Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên-thông tin: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn Xe tăng 273 (nay là Lữ đoàn Tăng 273) có 2 kíp xe tăng sau này được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gồm kíp xe T59 số hiệu 377 (hiện vật đang trưng bày tại khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia) và kíp xe M41 số hiệu 021. Đây là 2 kíp xe có hiệu suất chiến đấu rất cao trong lực lượng tăng thiết giáp toàn quân.
Ngoài phục chế phiên bản, Lữ đoàn Tăng 273 còn phối hợp với Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh phục dựng mô hình xe tăng 021 để trưng bày tại Triển lãm tài liệu lưu trữ, trao trả hồ sơ cán bộ đi B, dự kiến diễn ra vào ngày 17-4 tới.

Dùng xe tăng địch đánh địch
Trao đổi với P.V, Thiếu tá Đàm Đức Nhã-Trợ lý Tuyên huấn (Phòng Chính trị Lữ đoàn Tăng 273) cho biết: Những ngày cuối tháng 3-1975, các đơn vị chủ lực Mặt trận Tây Nguyên được giao nhiệm vụ bổ sung. Đó là tiếp tục phát triển chiến đấu giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa, cùng lực lượng Quân khu 5 giải phóng Bình Định và tiến xuống đánh chiếm Nha Trang, Cam Ranh.
Đối với lực lượng xe tăng, một vấn đề khá nan giải đặt ra là xe tăng của ta đã cơ động đường dài từ miền Bắc vào, qua chiến đấu dài ngày, hệ số kỹ thuật không còn đáp ứng yêu cầu. Trước tình hình đó, Trung đoàn Xe tăng 273 được giao nhiệm vụ khẩn trương lấy trang bị của địch, huấn luyện gấp để kịp thời đánh xuống Phú Yên.
Không quá khó khăn để Đại đội tăng 9 (Tiểu đoàn 3) thu gom được hơn 40 xe M41, M48 và dồn góp lại được thành 22 chiếc xe hoàn chỉnh. Nhưng khó khăn lúc bấy giờ là cách sử dụng. Cái khó ló cái khôn, Ban Chỉ huy Đại đội đã tìm những hàng binh là lính xe tăng, thợ kỹ thuật xe tăng, động viên họ giúp lắp ráp, sửa chữa và huấn luyện sử dụng.
Không ngờ chỉ đến ngày thứ 5, cả Đại đội đã sử dụng thành thạo xe chiến lợi phẩm thu được của địch và sẵn sàng cùng Tiểu đoàn chờ đón nhiệm vụ. Đây là một lợi thế rất lớn, mở ra cho binh chủng hướng đi mới: Lấy xe địch đánh địch.
22 xe của Đại đội tăng 9 nhanh chóng tham gia vào đội hình chiến đấu của Binh đoàn tiến xuống giải phóng thị xã Tuy Hòa (Phú Yên) ngày 1-4-1975, góp phần giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung. Sau khi giải phóng Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung Trung Bộ, Trung đoàn Xe tăng 273 theo lệnh của Quân đoàn 3 nhanh chóng chấn chỉnh, bổ sung, chuẩn bị lực lượng, cùng đội hình Quân đoàn thần tốc tiến về Sài Gòn-Gia Định.
Đêm 16-4-1975, Trung đoàn được lệnh hành quân di chuyển đội hình từ Buôn Ma Thuột theo trục đường 14 tiến vào vị trí tập kết chiến dịch. Sau 7 ngày đêm hành quân, Trung đoàn đã vào tới vị trí tập kết quy định an toàn.
Trong lúc Tiểu đoàn tăng 3 cùng Sư đoàn Bộ binh 320 tiến công địch ở Đồng Dù thì cánh quân của Sư đoàn Bộ binh 10, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 3 (gồm 350 xe các loại, trong đó có 37 xe tăng thiết giáp của Tiểu đoàn tăng 1 và Tiểu đoàn tăng 2 thuộc Trung đoàn) nhanh chóng vượt qua Đồng Dù đánh chiếm bàn đạp Củ Chi, Hóc Môn, Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, sẵn sàng tiến công vào nội thành.
Đại đội tăng 9 được trang bị 4 xe chiến lợi phẩm do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng (sau này lần lượt đảm nhận các chức vụ Lữ đoàn trưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4) và Chính trị viên Huỳnh Rịch chỉ huy, dẫn đầu đội hình thọc sâu, được giao nhiệm vụ bằng mọi giá đánh chiếm được cầu Bông nếu đơn vị đặc công lót sẵn không chiếm giữ được, để mở đường cho quân ta tiến vào.
