khi công bố sở hữu Công ty sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử Mass Noble có trụ sở tại Hồng Kông. Đây được xem là thương vụ hiếm hoi liên quan đến một Công ty trong nước mua doanh nghiệp ngoại thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu-mua bán sáp nhập (M&A). DLG tiếp tục gây chú ý khi liên tiếp mua lại công ty Hanbit (Hàn Quốc), Nhà máy điện tử Quality Systems Integrated Corporation (QSIC) của Mỹ đặt tại Khu Công nghệ cao Quận 9, TP. HCM. Thông qua các thương vụ M & A này, bên cạnh việc gia tăng doanh thu, lợi nhuận, DLG nhanh chóng khẳng định thương hiệu, vị thế của mình trên thương trường quốc tế ở lĩnh vực mới mẻ này. Tính đến thời điểm hiện nay, sản xuất linh kiện điện tử luôn chiếm tỷ trọng không dưới 40% trong cơ cấu doanh thu của DLG. 
Trải qua nhiều lần tái cấu trúc doanh nghiệp, đến nay, DLG đã gây dựng được tên tuổi, thương hiệu của mình trên nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, năng lượng, nông nghiệp, đầu tư xây dựng bến xe, dịch vụ bảo vệ-vệ sĩ, khai thác và chế biến khoáng sản…
Tập trung các lĩnh vực mũi nhọn
Bàn về chiến lược giai đoạn tới của DLG, đại diện lãnh đạo DLG chia sẻ:“Là người làm kinh doanh, chúng tôi xác định, lĩnh vực nào chiếm ưu thế vượt trội, phát huy được thế mạnh, ghi nhận doanh thu lợi nhuận tốt, DLG sẽ tập trung đầu tư”. Theo đó, giai đoạn 2019-2023, DLG sẽ tập trung đầu tư 3 lĩnh vực trọng yếu: Bất động sản, Năng lượng và Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. 
Ở lĩnh vực Bất động sản, DLG hướng đến mục tiêu đầu tư nhà ở, khu nghỉ dưỡng. Lãnh đạo DLG cho biết, sở dĩ lựa chọn phân khúc này vì hiện nay, cùng với xu hướng phát triển không ngừng của nền kinh tế, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang ngày một gia tăng, kéo theo nhu cầu về căn hộ, nhà ở và bất động sản nói chung đều tăng lên. Thêm vào đó, Việt Nam hiện đang đón dòng khách quốc tế gia tăng mỗi năm, chỉ tính riêng năm 2018 đạt 15,5 triệu lượt khách, 80 triệu lượt khách nội địa. Tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào thị trường nhà ở trung bình từ 20 đến 30%, có những trường hợp lên đến 50%. Hiện tại, DLG đang tập trung đầu tư tại thị trường TP.HCM. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đăk Nông và Gia Lai.
Đẩy mạnh việc thi công dự án thủy điện Tân Thượng (Lâm Đồng) để sớm đưa vào vận hành . Ảnh: Mai Tiên
Đẩy mạnh việc thi công dự án thủy điện Tân Thượng (Lâm Đồng) để sớm đưa vào vận hành . Ảnh: Mai Tiên
Trên lĩnh vực năng lượng, ngoài hoạt động đầu tư xây dựng thủy điện với hàng loạt dự án đã đi vào vận hành hoặc đang đầu tư xây dựng như thủy điện Đăk Pô Cô (Kon Tum), thủy điện Tà Nung và thủy điện Tân Thượng (Lâm Đồng)…, DLG đang tập trung phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đăk Nông…
Tham gia vào lĩnh vực điện gió, điện mặt trời ở thời điểm hiện tại có rất nhiều lợi thế. Chi phí đầu tư năng lượng tái tạo đang giảm từ 9-12%/ năm và sẽ còn rẻ hơn nữa. Trong khi đó, đầu năm 2014, Chính phủ đã điều chỉnh giá bán điện mặt trời tăng lên mức 9,35 cent/kWh. Việc này cùng với các chính sách hỗ trợ khác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Vị lãnh đạo này khẳng định, ngoài vấn đề lợi nhuận, Tập đoàn hướng đến mục tiêu phát triển nguồn năng lượng bền vững, bảo vệ môi trường trong giai đoạn vấn đề giảm thiểu ô nhiễm đang trở nên hết sức cấp bách. 
Trong 3 lĩnh vực được DLG chọn làm mũi nhọn cho chiến lược 5 năm, đầu tư cơ sở hạ tầng là lĩnh vực DLG đã có được những thành công nhất định. Ngoài các dự án đã đi vào khai thác và ổn định như dự án BOT Gia Lai, BOT Đăk Nông, DLG hướng đến mục tiêu đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức BT, đối đất lấy hạ tầng, tập trung chủ yếu vào thị trường TP.HCM. Thông qua diện tích sở hữu được, DLG sẽ đầu tư vào các phân khúc như căn hộ, văn phòng, nhà thu nhập thấp, trung tâm thương mại và khu đô thị trong 5-10 năm tới.
Mai Tiên 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.