Diệt trừ tham nhũng, tiêu cực từ gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công an tỉnh Bắc Ninh vừa khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Thế Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Bắc Ninh và ông Phạm Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh này, để điều tra sai phạm liên quan đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP.Bắc Ninh.

Trước đó, Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, để điều tra sai phạm trong việc mua thuốc chống dịch cúm A/H5N1 gây thiệt hại hàng triệu USD, xảy ra từ năm 2006.

Rồi đây, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Bắc Ninh Nguyễn Thế Tuấn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các sai phạm khi ông này còn giữ chức Trưởng phòng Tài chính kế hoạch TX.Từ Sơn (nay là TP.Bắc Ninh). Còn ông Cao Minh Quang, sau nhiều năm nghỉ hưu, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cho sai phạm xảy ra cách nay hơn 15 năm, khi ông còn là Cục trưởng Cục Quản lý dược.

Hai vụ án hình sự nêu trên một lần nữa cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật, khi cán bộ đã làm sai thì vào bất cứ thời điểm nào cũng có thể bị xử lý, kể cả lên chức hay “hạ cánh” tưởng như an toàn.

Thế nhưng từ diễn biến, tính chất của 2 vụ án nêu trên, cũng như nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực từng phát hiện, đang cho thấy một vấn đề khác, đó là chúng ta mới giải quyết tốt được phần ngọn, tức là giải quyết, khắc phục những hậu quả sai phạm của cán bộ đã xảy ra từ nhiều năm trước đây. Trong khi đó, phần gốc, là việc phát hiện sớm các sai phạm, chưa được quan tâm giải quyết. Báo cáo của các ngành nội chính trong nhiều năm gần đây cũng từng thừa nhận thực trạng công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, còn có nơi dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh.

Phát biểu kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về việc trong thời gian tới hệ thống chính trị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để “cán bộ không thể tham nhũng”. Trong đó, tập trung hướng vào chuyện không dám tham nhũng bằng hình phạt đúng mức, chính sách chặt chẽ, công khai minh bạch và sự giám sát của người dân.

Từ chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho thấy, trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, cần có các cơ chế để ngăn chặn, phát hiện sớm sai phạm tại thời điểm mới phát sinh, không để sai phạm xảy ra từ nhiều năm rồi mới được phát hiện, người có hành vi sai phạm được luân chuyển, bổ nhiệm lên các chức vụ cao rồi mới bị xử lý.

Nếu không xử lý được từ gốc, thì mãi mãi chúng ta chỉ chạy theo sau tham nhũng mà thôi.

Theo THÁI SƠN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Du lịch đã trở thành điểm sáng vượt trội trong bức tranh kinh tế TPHCM tháng 4 khi chỉ trong 15 ngày (từ ngày 2-4 đến 4-5) đã phục vụ gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 15.700 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu dịp Tết Ất Tỵ.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...