Tới đầu cầu Bông, Đại đội tăng 9 gặp đoàn xe bọc thép của địch gồm 22 xe M113 từ Hậu Nghĩa theo đường 8 rút về Sài Gòn. Lập tức, Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng cho triển khai đội hình và nổ súng, cùng bộ binh, đặc công chốt giữ cầu kẹp địch lại, tiêu diệt 11 chiếc. Riêng xe tăng số 021 của Trung đội trưởng Nguyễn Văn Hỗ đã anh dũng bắn cháy 7 chiếc. Số xe còn lại của địch nhào cả xuống ruộng lúa hai bên đường, lính địch bỏ xe chạy thoát thân.
Bà Trịnh Thị Thu Hương-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Gia Lai: Mô hình phục dựng mang đến sự sống động cho không gian buổi triển lãm, làm rõ thêm truyền thống của lực lượng tăng thiết giáp cùng những ký ức lịch sử không thể quên của dân tộc.
Bằng những thắng lợi trọn vẹn giành được, Trung đoàn Xe tăng 273 cũng như các lực lượng binh chủng hợp thành của Quân đoàn 3 đã góp phần cùng với các hướng chiến dịch đánh đổ chế độ ngụy quân, ngụy quyền tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với chiến công đặc biệt xuất sắc, ngày 16-12-2014, kíp xe 021 đã được Chủ tịch nước ký quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện vật lịch sử này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng tăng thiết giáp (Hà Nội).
Góp phần giáo dục truyền thống lịch sử
Với những ý nghĩa lịch sử đặc biệt trên, mới đây, Quân đoàn 34 đã xin chủ trương của Bộ Quốc phòng đưa 1 chiếc xe tăng M41 từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh về Gia Lai để phục chế phiên bản xe tăng M41 số hiệu 021. Sau khi hoàn thiện, hiện vật phục chế trưng bày tại khuôn viên Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên.
Gấp rút cùng các chiến sĩ Lữ đoàn Tăng 273 phục chế hiện vật bất kể sớm trưa, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Bá Ngọc (thợ sửa chữa, Đại đội sửa chữa 30, Lữ đoàn Tăng 273) cho hay: Đơn vị bắt tay thực hiện nhiệm vụ từ đầu tháng 4, phấn đấu đến ngày 26-4 hoàn thành để đưa vào phục vụ khách tham quan Bảo tàng nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Công việc của chúng tôi là gò nắn, sơn sửa, độ chế những chi tiết bị hỏng hóc…; sơn lại số hiệu của xe thành 021; làm mái che bảo quản… Là thế hệ sau, được góp một phần phục chế phiên bản hiện vật quý của lịch sử, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào”-Thiếu tá Nguyễn Bá Ngọc nói.
Giám đốc Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên Nguyễn Cảnh Minh kỳ vọng hiện vật này sẽ góp phần giáo dục về truyền thống của Lữ đoàn Tăng 273 nói riêng, truyền thống đấu tranh của dân tộc nói chung cho Nhân dân và du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Cùng lúc, Lữ đoàn và Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh phối hợp phục dựng mô hình xe tăng 021 để trưng bày tại Triển lãm tài liệu lưu trữ, trao trả hồ sơ cán bộ đi B vào ngày 17-4. Vừa tỉ mỉ tạo hình, sơn sửa, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Đàm Văn Minh (thợ sửa chữa, Đại đội sửa chữa 30) thông tin: Mô hình phục dựng theo tỷ lệ 3:4 với các vật liệu như: sắt, tôn, xốp, mút, bạt… Tổng trọng lượng của mô hình khoảng hơn 2 tạ.
“Trước giờ, tôi đã làm 2 mô hình xe tăng nên cũng có chút kinh nghiệm, trong đó mô hình xe 021 là lớn nhất. Chúng tôi tự hào khi được giới thiệu đến công chúng chiến công của đơn vị trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Theo tôi, không có cách giáo dục lịch sử nào trực quan, sinh động, hiệu quả hơn cách này”-Thiếu tá Đàm Văn Minh nhấn mạnh.
Trao đổi xung quanh câu chuyện về kíp xe anh hùng, Trung tá Nguyễn Ngọc Quân-Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Tăng 273-chia sẻ: “Lấy xe địch đánh địch” là lối đánh tiêu biểu của quân ta. Nhân dịp lễ, Tết, Lữ đoàn thường gửi quà tri ân cả 4 người trong kíp xe; Trưởng xe Nguyễn Văn Hỗ hiện đang sống ở Phú Thọ thỉnh thoảng vào thăm Gia Lai.
“Với ý nghĩa lịch sử của xe tăng 021, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn làm ngày, làm đêm để kịp phục dựng mô hình nhằm đưa ra trưng bày tại Triển lãm tài liệu lưu trữ, trao trả hồ sơ cán bộ đi B”-Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Tăng 273 cho hay.